Sáng 13/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát chuyên đề thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong 5 năm, từ 1/7/2016 đến 1/7/2021.
Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết Đoàn giám sát ghi nhận trách nhiệm tiếp công dân định kỳ, tiếp công dân đột xuất của người đứng đầu cơ quan hành chính có nhiều chuyển biến tích cực.
Theo báo cáo năm 2022 của Chính phủ, người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp trực tiếp tiếp công dân chiếm 79,3% so với quy định. Trong đó, chủ tịch UBND cấp tỉnh trực tiếp tiếp 77% so với quy định - cao hơn 21% so với bình quân 5 năm trước đó.
Bộ trưởng tiếp dân với tỷ lệ 37,61%
Thông qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, cơ quan hành chính các cấp trong 5 năm (2016-2021) đã chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 65 vụ việc. Riêng năm 2022, các đơn vị đã chuyển cơ quan điều tra để xử lý hình sự 31 vụ việc, 34 đối tượng, trong đó có 13 cán bộ, công chức có sai phạm.
Đại biểu Dương Thanh Bình, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội. Ảnh: Phạm Thắng. |
Về tình hình khiếu nại, tố cáo, Đoàn giám sát nêu thực tế số vụ việc khiếu nại, tố cáo về hành chính có xu hướng giảm nhưng số vụ việc thuộc lĩnh vực tư tiếp tục tăng, nhất là án hành chính, dân sự - kinh tế.
Các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp chủ yếu phát sinh trong lĩnh vực hành chính, có nội dung khiếu nại liên quan đến việc thu hồi đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội.
Trong thực hiện pháp luật về tiếp công dân, Đoàn giám sát ghi nhận việc thực hiện trách nhiệm tiếp công dân định kỳ, tiếp công dân đột xuất của người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp đã có những chuyển biến tích cực.
Song bên cạnh đó, nhiệm vụ này còn một số tồn tại. Điển hình là tình trạng tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu cơ quan hành chính chưa được quan tâm đúng mức và thực hiện đầy đủ theo quy định của luật.
Cụ thể, tỷ lệ bình quân bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ tiếp chỉ 37,61%; chủ tịch UBND cấp tỉnh đạt 56%; chủ tịch UBND cấp huyện đạt 90%; chủ tịch UBND cấp xã đạt 49% so với quy định.
Đặc biệt, theo Đoàn giám sát, vẫn còn tình trạng bố trí cán bộ làm công tác tiếp dân chưa phù hợp, cá biệt có địa phương bố trí cán bộ kém năng lực, sắp nghỉ chế độ hoặc bố trí cán bộ nghỉ hưu làm theo hợp đồng để tiếp công dân.
Nguyên nhân xuất phát từ trách nhiệm tiếp công dân của một số cán bộ, công chức, người đứng đầu cơ quan, đơn vị chưa cao, còn có biểu hiện đùn đẩy, né tránh, ngại tiếp dân. Bên cạnh đó, đội ngũ công chức làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn thiếu về số lượng; trình độ chuyên môn, năng lực và kinh nghiệm còn hạn chế.
Kẽ hở pháp luật, cán bộ trục lợi “làm giàu bất chính”
Trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, việc tiếp nhận, chất lượng công tác thẩm tra, xác minh trong quá trình giải quyết, nhất là lần đầu của cấp huyện có nơi còn làm chưa kỹ, có sai sót nên dẫn đến nhiều vụ việc phải xem xét, giải quyết nhiều lần. Vẫn còn một số ngành, địa phương chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm phối hợp trong công tác giải quyết, cử cán bộ tham gia đối thoại không đúng thành phần…
Trong khi đó, văn bản quy phạm pháp luật trong một số lĩnh vực còn nhiều “kẽ hở”, tạo cho những người có chức vụ, quyền hạn, điều kiện để “lách luật” trục lợi, làm giàu bất chính.
Hơn nữa, chính sách pháp luật có sự thay đổi qua nhiều giai đoạn, mỗi địa phương quy định khác nhau, thiếu quy định chuyển tiếp, quy định thiếu rõ ràng, cụ thể, chồng chéo, mâu thuẫn nên khi giải quyết không có đủ cơ sở pháp lý hoặc gây lúng túng trong việc áp dụng pháp luật.
Để khắc phục những hạn chế đó, Đoàn giám sát đề nghị Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo Thanh tra Chính phủ, chủ tịch địa phương tăng thanh tra, kiểm tra, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Đồng thời, các bộ ngành, địa phương cần nâng cao hiệu quả công tác quản lý đối với các ngành, lĩnh vực và địa bàn phụ trách, đặc biệt là trong lĩnh vực đất đai; trật tự xây dựng, quy hoạch đô thị, nhằm hạn chế phát sinh khiếu nại, tố cáo.