Trong báo cáo hôm 12/10, Liên Hợp Quốc cho biết các chính trị gia và giới lãnh đạo doanh nghiệp thế giới đã không làm đủ để đối phó với tác động của biến đổi khí hậu và ngăn Trái Đất biến thành "địa ngục không thể sinh sống đối với hàng triệu người", theo CNN.
Báo cáo của Liên Hợp Quốc cho biết đại dịch Covid-19, tới nay đã khiến 37 triệu người nhiễm bệnh, trong đó có hơn 1 triệu người tử vong, là minh chứng cho thất bại của "hầu hết quốc gia" trong ngăn chặn một "làn sóng dịch bệnh và chết chóc", bất chấp đã được nhiều lần cảnh báo.
Châu Á là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Ảnh: AP. |
Trong giai đoạn 2000-2019, thế giới ghi nhận 7.348 thảm họa tự nhiên lớn, cướp đi sinh mạng của 1,23 triệu người, ảnh hưởng tới cuộc sống của 4,2 tỷ người, gây thiệt hại 2,97 nghìn tỷ USD. Số lượng thảm họa tự nhiên cao gấp đôi so với ghi nhận trong giai đoạn 20 năm cuối thế kỷ 20.
Sự gia tăng các thảm họa tự nhiên xuất phát từ tình trạng Trái Đất nóng lên và có liên quan tới biến đổi khí hậu toàn cầu.
Châu Á là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của thảm họa tự nhiên trong 20 năm qua, với 3.068 thảm họa được ghi nhận.
Hiện tại, thế giới đứng trước nguy cơ nhiệt độ tăng 3,2 độ C hoặc hơn. Mức tăng 3,2 độ C khiến hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra thường xuyên hơn trên toàn cầu, báo cáo của Liên Hợp Quốc cho biết.
Các chuyên gia cho biết, để ngăn mức tăng nhiệt độ nêu trên, các nước cần cắt giảm tối thiểu 7,2% lượng phát thải khí nhà kính mỗi năm trong 10 năm tới, để đạt mục tiêu giới hạn mức tăng nhiệt độ ở mức 1,5 độ C.
"Chúng ta mới thấy rất ít tiến bộ trong giảm thiểu gián đoạn khí hậu và môi trường xuống cấp. Để xóa bỏ đói nghèo và giảm tác động của biến đổi khí hậu, chúng ta phải đặt lợi ích chung lên trên mọi vấn đề khác", Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cho biết.