Reuters đưa tin lệnh cấm nhập cảnh mở rộng đối với công dân 8 quốc gia mà chính quyền Trump ban hành tháng trước vừa bị chặn bởi thẩm phán Derrick Watson tại tòa án liên bang cấp quận ở Honolulu, bang Hawaii.
Trong phán quyết ra ngày 17/10, thẩm phán Watson nói bang Hawaii hầu như thành công trong việc chứng minh lệnh hạn chế nhập cảnh mới nhất của ông Trump vi phạm luật pháp nhập cư liên bang.
Sắc lệnh này "mắc chính xác những vấn đề của phiên bản trước: Thiếu căn cứ đầy đủ chứng minh sự nhập cảnh của hơn 150 triệu người từ 6 quốc gia được chỉ định 'gây phương hại đến lợi ích của Mỹ'", thẩm phán Watson nêu rõ trong phán quyết.
Sắc lệnh cấm nhập cảnh thứ ba của Tổng thống Trump tiếp tục bị chặn đứng bởi thẩm phán tại tòa án liên bang cấp quận ở Honolulu, bang Hawaii. Ảnh: New York Times. |
Lệnh hạn chế nhập cảnh mới nhất của chính quyền Tổng thống Trump dự kiến có hiệu lực vào sáng 18/10, cấm công dân từ Iran, Libya, Syria, Yemen, Somalia, Chad, Triều Tiên và một số quan chức chính phủ từ Venezuela.
Phán quyết của ông Watson đã tạm thời ngăn chặn thực thi lệnh này đối với 6/8 nước bị nhắm đến, trừ Triều Tiên và Venezuela. Theo Washington Post, quyết định này chắc chắn sẽ bị kháng cáo.
Bộ Tư pháp hiện chưa đưa ra bình luận về vụ việc.
Sắc lệnh nhập cảnh mới của chính quyền Trump cấm công dân từ Iran, Libya, Syria, Yemen, Somalia, Chad, Triều Tiên và một số quan chức chính phủ từ Venezuela. Đồ họa: PA. |
Lệnh cấm cũ ban hành hồi tháng 3 đã hết hạn, chặn người dân từ 6 nước vào Mỹ trong 90 ngày và cấm hầu hết người tị nạn trong 120 ngày để chính quyền có thời gian xem xét lại quy trình kiểm tra lý lịch của du khách nước ngoài trên toàn thế giới.
Những người chỉ trích cáo buộc ông Trump phân biệt chủng tộc với người Hồi giáo, vi phạm các đảm bảo của hiến pháp về tự do tôn giáo và sự bảo vệ bình đẳng trước pháp luật, phá vỡ luật nhập cư hiện hành và kích động thù ghét tôn giáo.
Một số toà án liên bang ở Hawaii và Maryland đã chặn lệnh cấm nhưng Toà án Tối cao Mỹ hồi tháng 6 cho phép nó tiếp tục có hiệu lực với một số giới hạn.
Lệnh cấm đầu tiên hồi tháng 1 cũng từng gây ra ra cuộc chiến pháp lý gay gắt kéo dài giữa Nhà Trắng và giới tư pháp Mỹ và ảnh hưởng tới cuộc sống của hàng nghìn công dân.