Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Những người Sudan vô vọng vì chưa được sứ quán phương Tây trả hộ chiếu

Ngày càng nhiều người Sudan cho biết họ bị mắc kẹt vì nhân viên các đại sứ quán phương Tây rời khỏi đất nước mà không trả lại hộ chiếu cho người nộp xin thị thực.

Các nhân viên ngoại giao từ ít nhất ba nước đã không thể trả lại giấy tờ đi lại của công dân Sudan, theo 9 trường hợp mà CNN tiếp cận được.

Hầu hết đại sứ quán phương Tây ở Sudan đã được sơ tán một tuần sau khi giao tranh nổ ra, khiến nhiều người Sudan xin thị thực không có giấy tờ thông hành và rơi vào tình trạng lấp lửng về mặt pháp lý.

Trong một số trường hợp, nhân viên đại sứ quán khuyên họ nên “đăng ký hộ chiếu (Sudan) mới”, giữa lúc bạo lực khiến các dịch vụ của chính phủ Sudan bị đình trệ, theo ảnh chụp màn hình mà CNN xem được.

Trong một trường hợp, một quan chức Thụy Điển đề nghị người Sudan dùng bản sao hộ chiếu để thay thế.

Trao đổi với CNN, các công dân Sudan chỉ trích đại sứ quán nước ngoài lơ là, cản trở lối đi hợp pháp của họ ra khỏi đất nước, nơi bạo lực cho tới nay đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 512 người.

Mất lối đi hợp pháp ra khỏi nước

Bộ Ngoại giao Hà Lan xác nhận với CNN rằng “một số hộ chiếu của người dân Sudan” đã bị bỏ lại tại đại sứ quán sau khi cơ quan này đóng cửa đột ngột do xung đột.

“Giao tranh bất ngờ bùng phát vào sáng sớm ngày 15/4 đã buộc Đại sứ quán Hà Lan phải đóng cửa ngay lập tức”, phát ngôn viên của cơ quan này cho biết trong một tuyên bố.

mac ket o Sudan anh 1

Các tòa nhà bị hư hại do giao tranh ở Khartoum, Sudan, ngày 27/4. Ảnh: Reuters.

“Các nhân viên ngoại giao đã được sơ tán và chuyển đến Hà Lan. Thật không may, chúng tôi đã không thể thu thập những hộ chiếu này do tình hình an ninh kém. Chúng tôi hiểu rằng điều này đã đặt những người liên quan vào một tình huống khó khăn. Chúng tôi đang tích cực nghiên cứu các khả năng để cung cấp hỗ trợ cá nhân”, họ nói thêm.

Bộ Ngoại giao Italy nói với CNN rằng họ ý thức được vấn đề này và sẽ cố gắng trả lại hộ chiếu cho công dân Sudan “càng sớm càng tốt”.

“Chúng tôi nhận thức rõ vấn đề. Chúng tôi sẽ giữ liên lạc với tất cả người có liên quan và sẽ làm hết sức, ngay cả trong hoàn cảnh hiện tại, để trả lại hộ chiếu càng sớm càng tốt”, Niccolò Fontana, người đứng đầu bộ phận truyền thông của Bộ Ngoại giao Italy, nói với CNN.

Người phát ngôn của Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) nói với CNN rằng họ không cấp giấy thông hành khẩn cấp cho các công dân Sudan đang cố rời khỏi đất nước.

“Có những người Sudan muốn rời đất nước nhưng không thể vì họ không có giấy tờ. Tôi không thể tưởng tượng được điều này khó khăn đến mức nào. Nhưng thật không may, ICRC không thể cấp giấy thông hành khẩn cấp cho những người muốn rời khỏi đất nước”, tổ chức này nói với CNN.

mac ket o Sudan anh 2

Người dân đi xe tải để chạy trốn khỏi Khartoum, Sudan, ngày 28/4. Ảnh: Reuters.

Các cuộc tấn công lẻ tẻ tiếp tục bùng phát ở một số khu vực của thủ đô Khartoum, tâm điểm của cuộc tranh giành quyền lực giữa Lực lượng vũ trang Sudan (SAF) do Abdel Fattah al-Burhan lãnh đạo và Lực lượng Hỗ trợ Nhanh bán quân sự (RSF) của Mohamed Hamdan Dagalo.

Hy vọng của người dân thoát khỏi mối nguy hiểm thông qua các tuyến đường an toàn và hợp pháp đang giảm dần, khi các cuộc đụng độ vẫn tiếp diễn bất chấp thỏa thuận ngừng bắn giữa hai phe.

Vô vọng

Ngày càng có nhiều chỉ trích nhắm vào các chính phủ nước ngoài và tổ chức viện trợ quốc tế dẫn đầu hoạt động cứu hộ công dân của họ, đẩy người dân địa phương vào thế khó.

Tình trạng thiếu điện, lương thực và nước đang lan tràn khi cuộc xung đột tàn phá phần lớn đất nước.

Fatima, một người dân Sudan, cho biết cô rất muốn rời đất nước. Hai người cùng khu phố phía đông Khartoum nơi cô sống đã thiệt mạng trong cuộc giao tranh. Nhưng giấy tờ thông hành của cô đang ở trong Đại sứ quán Italy. Cô cho biết các nhân viên đã nhiều lần từ chối yêu cầu trả lại hộ chiếu.

“Tôi vẫn đang cố liên lạc với họ, cố giải thích rằng đây là một tình huống nguy cấp. Tất nhiên không quốc gia nào cho phép người nước khác vào đất họ mà không có hộ chiếu hợp lệ”, cô nói.

Zara, một phụ nữ Sudan khác bị mắc kẹt, cho biết gia đình mình không chịu rời khỏi đất nước mà không có cô đi cùng. Nhưng đại sứ quán Hà Lan đã sơ tán, và hộ chiếu của cô đã bị giữ tại đó trong hơn 3 tuần. Cô cho biết mình không được phản hồi dù nhiều lần nỗ lực liên lạc.

Đối với cô, hộ chiếu ngay lúc này là thứ có thể cứu sống tính mạng. “Bây giờ tôi đang là trở ngại cho gia đình. Ngôi nhà trước mặt chúng tôi đã bị tấn công”.

mac ket o Sudan anh 3

Người tị nạn Sudan xếp hàng nhận thực phẩm từ Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) gần biên giới giữa Sudan và Chad ở Adre, ngày 26/4. Ảnh: Reuters.

Trong một cuộc trao đổi trên mạng xã hội mà CNN xem được giữa Sarah Abdalla (35 tuổi) và Đại sứ quán Hà Lan, trang Facebook của cơ quan này trả lời: “Chúng tôi rất lấy làm tiếc về tình hình hiện tại của bạn. Chúng tôi buộc phải đóng cửa đại sứ quán và sơ tán nhân viên. Thật không may, điều này có nghĩa là chúng tôi không thể trả lại hộ chiếu của bạn”.

“Chúng tôi khuyên bạn nên đăng ký hộ chiếu mới với chính quyền địa phương”, đại sứ quán nói thêm.

Đối với nhiều người, điều đó là không thể. Các dịch vụ của chính phủ Sudan phần lớn đã bị đình chỉ do giao tranh.

“Tôi đang cần gấp hộ chiếu để đến Ai Cập bằng đường bộ. Chúng tôi đang ở trong tình trạng không an toàn và thiếu nước đã 13 ngày nay”, Abdalla nói với CNN. “Chúng tôi mạo hiểm mạng sống để lấy nước và thường là nước nhiễm mặn. Tôi có bốn đồng nghiệp khác có hộ chiếu bị mắc kẹt và đối mặt với tình huống tương tự”.

Ahmad Mahmoud, 35 tuổi, cho biết Đại sứ quán Thụy Điển đã giữ hộ chiếu của anh kể từ khi anh xin thị thực để rời đi trước ngày 28/4.

Christina Brooks, người đứng đầu bộ phận di cư tại Đại sứ quán Thụy Điển ở Khartoum, đã nhiều lần nói với Mahmoud rằng nhân viên không thể tiếp cận hộ chiếu của anh vì họ đã sơ tán khỏi tòa nhà, theo tin nhắn điện thoại mà CNN được cho xem.

“Xin vui lòng cho tôi biết khi nào tôi có thể đến đại sứ quán lấy hộ chiếu của mình. Tôi cần phải sẵn sàng để rời khỏi đất nước. Tòa nhà của chúng tôi không còn an toàn”, Mahmoud nói trong một tin nhắn.

Brooks trả lời: “Như đã đề cập, tôi rất tiếc phải nói rằng điều đó là không thể”.

Cô đề nghị anh sử dụng bản sao hộ chiếu để rời khỏi Sudan và “thu thập tất cả giấy tờ tùy thân khác” bao gồm giấy chứng nhận kết hôn, theo các tin nhắn.

Mahmoud nói rằng mình không thể rời đi vì bản sao hộ chiếu quá mờ.

Khi CNN trao đổi lần cuối với Mahmoud vào ngày 27/4, anh và vợ đang trên đường đến thành phố ven biển Port Sudan trên bờ biển Đỏ. Họ sẽ phải đối mặt với những cuộc vượt biên hỗn loạn, nơi lính biên phòng thường xuyên từ chối người sơ tán, bao gồm một số người mang hai quốc tịch Mỹ và Sudan.

Mahmoud cho biết anh sẽ cố gắng đi tới Ethiopia hoặc Ai Cập. “Đó sẽ là vấn đề rất lớn mà tôi không biết phải giải quyết như thế nào. Tôi đoán là tôi chỉ hy vọng chiến sự kết thúc, để tôi có thể xin hộ chiếu mới”, anh nói.

Vấn đề Trung Đông - châu Phi

Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Châu Phi - Trung Đông: Những vấn đề chính trị và kinh tế nổi bật". Cuốn sách giới thiệu cuộc cải cách thể chế chính trị và kinh tế ở châu Phi và Trung Đông từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay.

>> Độc giả có thể đọc thêm tại đây.

Tướng Sudan tuyên bố không đàm phán chừng nào bom vẫn rơi

Tướng Mohamed Hamdan "Hemedti" Dagalo - người đứng đầu nhóm bán quân sự Lực lượng Hỗ trợ nhanh (RSF) - tuyên bố với BBC rằng ông sẽ không đàm phán cho đến khi giao tranh kết thúc.

Viễn cảnh từ 'thời thuộc địa' trở lại với Sudan

Khi viễn cảnh hai vị tướng nhượng bộ và hòa giải dần mờ nhạt, các nhà ngoại giao và công dân nước ngoài đang lũ lượt tìm cách rời khỏi Sudan một cách vội vã.

Hồng Ngọc

Bạn có thể quan tâm