Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield phát biểu, bên cạnh đại sứ Nhật Bản tại Liên Hợp Quốc và đại diện thường trực Hàn Quốc sau cuộc họp hôm 5/10. Ảnh: Reuters. |
Triều Tiên đã thực hiện thêm một vụ phóng tên lửa đạn đạo khác vào sáng 6/10 (theo giờ địa phương) khi cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc diễn ra. Đây là lần thứ 6 Triều Tiên thử vũ khí trong vòng chưa đầy hai tuần.
Nước này đã bắn gần 40 tên lửa đạn đạo trong khoảng 20 sự kiện bắn thử khác nhau trong năm nay.
Mỹ cáo buộc Trung Quốc và Nga “bảo vệ” Triều Tiên trước nỗ lực của Hội đồng Bảo an nhằm tăng cường lệnh trừng phạt Bình Nhưỡng trước các chương trình vũ khí của nước này.
“Triều Tiên được hưởng sự bảo vệ toàn diện từ 2 thành viên trong hội đồng này”, Reuters dẫn lời Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield nói hôm 5/10. “Nói tóm lại, 2 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an (Liên Hợp Quốc) cho phép ông Kim Jong Un làm điều đó”.
Sau cuộc họp hôm 5/10, 9 thành viên của Hội đồng Bảo an - gồm Mỹ, Anh, Pháp, Albania, Brazil, Ấn Độ, Ireland, Na Uy và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất - đã lên án vụ phóng tên lửa của Triều Tiên trong một tuyên bố chung.
Quang cảnh cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm 5/10 tại New York. Ảnh: Reuters. |
Trong khi đó, Trung Quốc và Nga không muốn có một cuộc họp hội đồng công khai, khẳng định điều này không giúp xoa dịu tình hình.
Phó đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc, Geng Shuang, nói rằng Hội đồng Bảo an cần phải đóng vai trò mang tính xây dựng, "thay vì chỉ dựa vào những lời nói hoặc sức ép mạnh mẽ".
"Các cuộc thảo luận góp phần làm giảm bớt căng thẳng, thay vì thúc đẩy leo thang”, ông nói. “Họ nên thúc đẩy nối lại đối thoại thay vì nhân rộng khác biệt, tạo ra sự đoàn kết thay vì chia rẽ”.
Hồi tháng 5, Trung Quốc và Nga phủ quyết nỗ lực do Mỹ dẫn đầu nhằm áp đặt thêm các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với Triều Tiên về các vụ phóng tên lửa đạn đạo. Reuters cho hay đây là lần đầu tiên 2 nước công khai lên tiếng kể từ khi bắt đầu trừng phạt Bình Nhưỡng hồi năm 2006.
Phó đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc, Anna Evstigneeva, nói rằng "việc đưa ra các biện pháp trừng phạt mới áp lên Triều Tiên là ngõ cụt" và "không có kết quả".
“Chúng tôi tin rằng cần sử dụng các cơ chế của Liên Hợp Quốc và Hội đồng Bảo an hỗ trợ đối thoại liên Triều và các cuộc đàm phán đa phương hơn là biến chúng trở thành trở ngại”, bà nói.