Thư ký Điều hành Công ước khung về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc, bà Patricia Espinosa, cảnh báo các nhà lãnh đạo thế giới phải nhận ra rằng không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc đẩy nhanh, mở rộng quy mô các hoạt động nhằm đối phó với hiện tượng nóng lên toàn cầu, bởi tình hình hiện nay có thể dẫn tới "thảm họa" trong tương lai.
Bà Espinosa dẫn lời các nhà khoa học cho biết con người vẫn còn có thể sửa chữa, "tuy nhiên cánh cửa cơ hội sẽ khép lại rất nhanh" và thế giới chỉ còn 12 năm cho tới khi lượng khí thải carbon đạt tới "ngưỡng không thể vãn hồi", theo AP.
Điều này có nghĩa thế giới cần "nỗ lực hết sức" để cắt giảm lượng khí thải carbon và giữ cho nhiệt độ Trái Đất không tăng lên, bà Espinosa nói.
Gấu bắc cực 16 tuổi chết đói ở Svalbard, Na Uy, do băng tan khiến nó không thể săn hải cẩu. Ảnh: Ashley Cooper. |
Theo bà Espinosa, ngay sau khi thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu được thông qua vào năm 2015, lượng khí thải carbon dự kiến vẫn tăng bởi các biện pháp chuyển đổi cần thiết để giải quyết vấn đề "không thể tiến hành chỉ sau một đêm".
Trong khi đó, dân số thế giới tăng đi cùng với nhu cầu năng lượng và tài nguyên hơn cũng tăng theo.
"Rõ ràng là nếu con người tiếp tục hành xử theo hướng này, chúng ta sẽ không thể đạt được các mục tiêu của thỏa thuận Paris", bà Espinosa nhấn mạnh.
Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu kêu gọi các quốc gia giữ cho nhiệt độ Trái Đất không tăng quá 2 độ C cho tới cuối thế kỷ này. Cho tới nay, "hành tinh xanh" đã ấm lên thêm 1 độ C, vì vậy mục tiêu thực sự là ngăn chặn Trái Đất nóng lên hơn 1 độ C nữa.
"Điều này là hoàn toàn có thể làm được, nhưng cần nỗ lực hơn nữa, cần có nhiều hơn ý chí chính trị" từ các quốc gia, bà Espinosa nói và cảnh báo rằng "nếu chúng ta tiếp tục sản xuất, tiêu thụ và hoạt động như cách chúng ta đang làm hiện nay, chúng ta sẽ phải đối mặt với thảm họa".
Báo cáo của Liên Hợp Quốc năm 2018 kết luận rằng về mặt lý thuyết, con người có thể duy trì mức nóng lên toàn cầu là 1,5 độ C vào cuối thế kỷ. Tuy nhiên, điều này khá khó khăn bởi yêu cầu nền kinh tế thế giới phải cải tổ đáng kể, bao gồm việc thay thế nhiên liệu hóa thạch.