Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani. Ảnh: AP |
Tờ Sankei Shimbun đưa tin, sau khi dự Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN và 8 nước đối tác (ADMM+) tại Kuala Lumpur, Malaysia, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani sẽ thăm Việt Nam từ ngày 5 tới 7/11.
Trong chuyến thăm, ông Nakatani sẽ tới khu quân cảng Cam Ranh của Việt Nam ngày 5/11, tờ DPA của Đức cho hay. Quân cảng Cam Ranh nằm không xa khu vực Trung Quốc đang bồi lấp phi pháp trên Biển Đông.
Một nguồn tin ngoại giao chia sẻ với Zing.vn rằng, ông Natakani sẽ hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh tại trụ sở Bộ Quốc phòng ở thủ đô Hà Nội trong sáng 6/11. Hai nhà lãnh đạo quốc phòng của Nhật Bản và Việt Nam sẽ thảo luận về hoạt động bồi đắp quy mô lớn của Trung Quốc trên các bãi đá ở Biển Đông, theo Nikkei.
Ông Nakatani sẽ giải thích rõ luật an ninh mà Tokyo ban hành hồi tháng 9 nhằm mở rộng vai trò cho binh sĩ Nhật Bản ở nước ngoài.
"Cuộc hội đàm của bộ trưởng hai nước diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trong khu vực sau khi Mỹ điều tàu vào vùng 12 hải lý quanh đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép ở Biển Đông", hãng Kyodo dẫn các nguồn tin ngoại giao Nhật cho hay.
Bộ trưởng Quốc phòng Nakatani và Bộ trưởng Phùng Quang Thanh có thể ký kết một số thỏa thuận trong cuộc họp, kênh truyền hình NHK nhận định. Ông Nakatani cũng có thể thảo luận về sự hỗ trợ từ Nhật Bản đối với Việt Nam trong quá trình nâng cao năng lực quân sự.
Theo nguồn tin ngoại giao, chiều 6/11, người đứng đầu Bộ Quốc phòng Nhật Bản sẽ chào xã giao Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Sáng 7/11, ông Nakatani sẽ trở về Nhật.
Tàu tuần tra của lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản. Ảnh: Kyodo |
Theo Nikkei, Nhật Bản đã lên kế hoạch đưa tàu tới Cam Ranh, Khánh Hòa lần đầu tiên vào năm 2016. Phía Nhật Bản cho biết, các tàu của Lực lượng Phòng vệ Biển sẽ tới Cam Ranh để tiếp nhiên liệu, lương thực, thực phẩm và các vật tư khác.
VOA đưa tin hai tàu tuần tra Nhật Bản đã cập cảng Đà Nẵng hôm 2/11. Chúng thuộc nhóm 6 tàu mà Nhật Bản cam kết hỗ trợ Việt Nam. Tokyo cũng cung cấp các thiết bị và tư vấn kỹ thuật để chúng có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông.
Zack Cooper, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cho rằng, mối lo ngại của Nhật Bản tăng gấp đôi, gồm mối đe dọa cho sự ổn định của khu vực và hành động quyết đoán của Trung Quốc tại các vùng biển tranh chấp.
“Nếu Trung Quốc được phép chèn ép các nước nhỏ hơn ở Biển Đông, nó sẽ tạo ra một tiền lệ nguy hiểm cho các quốc gia lớn như Nhật Bản, vốn đang phải đối mặt với việc Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền ở biển Hoa Đông”, Japan Times dẫn lời ông Cooper nói.
Trong khi tranh chấp trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư giữa Nhật và Trung Quốc từ lâu làm lu mờ vấn đề Biển Đông trong xã hội Nhật Bản, một số quan chức chính phủ và các chuyên gia tin rằng vấn đề ở hai vùng biển có mối liên hệ chặt chẽ.
“Đối với Nhật Bản, vấn đề Biển Đông quan trọng hơn, không chỉ nhìn từ góc độ kinh tế, mà còn từ khía cạnh quân sự/chiến lược. Biển Hoa Đông là vấn đề mang tính chiến thuật và dễ kiểm soát hơn”, Ian Story, nhà nghiên cứu về hàng hải châu Á – Thái Bình Dương thuộc Viện Yusof Ishak (ISEAS), nhận định.