Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lịch tiếp dân công khai bên trong, bảo vệ gác bên ngoài

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng còn tình trạng lịch tiếp dân công khai trong cơ quan, bảo vệ ở ngoài gác không ai đến được.

Trách nhiệm tiếp dân của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị là nội dung nhận được nhiều góp ý trong phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 13/9. Phiên họp cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát chuyên đề thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong 5 năm, từ 1/7/2016 đến 1/7/2021.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhìn nhận việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là rất khó và đụng chạm. Để làm tốt công tác này phải có sự tâm huyết.

lanh dao tiep dan anh 1

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Phạm Thắng.

Thừa nhận còn tình trạng ngại tiếp dân, trốn tránh tiếp dân, Phó chủ tịch Quốc hội nêu thực tế không có người dân đến tham gia buổi tiếp dân. Lý do, theo ông Định, ở các cơ quan, lịch công khai bên trong nhưng bên ngoài bảo vệ gác cửa, không ai đến được. Ông đề nghị chấn chỉnh việc này.

Từ thực tiễn công tác ở địa phương, ông Định gợi ý nên mời đoàn luật sư, chủ tịch đoàn luật sư, chủ tịch hội luật gia tham gia. “Lúc đó, luật gia, luật sư trực tiếp trả lời, giải thích cho người dân thì rất ổn”, ông nói.

Theo đánh giá Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc thực hiện tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp chưa đảm bảo so với quy định của luật.

“Tỷ lệ bình quân bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ tiếp đạt 38%, chủ tịch tỉnh đạt 56%, chủ tịch huyện đạt 94%, chủ tịch xã đạt 49% so với quy định”, báo cáo nêu rõ việc tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu chủ yếu ủy quyền cho cấp phó.

Bình luận về kết quả giám sát, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặt vấn đề, có cần xem lại các quy định hay không.

“Trách nhiệm của bộ trưởng, chủ tịch tỉnh, chủ tịch huyện, xã một năm tiếp công dân bao nhiêu ngày, thì hầu như không thực hiện được. Vậy là do chúng ta không thực hiện được, hay do quy định pháp luật không phù hợp?”, ông Huệ nêu vấn đề.

Về việc chủ yếu ủy quyền cho cấp phó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị làm rõ giải pháp tăng cường trách nhiệm người đứng đầu. “Cấp phó mà nay anh này, mai anh khác tiếp, một vụ việc không liên tục được không?”, ông Huệ băn khoăn.

lanh dao tiep dan anh 2

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ băn khoăn về việc tiếp công dân của một số lãnh đạo địa phương. Ảnh: Phạm Thắng.

Trong khi đó, Phó thủ tướng Lê Minh Khái dẫn lại Luật tiếp công dân quy định chủ tịch xã trực tiếp tiếp công dân ít nhất một ngày trong một tuần; chủ tịch huyện tiếp công dân ít nhất 2 ngày/tháng; chủ tịch tỉnh trực tiếp tiếp công dân ít nhất 1 ngày/tháng.

Đánh giá việc người đứng đầu, chủ tịch tỉnh trực tiếp tiếp công dân là tốt, song khi ủy quyền cho cấp phó tiếp, Phó thủ tướng lưu ý phải tiếp nhận, phản ánh đầy đủ nội dung, thông tin của công dân và xử lý nghiêm túc.

Từ đó, Phó thủ tướng đề nghị báo cáo giám sát có kiến nghị, giải pháp để thực hiện trong thời gian sắp tới.

Có địa phương bố trí cán bộ nghỉ hưu để tiếp dân

Đoàn giám sát của Ủy ban TVQH nêu thực tế còn tình trạng bố trí cán bộ làm công tác tiếp dân chưa phù hợp, có địa phương bố trí người kém năng lực hoặc nghỉ hưu làm việc này.

Hoài Thu - Hồng Quang

Bạn có thể quan tâm