Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lịch sử ít biết về ramen - món ăn quốc dân của Nhật Bản

“Lịch sử chưa kể về ramen” là cuốn sách nói về món ăn theo cách mới, đậm đà dấu ấn lịch sử, văn hóa, xã hội của đất nước Nhật Bản.

Tonkotsu Ramen, một trong tám món Ramen Nhật Bản mang tính biểu tượng. Nguồn: asianinspirations.

Có rất nhiều người trong chúng ta biết đến sự phổ biến của mì ramen trong văn hóa Nhật Bản đương đại, nhưng ít ai biết về câu chuyện lịch sử - chính trị - xã hội ẩn giấu đằng sau món mì được khai sinh trong thời kỳ hỗn loạn của đất nước này.

Mì ramen: sự giao thoa giữa ẩm thực, văn hoá, lịch sử

Cuốn Lịch sử chưa kể về Ramen, của tác giả George Solt - giáo sư ngành Lịch sử Nhật Bản hiện đại (Khoa Lịch sử, Đại học New York) - kể lại cuộc hành trình biến đổi của mì ramen có nguồn gốc khiêm tốn từ Trung Quốc cho đến một thương hiệu toàn cầu đại diện cho ẩm thực Nhật Bản.

Cuốn sách cũng phản ánh quá trình tái thiết sau chiến tranh của Nhật Bản, những điều kỳ diệu về kinh tế và nhịp đập của xã hội Nhật Bản. George Solt đã mang đến một hành trình toàn diện và khai sáng vào thế giới ramen, giúp độc giả đánh giá lại món mì nổi tiếng với một sự tôn trọng mới dành cho lịch sử phong phú của nó.

“Nỗ lực của tôi trong việc biên lại về lịch sử về mì ramen là nhằm tìm hiểu về sự biến động trên phương diện văn hóa và chính trị của món ăn này theo thời gian, đồng thời kiến giải những tác động đang hình thành dựa trên xu hướng sản xuất và tiêu thụ ramen”, George Solt viết trong cuốn sách.

Ngoài hai phần dẫn nhập mang tên “Món ăn quốc dân” và phần kết “Thời gian sẽ trả lời” có nhiệm vụ mở ra và tạm kết một câu chuyện ẩm thực Nhật Bản, cuốn sách được chia thành hai phần. Ba chương đầu kể về lịch sử của mì ramen, khi nó du nhập vào Nhật Bản từ Trung Quốc vào cuối thế kỷ 19 cho đến những năm 1960, khi đây trở thành món ăn chính của giới công nhân xây dựng.

Hai chương cuối theo dõi quá trình biến chuyển của mì ramen trong những năm 1980 và 1990 thành món ăn quốc dân trứ danh của Nhật, từ đó khắc hoạ chủ nghĩa quân bình (egalitarianism) khi nghề thủ công được dành nhiều sự ưu tiên hơn là lợi nhuận, cũng như công cuộc quốc tế hóa mì ramen như một nhân tố biểu tượng cho nền văn hóa ôn hòa của Nhật Bản trong những năm 2000 và sau này.

Mi ramen anh 1

Sách Lịch sử chưa kể về ramen. Ảnh: M.C.

Hành trình trở thành của biểu tượng ẩm thực quốc gia Nhật Bản

Ramen với sợi mì, nước dùng, nước xốt gia vị… bắt đầu xuất hiện ở Nhật Bản vào khoảng những năm 1880, dưới dạng món ăn giá rẻ, ngon miệng, nguồn gốc từ Trung Quốc. Đó là khi người Hoa di cư từ vùng Quảng Đông bắt đầu nhận việc đứng bếp tại các nhà hàng phụ vụ người nước ngoài ở Yokohama, một thành phố cảng nhộn nhịp.

Trong giai đoạn chớm nở này, các đầu bếp Trung Quốc chủ yếu phục vụ món mì cùng các món ăn khác cho giới lao động và sinh viên của nước họ. Tuy nhiên, từ những năm 1910, giới chủ nhà hàng Nhật Bản đã biến món ăn này thành khẩu phần ăn trưa no đủ với các nguyên liệu chưa từng có trong phiên bản mì nước của người Hoa, như thịt lợn quay, nước tương, măng ngâm.

Trong những năm 1910-1920, xu hướng sản xuất và tiêu thụ mì ramen đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống đô thị hiện đại của tầng lớp lao động tại Nhật Bản.

Mức độ phổ biến của ramen càng tăng lên khi dân số lao động ở thành thị của Nhật mở rộng trong những năm 1920 và 1930. Tuy nhiên, thực trạng thiếu lương thực do hệ quả của chiến tranh, đầu tiên là với Trung Quốc năm 1937 và sau đó là Mỹ vào năm 1941, khiến nhu cầu tiêu thụ ramen của người dân Nhật Bản bị ngừng trệ trong những năm 1940.

Khi chiến tranh kết thúc vào tháng 8 năm 1945, không chỉ ramen, vốn gần như khó có thể tìm thấy ở bất kỳ đâu, mà mọi thực phẩm đều trở nên khan hiếm. Đó là hệ quả của bom rơi đạn lạc, của các lệnh phong tỏa, và của mùa màng thất bát. Mặc dù nạn đói và tình trạng khan hiếm phô bày hiện trạng lương thực trong hai năm đầu sau thất bại của Nhật trong Thế chiến thứ hai, nhưng sau năm 1947, các chuyến hàng nhập khẩu lúa mì khẩn thiết của quân đội Mỹ sang Nhật Bản đã khôi phục sản xuất và giúp hồi phục sức tiêu thụ ramen trên quy mô lớn.

Chính sách nhập khẩu lúa mì từ Mỹ (cũng như từ Canada và Australia) tiếp tục được ban hành đều đặn sau thời điểm kết thúc giai đoạn chiếm đóng vào năm 1952, từ đó làm thay đổi cơ bản thói quen ăn uống của người Nhật và của người dân các quốc gia đồng minh khác của Mỹ tại Đông Á thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Vào những năm 1960, văn hóa ramen lan rộng khi xuất hiện thêm nhiều cơ hội việc làm trong ngành xây dựng và công nghiệp nặng, và tới những năm 1980, ramen đã thu hút sự chú ý của cả nước khi được truyền thông đại chúng mô tả như một món ăn yêu thích của giới trẻ sành điệu.

Các tiệm ramen có tiếng tăm ở địa phương tự biến mình thành điểm thu hút khách du lịch trong nước, vô số chương trình truyền hình đặc biệt, tạp chí và sách hướng dẫn tranh đua nhau để có thể mang đến các bí quyết (trong phương pháp nấu) cho công chúng háo hức tìm đọc, suy ngẫm, bàn luận về những ưu và nhược điểm của món ăn này.

Sự kiện khánh thành một công viên giải trí lấy chủ đề mì ramen vào năm 1994, cùng những chiến dịch quảng bá rộng khắp liên quan đến công viên này, đã củng cố vị thế của ramen như một nhân tố biểu tượng cho ẩm thực quốc gia Nhật Bản.

Chính sách xuất khẩu ra toàn cầu được phát động từ những năm 1990 đã giúp làm vững chãi hình tượng nước Nhật ở nước ngoài, trong khi ở trong nước, xu hướng đương thời khi đó là làm nổi bật các biến thể theo vùng miền về nguyên liệu, phương pháp nấu và các thuật ngữ, cũng như cá tính riêng của từng đầu bếp nổi tiếng với chương trình truyền hình thực tế của riêng họ.

Xuyên suốt quá trình này, ramen đã lên ngôi để trở thành một biểu tượng cho đời sống thường nhật của người Nhật, và từ đó là biểu tượng cho toàn bộ quốc gia.

Tuy nhiên, đó mới là khúc dạo đầu cho việc cho sự phổ biến toàn cầu của món ăn này trong những năm 2000. Ở chương cuối cuốn sách, tác giả đã nhấn mạnh đặc biệt mức độ phổ biến của mì ramen trong công đồng giới trẻ ở NewYork và California.

Tác giả đã kết lại cuốn sách này bằng một nhận định rằng, chúng ta có thể quan sát quá trình tái định vị chính sách lao động và chính sách quốc gia của Nhật Bản bằng cách xem xét kỹ nền văn hóa ramen đang ngày càng nở rộ.

Tóm lại, với việc đi sâu vào câu chuyện của một món ăn đã thành biểu tượng của sự hiện đại, Lịch sử chưa kể về Ramen không chỉ cung cấp những hiểu biết có giá trị về sự giao thoa giữa ẩm thực, văn hóa và lịch sử. Sách còn giúp người đọc có thể hiểu được những thay đổi xã hội và động lực chính trị ở phạm vi rộng hơn tại Nhật Bản hiện đại.

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho ZNews

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. ZNews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng.

Cơm cuộn Hàn Quốc có nguồn gốc từ Nhật Bản

Trong quá khứ, khi đi tàu người dân Hàn Quốc thường tìm tới cơm cuộn hoặc bánh gạo. Nhưng từ khi nào thì cơm cuộn đã trở thành món ăn thay bữa tiện lợi khi đang di chuyển?

Cánh cửa dẫn lối vào văn hóa Nhật Bản

“Vạn diệp tập” với hơn 4.000 bài thơ được xem là quốc bảo, chứa đựng văn hóa, tinh thần con người Nhật Bản.

Văn hóa, lịch sử Nhật bắt rễ từ huyền thoại

Tác phẩm "Mặt khác của trăng" là biện giải sâu sắc, cô đọng về Nhật Bản, được tiếp cận dưới góc nhìn nhân học cùng tình yêu đất nước này của Claude Lévi-Strauss.

Khoang cach tu tham lam den tham vong hinh anh

Khoảng cách từ tham lam đến tham vọng

0

Tham vọng bắt nguồn từ tâm tham cầu - một trong những phiền não lớn nhất của con người. Gọi nó là phiền não vì nó luôn khiến cho ta khổ, nắm bắt được cũng khổ mà không được cũng khổ. Tâm tham cầu cũng chính là mặt khác của tâm sân hận, cả hai đều xuất phát từ tâm si mê. - Tải ngay ứng dụng Voiz FM tại: voiz.vn/download để nghe trọn vẹn nội dung sách!

Minh Châu

Bạn có thể quan tâm