Ông Robert Watson, người chủ trì cuộc họp của 132 nước tại Liên Hợp Quốc về báo cáo "Tóm tắt cho các Nhà hoạch định chính sách", cho biết sau hàng thập kỷ khai thác rừng và làm ô nhiễm môi trường đất, đại dương, không khí, con người giờ đây phải đối mặt với hàng loạt mối đe dọa, "ít nhất là biến đổi khí hậu".
450 nhà khoa học tham gia dự án cho biết khoảng một triệu loài động vật và thực vật sẽ phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng, và rất nhiều loài trong số đó có thể biến mất chỉ trong vài thập kỷ tới, theo AFP.
Đáng báo động hơn cả là tốc độ tuyệt chủng của các dạng sinh vật sống đặc biệt ước tính nhanh hơn hàng chục đến hàng trăm lần so với tốc độ trong mười triệu năm qua. Điều này có thể khiến Trái Đất đối mặt với hiện tượng tuyệt chủng hàng loạt đầu tiên kể từ khi khủng long biến mất cách đây 66 triệu năm.
Một con rùa biển bị mắc vào lưới đánh cá trên bờ biển bang Kerala, Ấn Độ, hồi tháng 1. Ảnh: Getty. |
Josef Settele, giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu môi trường Helmholtz, cho biết trong ngắn hạn, con người không gặp rủi ro. Tuy nhiên, "về lâu dài, chưa có gì là chắc chắn. Nếu con người tuyệt chủng, thiên nhiên sẽ có cách của nó, luôn luôn là như vậy", ông nói với AFP.
Việc ngăn chặn và đảo ngược xu hướng tàn khốc này sẽ đòi hỏi "thay đổi mang tính chuyển biến" - cuộc cách mạng toàn diện về phương thức sản xuất và tiêu thụ tất cả các loại sản phẩm, đặc biệt là thực phẩm, báo cáo của Liên Hợp Quốc kết luận.
"Chúng ta đang làm xói mòn từng nền tảng của nền kinh tế, sinh kế, an ninh lương thực, sức khỏe và chất lượng cuộc sống trên toàn thế giới. Chúng ta phải tái cơ cấu lại một cách cơ bản và toàn diện. Nếu chần chừ vì lợi ích, hậu quả sẽ rất khốc liệt", ông Watson nói.
Báo cáo của Liên Hợp Quốc là thành quả nghiên cứu của 450 chuyên gia. Trích dẫn 15.000 nguồn và dài 1.800 trang, báo cáo nêu chi tiết về việc các hoạt động của con người đã làm tổn hại đến tự nhiên như thế nào, từ tài nguyên như nước ngọt đến không khí và đất sản xuất.