Một phương tiện bị phá hủy trong giao tranh tại Sudan. Ảnh: Reuters. |
Quân đội Sudan ngày 30/4 cho biết họ đang tấn công thủ đô Khartoum trên mọi hướng, sử dụng cả không quân và pháo binh hạng nặng, nhằm đẩy lực lượng đối lập ra khỏi thành phố.
Trong khi đó, hàng triệu người dân vẫn bị mắc kẹt tại Khartoum trong bối cảnh nguồn cung lương thực đang dần thiếu hụt.
Hơn 500 người đã thiệt mạng kể từ khi giao tranh bùng phát hôm 15/4. Tuy nhiên, con số thực tế có thể còn cao hơn.
Các lực lượng tham chiến tại Sudan đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn trong 72 giờ vào hôm 27/4 nhờ nỗ lực ngoại giao của các nước láng giềng, Anh, Mỹ và Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, thỏa thuận này đã đổ vỡ.
Các cuộc giao tranh đã bùng phát tại Khartoum vào tối 29/4. Reuters dẫn lời các nhân chứng cho biết máy bay không người lái của quân đội Sudan đã tấn công các vị trí của RSF gần một nhà máy lọc dầu lớn.
“Chúng tôi bị tiếng máy bay và vũ khí phòng không đánh thức”, một cư dân địa phương nói với AFP.
Tuy nhiên, phóng viên Paul Adams của BBC nhận định quân đội Sudan sẽ gặp nhiều khó khăn trong nỗ lực đẩy RSF khỏi Khartoum. Dù quân đội có hỏa lực mạnh hơn, RSF có khả năng cơ động cao và phù hợp hơn với môi trường tác chiến đô thị.
Cựu Thủ tướng Sudan Abdalla Hamdok hôm 29/4 cảnh báo cuộc xung đột tại Sudan có thể còn tệ hơn tình hình tại Syria và Libya.
“Tôi nghĩ đây sẽ là cơn ác mộng với thế giới. Đây không phải cuộc chiến giữa một quân đội và một nhóm nổi dậy nhỏ, mà gần như là giữa hai quân đội”, ông Hamdok nói.
Vấn đề Trung Đông - châu Phi
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Châu Phi - Trung Đông: Những vấn đề chính trị và kinh tế nổi bật". Cuốn sách giới thiệu cuộc cải cách thể chế chính trị và kinh tế ở châu Phi và Trung Đông từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay.
>> Độc giả có thể đọc thêm tại đây.