Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lì xì bằng sách

Suốt những năm tuổi thơ, cứ mỗi dịp Tết đến, ba tôi ở đơn vị thường gửi về một thùng sách cho anh em tôi.

Li xi bang sach anh 1

Huyện đoàn, Hội đồng đội, Câu lạc bộ Tổng phụ trách đội, Câu lạc bộ Vì đàn em thân yêu huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk tổ chức chương trình “Lì xì mừng tuổi sách cho trẻ em”. Ảnh: Vietnam+.

Những cuốn sách tuyệt vời đó đã khiến anh em tôi cùng bọn trẻ trong xóm say mê, rong ruổi trong thế giới tưởng tượng và mơ ước tuổi thơ, để giờ đây, khi đã trưởng thành, chúng tôi vẫn nhớ mãi ký ức đẹp về những thùng sách lì xì đầy ý nghĩa của ba.

Tục lì xì, mừng tuổi trẻ em và người già là nét văn hóa truyền thống lâu đời của một số quốc gia như Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản... Một món tiền nhỏ đựng trong chiếc phong bì màu đỏ kèm lời chúc may mắn, sức khỏe và hạnh phúc là điều rất nên làm, đã từng mang lại niềm vui cho nhiều người. Thế nhưng cuộc sống giờ đây có nhiều thay đổi, dưới tác động của cơ chế thị trường, chiếc phong bì lì xì đã không còn mang nguyên ý nghĩa như trước nữa.

Đạo diễn điện ảnh Lê Hoàng từng nói: “Lì xì là cái nợ”. Nhiều công nhân lao động, người thu nhập thấp vì lo tiền lì xì mà không dám đi thăm bạn bè, chúc Tết, thậm chí nhiều người đi làm ăn xa Tết không dám về quê! Nhiều em bé do thiếu hướng dẫn, chỉ bảo đã hồn nhiên xé bao lì xì trước mặt khách rồi thản nhiên nhận xét, so sánh số tiền nhiều ít, khiến người lớn rất xấu hổ. Thậm chí, có người còn lợi dụng lì xì để đưa tiền chạy chọt, “bôi trơn” nhằm mưu cầu danh lợi.

Vậy đó, chưa phải là tất cả nhưng trong rất nhiều trường hợp lì xì bằng tiền đã trở nên xấu xí, bất tiện khi người ta gán vào nó những động cơ, đánh giá phi văn hóa.

Những năm gần đây, nhiều cha mẹ đã lựa chọn lì xì cho con cháu trong gia đình bằng sách thay cho tiền. Để vận động học sinh quay trở lại trường học sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, giáo viên Trường Tiểu học và Trung học cơ sở A Xing, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị đã đến từng nhà thăm hỏi, mừng tuổi và tặng sách các em học sinh. Cũng tại Quảng Trị, đêm Giao thừa, một nhóm bạn trẻ ở thành phố Đông Hà đã đi dọc các tuyến đường để lì xì, tặng sách mọi người.

Với những cuốn sách được lì xì, ta có thể đọc rồi tặng hoặc chuyển cho người khác đọc. Món quà là cuốn sách hay, đẹp được lan tỏa đến nhiều người càng thêm ý nghĩa.

Lì xì bằng sách là nét đẹp, là hành vi, ứng xử văn hóa mới, góp phần làm phong phú, hiện đại tập tục, nghi thức văn hóa Tết, lễ, truyền thống của dân tộc ta, đang ngày càng được nhiều người đồng tình, ủng hộ. Trong tương lai, các nhà xuất bản có thể khảo sát và in ấn, phát hành riêng những ấn phẩm “sách lì xì” có nội dung hay, hình thức đẹp và giá thành vừa phải, đáp ứng nhu cầu văn hóa mới.

Nhiều phụ huynh chọn lì xì con bằng sách

Nhiều phụ huynh vẫn chọn sách lì xì con. Họ cho rằng đây là một văn hóa lì xì lành mạnh và thiết thực, có thể khuyến khích con trẻ đọc sách.

Lì xì là nét văn hóa đẹp ngày Tết

Trong nét ứng xử cho - nhận thì người cho thực hiện hành động cho một cách chủ động, người nhận không ngỏ lời xin, cũng không hay biết trước.

https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/li-xi-bang-sach-717522

Trần Hoài / Quân đội nhân dân

Bạn có thể quan tâm