Cuối quý I/2019, Huawei một lần nữa ghi tên mình vào bảng xếp hạng di động có camera tốt nhất thế giới với chiếc P30 Pro. Sau buổi ra mắt tại Paris, các phóng viên công nghệ Việt Nam và nhiều nước được mời đến trụ sở Leica tại Wetzlar, ngoại ô Frankfurt, Đức để chứng kiến quy trình tạo ra sản phẩm cao cấp của Leica, cũng như nghe các chuyên gia nói về mối quan hệ chiến lược giữa hãng máy ảnh Đức và Huawei.
Leica gắn liền với những bộ ảnh "huyền thoại" của báo chí thế giới. Ảnh: Duy Tín. |
Leica và Huawei hợp tác từ khi nào?
Đây cũng là lần đầu truyền thông quốc tế có dịp "chất vấn" sâu về vai trò của Leica, cũng như bản chất trong công nghệ hình ảnh của những chiếc smartphone đầu bảng của Huawei, vốn bị đặt dấu hỏi trong thời gian dài.
Huawei đã email ngỏ lời với hãng máy ảnh Đức từ 2013 nhưng không thành công. Khi đó, cái tên Huawei chưa có vị trí của một ông lớn trong ngành di động. Nhờ vào sự kiên trì và thực tâm muốn mang đến một chiếc smartphone có camera tốt nhất, Huawei đã tìm được tiếng nói chung với Leica. Hai bên đã ngồi vào bàn đàm phán.
Thành quả bước đầu của hợp tác được đánh dấu bằng màn ra mắt chiếc Huawei P9 vào năm 2016. Khi đó, smartphone của Huawei đã bước đầu có chế độ "chụp trước lấy nét sau" và khả năng xóa mờ hậu cảnh ở mức cơ bản. Tuy nhiên, khi đó cái tên Leica khắc trên ống kính P9 bị giới truyền thông "ném đá" kịch liệt và cho rằng hãng máy ảnh Đức chỉ "bán danh tiếng", không thực sự có vai trò trong sản phẩm của Huawei.
Nỗ lực liên tục trong phòng thí nghiệm
Mặc kệ "búa rìu dư luận", Huawei và Leica ngay từ đầu đã thành lập một nhóm nghiên cứu, tập trung vào thiết kế ống kính quang học và chất lượng hình ảnh.
Thay vì trực tiếp sản xuất ống kính, các kỹ sư Leica đưa ra hàng tá các tiêu chuẩn khắt khe về quang học và đó là bài toán mà đội ngũ của Huawei phải tập trung giải quyết, bao gồm màu sắc, tiêu cự, kết cấu, nhiễu hạt, độ méo ảnh, hiệu ứng ghosting, chỉ số flare... Ống kính trên smartphone Huawei làm bằng nhựa nhưng có chất lượng quang học tương đương thủy tinh cao cấp và phải đáp ứng được các tiêu chuẩn tương đương với ống kính trên máy ảnh Leica.
Bên trong xưởng làm việc của Leica. |
Không chỉ ống kính, đội ngũ của Leica và Huawei còn phải tập trung phát triển cảm biến hình ảnh, chip ISP xử lý hình ảnh (nhận màu, lấy nét, cân bằng sáng, giảm noise....và khắc phục các vấn đề quang sai của ống kính) và phần mềm, thuật toán để khai thác được sức mạnh phần cứng, cho ra bức ảnh tốt nhất trong khả năng.
Nói một cách đơn giản, Leica đưa ra đề toán, các quy định khắt khe để các kỹ sư hình ảnh của Huawei tìm mọi cách đáp ứng. Các chuyên gia người Đức chỉ "gật đầu" khi chất lượng ảnh sau cùng mang đúng tinh thần của Leica.
Leica và Huawei đã làm gì trên chiếc P30 Pro?
P30 Pro có hệ thống 4 camera ở mặt sau, gồm camera chính 40 MP, camera góc rộng 20 MP, camera tele 5X 8 MP và cảm biến độ sâu Time of Flight (ToF).
Tại Wetzlar, ông Li Changzhu, Chủ tịch khối sản xuất smartphone và lãnh đạo mảng nghiên cứu của Huawei và Tiến sỹ Weiler, người đứng đầu nhóm chuyên gia từ Leica đã tiết lộ những thay đổi cơ bản trên chiếc P30 Pro.
Ông Li Changzhu, Chủ tịch khối sản xuất smartphone và lãnh đạo mảng nghiên cứu của Huawei kể về quá trình hợp tác với Leica. |
Thứ nhất là về cấu trúc cảm biến. Với cấu trúc sắp xếp điểm ảnh RYYB mới thay vì RGGB thông thường trên các cảm biến CMOS, P30 Pro có thể thu sáng nhiều hơn đến 40% vì bộ lọc màu vàng tốt hơn so với xanh lục và đỏ. Cảm biến to nhất của P30 Pro lên đến 1/1.7 inch, vượt xa các smartphone đối thủ. Điều này mang đến khả năng chụp thiếu sáng "vô địch" cho P30 Pro.
Thứ 2, đó là về thuật toán để khai thác sức mạnh của 4 camera ở mặt sau. Phần mềm chụp ảnh đóng vai trò cực kỳ quan trọng và Huawei cùng Leica đã cải tiến các bộ lọc màu, chế độ chụp ảnh cũng như giao diện camera. AI cũng được Huawei đưa vào để hỗ trợ tốt nhất cho cả những người dùng không chuyên.
Thứ 3, đó là nỗ lực biến P30 Pro thành chiếc smartphone có khả năng zoom xa nhất. Cách sắp xếp hệ thống ống kính kiểu tiềm vọng giúp cụm camera không trở nên quá dày. Việc còn lại của Huawei đó là khai thác 4 camera và đưa vào các thuật toán để zoom lai hay zoom số đều cho kết quả khả quan.
Huawei P30 và P30 Pro. Ảnh: The Verge. |
Theo lãnh đạo của Huawei, ống kính và cảm biến của P30 Pro không do Leica trực tiếp sản xuất, mà do một đối tác của Huawei ở Trung Quốc làm ra. Leica đóng vai trò "chốt hạ" chất lượng và tư vấn về thiết kế, công nghệ để Huawei có thể đưa "chất Leica" thành công vào trong chiếc P30 Pro.
Một điều người dùng cần biết đó là Leica chưa can thiệp vào hệ thống camera selfie của Huawei P30 Pro, cũng như không tác động đến khả năng quay video của máy. Trả lời báo chí, ông Li Changzhu cho biết Huawei và Leica muốn làm thật tốt ở camera sau trước khi tính đến các vấn đề khác.
Sẽ không có điện thoại Huawei giá rẻ gắn mác Leica?
Nói với Zing.vn, ông Nguyễn Gia Phong - Giám đốc điều hành Leica Việt Nam, cho rằng thành công về camera đạt được trên những mẫu điện thoại Huawei gần đây là kết quả của rất nhiều thời gian và chất xám của các kỹ sư của Leica và Huawei.
"Sử dụng công nghệ ống kính này trên các mẫu máy cao cấp là phù hợp hơn cả. Còn có việc đưa công nghệ này vào các dòng điện thoại khác hay không là lựa chọn và quyết định dựa trên chính sách sản phẩm của riêng Huawei", ông cho biết thêm.
Dù phía Huawei chưa có thông tin gì về việc mang cụm camera Leica xuống điện thoại tầm trung, nhưng nhìn vào chiến lược ra mắt sản phẩm các năm gần đây của hãng, có thể thấy khả năng này khó xảy ra. Logo Leica chỉ xuất hiện độc quyền trên điện thoại cao cấp dòng Mate và P của Huawei.