Ông bà ta có câu thật hay “Trăm nghe không bằng một thấy”, ý nói rằng có những điều chúng ta nghe, đọc từ nhiều nguồn nhưng tới khi tận mắt chứng kiến thì hoàn toàn trái ngược. Và nó còn mang hàm ý: muốn đi đến tận cùng bản chất của thứ gì đó, thì phải nghiên cứu, kiểm chứng kỹ lưỡng, phải sờ tận tay, day tận mặt một cách trực tiếp chứ không chỉ thông qua “lời người ta nói” hay những ghi chép gián tiếp được.
Trăm nghe không bằng một thấy
Đó chính là chức năng của bảo tàng, nơi trưng bày và lưu giữ tài liệu, hiện vật về lịch sử, văn hóa. Mục đích của bảo tàng là để trợ giúp giáo dục, học tập, nghiên cứu và thỏa mãn trí tò mò tìm hiểu về quá khứ. Vậy làm sao để những hiện vật tại bảo tàng có thể cất lên tiếng nói? Làm sao để mọi người “thấy” được điều gì đó khi tiếp cận? Liệu có thể xây dựng lên một câu chuyện lịch sử về chính loài người chúng ta thông qua những hiện vật ấy?
Đó chính là đề bài mà đài BBC Radio 4 đặt ra cho Neil MacGregor, vị sử gia nghệ thuật (sinh năm 1946) từng đảm trách chức vụ Giám đốc Bảo tàng Quốc gia London (Nation Gallery London) từ năm 1987 tới 2002, và sau đó là Giám đốc Bảo tàng Anh (British Museum) từ 2002 tới 2015. Rõ ràng không ai có đủ khả năng và thẩm quyền hơn ông để trả lời câu hỏi đó. Bởi Bảo tàng Anh nắm giữ bộ sưu tập lớn nhất trên thế giới, gồm 8 triệu hiện vật. Đó là bảo tàng cộng đồng dành riêng cho lịch sử, nghệ thuật và văn hóa nhân loại, bao phủ mọi lĩnh vực tri thức, nơi chất chứa bằng chứng về nhân loại từ khởi nguồn tới nay.
Sau bốn năm chuẩn bị, dự án kết hợp giữa đài BBC Radio 4 vào Bảo tàng Anh: chương trình Lịch sử Thế giới qua 100 Hiện Vật bao gồm 100 số phát thanh do Giám đốc Bảo tàng Anh Neil MacGregor biên soạn và trình bày chính thức lên sóng vào ngày 18/1/2010 và kéo dài suốt 20 tuần.
Trong vòng mười lăm phút lên sóng, Niel MacGregor sử dụng các hiện vật, toàn bộ đến từ bộ sưu tập của Bảo tàng Anh, để kể một câu chuyện về lịch sử nhân loại. Nó trở thành một hiện tượng phát thanh, vượt xa mức mong đợi của những người làm chương trình. Vào tuần cuối cùng phát sóng, nó thu hút gần 4 triệu thính giả nghe đài, và tổng số lượt tải về trên podcast vượt ngưỡng 10 triệu. Thành công của dự án giúp cho Bảo tàng Anh nhận được giải thưởng Art Fund Prize vào năm 2011, và chương trình còn được phát lại thêm vài lần nữa, lần gần nhất là vào mùa hè năm 2021.
Sách Lịch sử thế giới qua 100 hiện vật. |
Cuốn sách trên tay bạn là sản phẩm đi cùng loạt chương trình đó. Neil MacGregor đã mang tới một cách tiếp cận độc đáo đối với lịch sử nhân loại: ông cùng các cộng sự lựa chọn ra 100 hiện vật, kể từ công cụ bổ chẻ bằng đá 2 triệu năm tuổi (thời điểm loài Homo Sapiens thậm chí chưa xuất hiện) cho tới cây đèn năng lượng Mặt trời của thời ta đang sống, để kể một câu chuyện về chính chúng ta thông qua hiện vật.
Bạn hãy tưởng tượng tác giả đặt quả địa cầu trước mặt mình, xoay xoay nó và nhặt ra từng cụm 5 hiện vật, rải đều trên khắp các lục địa vào gần như cùng thời điểm theo những mốc thời gian tịnh tiến. Thế rồi ông ngồi xuống cùng với các vị khách mời (mà tôi thấy nghĩ nhiều bạn đọc sẽ cảm thấy thân thuộc: Jared Diamond, Karen Armstrong, Tom Bingham...) để cùng thảo luận.
Để hiện vật cất lên tiếng nói
Thông qua góc nhìn của MacGregor, lịch sử là chiếc kính vạn hoa - biến ảo, đan cài, luôn gây bất ngờ và tạo nên một thế giới mà trước nay ta chưa hình dung ra. Chẳng hạn như một cột đá lại kể ta nghe về vị hoàng đế Ấn Độ thuyết giảng về lòng khoan dung đối với thần dân; hay chiếc mũ trụ trong ngôi mộ thuyền Sutton Hoo lại khiến chúng ta nhận ra rằng sử thi Beowulf chẳng phải chỉ là sáng tạo thi ca, nó còn là ký ức vẹn nguyên về một thế giới huy hoàng trong quá khứ.
Chúng ta đã quen với lịch sử trên văn tự, nhưng đối với những nền văn minh không có chữ viết, và đã biến mất thì làm sao đây? Chỉ còn hiện vật mới có thể lên tiếng thay cho họ. Bức tượng nữ thần của người Huastec, tộc người không có chữ viết bị người Aztec thôn tính, rồi đến người Aztec lại bị người Tây Ban Nha chinh phục. Đó là hiện vật khiến tác giả cảm thấy khó khăn nhất để tìm về cách nhìn thấu thông qua hai tầng bộ lọc ghi chép lịch sử của hai nền văn hóa khác hẳn nhau.
Quan sát hiện vật, để hiện vật cất lên tiếng nói, làm sao để khôi phục được ý nghĩa chính xác của hiện vật cũng như trân trọng những con người làm ra hiện vật ấy là điều Neil MacGregor đã làm. Vậy là ngay đến cả sự lãng quên, trong cuốn sách này, cũng cất lên tiếng nói.
Thật thú vị khi ta biết rằng câu chuyện 100 Hiện vật vẫn còn chưa chấm dứt. Vào chương trình phát sóng ngày 25/12/2020, Neil MacGregor cùng các vị khách mời đã cùng thảo luận để bổ sung thêm hiện vật thứ 101 đại diện cho câu chuyện thế giới của chúng ta đã thay đổi ra sao kể từ khi loạt chương trình kết thúc.
Rốt cuộc hiện vật được chọn trong bộ sưu tập của Bảo tàng Anh là bức điêu khắc “Dark Water, Burning World” (tạm dịch: Con nước thẳm đen, thế gian bùng cháy”) của nghệ sĩ người Anh gốc Syria Issam Kourbaj. Chúng miêu tả các con thuyền nhỏ bé, mong manh chất đầy những que diêm - hiện thân cho tình cảnh tuyệt vọng của những người tị nạn chạy khỏi cuộc Nội chiến Syria nói riêng cũng như những người di cư nói chung.
Vậy đấy, trải qua suốt chiều dài mênh mông của lịch sử, từ đầu chí cuối ta vẫn thấy lởn vởn hình bóng của chiến tranh, xung đột, tị nạn và thân phận con người.
Tôi sẽ không dông dài nữa, để bạn có thể lật ngay sang trang và tiến vào thế giới của các hiện vật. Người ta nói “đọc sách là được sống cuộc đời khác”, cụ thể với cuốn sách này tôi thấy không có gì sai cả, bản thân tôi mỗi ngày dịch xong câu chuyện về một hiện vật, được chu du trên chuyến hành trình từ chiếc chén Trung Hoa thời Hán, ghé qua di tích đền thờ Phật Borobudur tại Indonesia, rong ruổi tới tận Đông Phi để cầm trên tay những mảnh nồi niêu vỡ tại Tanzania, chẳng hạn vậy, quả thật là kỷ niệm không thể nào quên.
Hy vọng bạn cũng có cảm giác đó giống tôi, để được sống cùng cuộc đời của hiện vật, theo chân nó băng qua không-thời gian để đến với các nền văn minh khác nhau, dẫu đã lãng quên hay vẫn còn âm hưởng vang vọng trong bản sắc của các dân tộc trên khắp địa cầu.