Con cá heo răng nhám "xấu số" dạt vào bờ biển Fort Myers, thuộc bang Florida, Mỹ, ngày 23/4, trong tình trạng hấp hối. Các nhân viên cứu hộ đã cố gắng giúp nó khỏe lại, nhưng tình trạng của cá heo quá tồi tệ nên các chuyên gia đã quyết định để con vật tội nghiệp "ra đi trong êm ái", theo News Press.
Cái chết đáng thương của con cá heo một phần có thể do số rác thải nhựa khổng lồ nó nuốt vào trong bụng.
Ủy ban Bảo tồn Cá và Động vật hoang dã Florida (FFWC) ngày 26/4 đã đăng tải lên trang Facebook hình ảnh các rác thải nhựa trong dạ dày của loài động vật có vú này, đặc biệt trong số đó có hai túi nylon và một mảnh bóng bay.
Các mẫu vật được lấy khỏi bụng con cá heo sau khi giải phẫu. Ảnh: Ủy ban Bảo tồn Cá và Động vật hoang dã Florida. |
Các nhà chức trách hiện chưa công bố nguyên nhân chính thức khiến cá heo thiệt mạng. Có nhiều nguyên do khiến loài động vật biển bị mắc cạn, thông thường liên quan đến bệnh tật hoặc thương tích.
"Mặc dù thông tin quan trọng đã được phát hiện, song còn nhiều yếu tố cần xem xét chẳng hạn như ốm đau, bệnh tật hoặc 'lạc mẹ', để có thể xác định nguyên nhân cuối cùng dẫn đến việc cá heo bị mắc cạn và chết", FFWC thông báo. "Các mẫu vật sau khi giải phẫu sẽ được gửi đi phân tích để giúp xác định điều này".
Cá heo răng nhám đang đối mặt nguy hiểm bởi rác thải nhựa trong đại dương. Ảnh: NOAA. |
Trước hết, các phát hiện sơ bộ là lời cảnh báo trước thói quen sử dụng túi nhựa một lần và thả bóng bay lên trời.
Đồng thời, các chuyên gia cũng lên tiếng khuyến cáo mọi người không tự ý đẩy các con vật bị mắc cạn trở lại đại dương.
"Mọi người làm ơn đừng cố gắng đẩy động vật bị mắc cạn xuống nước vì điều này có thể làm chậm quá trình kiểm tra và điều trị, thường khiến tình trạng của chúng trở nên tồi tệ hơn", tổ chức này cho biết.
Theo Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia của Mỹ (NOAA), có khoảng 7.000 con cá heo răng nhám sống ở Mỹ trong tổng số hàng chục nghìn con trên thế giới. Khi trưởng thành hoàn toàn, chúng dài gần 2,6 m và nặng khoảng 160 kg.
Ô nhiễm nước và rác thải đang là mối đe dọa nghiêm trọng đối với cá heo và sinh vật biển.
Rất khó để ước tính chính xác số lượng rác thải nhựa trong đại dương. Các nhà nghiên cứu đang nỗ lực thu nhỏ con số này. Một nghiên cứu của Đại học Connecticut năm 2014 ước tính có khoảng 5,25 nghìn tỷ hạt nhựa trôi nổi trên các đại dương, chủ yếu nằm ở đáy biển.
Các sinh vật biển ăn hoặc nuốt phải hạt nhựa có thể gặp phải nhiều vấn đề như tắc nghẽn đường ruột, chết đói, rách da, lở loét hoặc nhiễm trùng.