Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lịch sử của những chiếc băng game

Những chiếc băng game đã trở thành ký ức khó phai đối với nhiều thế hệ game thủ. Chúng cũng có một quá khứ thú vị.

Trước khi những phương thức lưu trữ game như đĩa quang học hay kỹ thuật số, và gần nhất là dịch vụ trò chơi đám mây (Cloud Gaming) trở nên phổ biến. Băng game chính là những ký ức khó quên đối với tuổi thơ của hàng triệu game thủ thế giới, trong đó có Việt Nam.

bang game,  may choi game,  lich su anh 1

Băng game là tài sản vô giá một thời với game thủ 8x, 9x. Ảnh: Getty Images.

Có hai người đàn ông đã góp phần tạo nên sự thành công của băng game, Wallace Kirschner và Lawrence Haskel. Câu chuyện của hai người bắt đầu từ những ngày đầu tiên tại công ty Alpert, một công ty chuyên về sản xuất máy tính tiền và các thiết bị điện tín. Tuy nhiên, việc làm ăn không mấy thuận lợi.

Wallace cho biết trước tình hình đó, công ty đã đưa ra một quyết định táo bạo là đầu tư vào ngành công nghiệp game lúc này vẫn còn non trẻ.

Từ những ý tưởng mới mẻ

Ý tưởng kinh doanh ban đầu của Wallace được đúc kết từ hai nhận định thực tế. Đầu tiên là ở chiếc máy game Magnavox Odyssey đang thống lĩnh thị trường lúc bấy giờ.

Cơ chế hoạt động của Odyssey là sử dụng một cổng logic rời tạo ra 3 điểm và một đường thẳng trên TV. Tuy nhiên, điều này khiến số lượng trò chơi trên Odyssey rất giới hạn.

Bên cạnh đó, sự xuất hiện của những con chip Intel, điển hình như 8008 vào năm 1972 hay 8080 vào năm 1974, đã tạo nên bước nhảy vọt đáng kể trong làng công nghệ. Chip Intel từ đó được ứng dụng rộng rãi trên thế giới.

Chính lúc này, Wallace nhận thấy cơ chế của Odyssey sẽ nhanh chóng lỗi thời. Muốn tạo được lợi nhuận cần những game phức tạp hơn, được lập trình vào vi xử lý để hiển thị những điểm bitmap trên màn hình thay vì cách làm của Odyssey.

Nhận thấy được tiềm năng trong ý tưởng của Wallace, công ty Alpert đã đưa Lawrence vào làm việc cùng ông. Cả hai nhanh chóng tìm được điểm chung trong quan điểm.

Lawrence cho rằng người dùng mong muốn một chiếc máy có thể chạy đa phần mềm. Như vậy, họ chỉ phải chi tiền cho một thiết bị và có thể chơi nhiều game khác nhau.

bang game,  may choi game,  lich su anh 2

Wallace Kirschner (trái) và Lawrence Haskell (phải). Ảnh: IGN

Dự án ban đầu của họ có tên Raven, một hệ thống với con chip Intel 8-bit 8008 và một khe RAM 8 kbit. Tuy nhiên, giới hạn về bộ nhớ không cho phép “Raven” chạy được nhiều phần mềm.

“Vào thời điểm đó, bộ nhớ rất đắt. Một game phải có dung lượng dưới 2 Kb. Điều này đã hạn chế khả năng đồ họa của hệ thống”, Lawrence chia sẻ.

Các máy tính ngày xưa nếu muốn chuyển phần mềm liên tục phải sử dụng băng từ hoặc đĩa từ. Kinh phí phát sinh từ hai sản phẩm này là quá đắt cho một thiết bị thương mại.

Bài toán cân bằng giữa lợi nhuận và chất lượng buộc Wallace và Lawrence phải đưa ra một giải pháp kinh tế hơn. Cả hai chuyển sang dùng con chip EPROM, bộ nhớ cho phép lưu trữ dữ liệu ngay cả khi ngắt điện và có thể lập trình lại.

Thông thường EPROM sẽ được hàn trực tiếp vào bảng mạch trên máy. Wallace cho rằng cần phải sử dụng EPROM theo cách thân thiện người dùng hơn. Cả hai đã đưa ra ý tưởng gắn EPROM vào một bảng mạch nhỏ, đặt chúng vào một hộp nhựa, gia cố các chân chip để chúng có thể chịu được việc lắp gỡ nhiều lần.

Và như vậy, nguyên bản đầu tiên của băng game đã ra đời.

Máy game sử dụng băng đầu tiên

Sau khi ý tưởng về băng game được đưa ra, Raven không còn phù hợp với hướng đi của Alpert, công ty không đủ tiềm lực kinh tế để tạo ra một phiên bản tốt hơn. Buộc lòng họ phải nhờ đến bên thứ ba đảm nhiệm thiết kế máy chơi game.

Tuy nhiên, vào thời điểm đó, không ai có thể tưởng tượng được một chiếc máy với những băng game lại có thể sinh ra lợi nhuận, quá trình tiếp thị lại tốn rất nhiều chi phí. Alpert bị hàng loạt ông lớn công nghệ như Sylvania, RCA và Motorola từ chối đề nghị hợp tác. “Họ đều không quan tâm đến chúng tôi”, Wallace kể lại.

Cuối cùng, dự án của Wallace và Lawrence nhận được lời mời đến từ Fairchild, một công ty chuyên về bóng bán dẫn và mạch tích hợp. Việc thiết kế máy được giao cho Jerry Lawson, người sau này trở thành cha đẻ của chiếc máy chơi game Fairchild Channel F, chiếc máy đầu tiên sử dụng băng game.

bang game,  may choi game,  lich su anh 3

Fairchild Channel F mở đầu cho kỷ nguyên băng game. Ảnh: Fastcompany.

Bản thân những băng game của Wallace và Lawrence cũng đã được nâng cấp phỏng theo cấu trúc của băng ghi âm 8 rãnh để phù hợp với Channel F.

Đằng sau sự phát triển của băng game

Channel F ra mắt đã xây dựng được những thành công nhất định. Doanh thu của chiếc máy này giúp các ông lớn ngành game nhận ra tiềm năng của băng, điển hình trong đó có Atari.

Atari lấy cảm hứng từ những băng game của Channel F, thay đổi cấu trúc để tránh vi phạm trí tuệ, gia cố vỏ bọc, chân chip. Hãng nhanh chóng tung ra thị trường phiên bản Atari VCS sử dụng băng game, về sau là Atari 2600.

Mặc dù bán rất chạy vào thời điểm đó, Channel F vẫn bị thụt lùi so với Atari 2600. Trong khi công ty Fairchild chỉ quan tâm đến việc bán được chip trong những máy Channel F, Atari lại chấp nhận hạ giá thành của Atari 2600, thậm chí chịu lỗ, để chiếm lĩnh thị trường.

Sau đó, Atari thu lãi từ việc bán những băng game. Nhờ vào kho game đa dạng, doanh số của Atari 2600 nhanh chóng vượt mặt Channel F với hơn 1 triệu máy bán ra, cùng hàng triệu băng game được tiêu thụ. Trong khi đó, Channel F chỉ bán được 350.000 máy.

Mô hình kinh doanh của Atari đã trở thành chiến lược điển hình của ngành công nghiệp game trong suốt 40 năm qua. Góp phần thúc đẩy doanh số bán băng game, đồng thời, thu hút sự chú ý của hàng loạt ông lớn công nghệ đến với mảnh đất màu mỡ này.

Cùng với sự phát triển của những máy chơi game từ các hãng Nintendo, Sega, Sony... Băng game liên tục được thay hình đổi dạng để bắt kịp thời đại. Nó đã thống lĩnh thị trường trong hơn hai thập kỷ, trở thành sản phẩm thân thuộc đối với game thủ trên toàn thế giới.

Mãi đến những năm 2000, giới hạn về phần cứng của băng game khiến khả năng sáng tạo của các nhà làm game bị cản trở. Những phương thức lưu trữ tối ưu hơn như đĩa DVD, Blu-ray, lưu trữ đám mây dần thay thế cho những băng game nay đã già cỗi.

Hiện tại chỉ còn Nintendo là vẫn sử dụng băng game cho những sản phẩm của mình.

Dù thời đại của băng game đã qua, nó vẫn chứng tỏ được vị thế quan trọng đối với lịch sử ngành công nghiệp game. Mở ra một chân trời mới cho quá trình sáng tạo, thiết kế đồ họa game và để lại trong lòng biết bao game thủ những kỷ niệm đẹp. Các băng game cổ hiện nay đều có giá trị sưu tập rất cao. Nhiều chiếc băng có giá trị lên đến hàng trăm nghìn USD.

Hơn 500.000 tài khoản của nhân viên hãng game bị đánh cắp

Vấn đề bảo mật của các công ty game và người dùng bị đe dọa khi tài khoản của nhân viên liên tục bị rao bán trên chợ đen.

Cách chơi Teemo trong Tốc Chiến

Teemo cùng 4 người bạn Yordle sẽ là nhóm tướng mới sắp xuất hiện trong Tốc Chiến, hứa hẹn mang lại nhiều trải nghiệm thú vị cho game thủ.

Free Fire kết hợp One-Punch Man tung thử thách mới cho người chơi

“Thử thách anh hùng” là sự kiện kết hợp đầu tiên giữa Free Fire và One-Punch Man trong năm 2021, mang đến nhiều vật phẩm, trang phục game và giao diện đặc biệt.

Nam kho khan cua Lien Quan Mobile hinh anh

Năm khó khăn của Liên Quân Mobile

0

Không có danh hiệu quốc tế, tượng đài Team Flash tan rã cùng sự ra mắt Tốc Chiến khiến 2020 là một năm khó khăn của tựa game MOBA "quốc dân" này.

Minh Luân

Theo Fast Company

Bạn có thể quan tâm