Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lễ tuyên thệ tổng thống Mỹ vội vã trên chiếc Không lực 1

Hai tiếng sau khi Tổng thống Kennedy bị ám sát, một buổi lễ tuyên thệ kế vị diễn ra gấp rút và vội vã trong một căn phòng nhỏ trên chiếc Không lực 1.

Bức ảnh lịch sử về buổi lễ tuyên thệ của ông Lyndon B. Johnson trở thành Tổng thống Mỹ thứ 36. Bên phải ông là phu nhân Jacqueline Kennedy. Ảnh:ABC
Bức ảnh lịch sử về buổi lễ tuyên thệ của ông Lyndon B. Johnson trở thành Tổng thống Mỹ thứ 36. Bên trái ông là bà Jacqueline Kennedy, phu nhân của tổng thống vừa bị ám sát. Ảnh: ABC

Phó tổng thống là người đầu tiên trong danh sách những quan chức kế nhiệm tổng thống Mỹ, nếu tổng thống đương nhiệm qua đời, từ chức, hoặc bị truất phế. 

Vào ngày 22/11/1963, Phó tổng thống Lyndon B. Johnson (khi đó 55 tuổi) cùng phu nhân đi trong chiếc xe ngay sau đoàn xe Tổng thống Kennedy dạo quanh thành phố Dallas. Khi vụ ám sát xảy ra, một nhóm nhân viên mật vụ nhanh chóng vây quanh để bảo vệ phó tổng thống. Sau đó, cả đoàn cùng đi đến bệnh viện Parkland Memorial.

Tại bệnh viện, đội mật vụ thúc giục ông Johnson trở về Washington vì lo ngại ông cũng có thể là mục tiêu ám sát. Tuy nhiên, phó tổng thống Mỹ muốn ở lại cho đến khi biết rõ tình hình của ông Kennedy. Lúc 13h20, khi các bác sĩ thông báo tổng thống Mỹ thứ 35 đã qua đời, ông Johnson mới chịu rời bệnh viện.

Trong thời điểm rối ren, Cơ quan Mật vụ một mặt triển khai người bảo vệ hai con gái của phó tổng thống Johnson, mặt khác quyết định ông sẽ rời bang Texas trên chuyên cơ của tổng thống, thay vì chiếc Không lực 2, vì phương tiện này có hệ thống truyền thông liên lạc hiện đại. 

Phó tổng thống Johnson muốn đợi phu nhân Jacqueline cùng lên máy bay. Bà Jacqueline chỉ đến sau khi quan tài đặt thi thể ông Kennedy đã vận chuyển lên Không lực 1. Các quan chức quyết định ông Johnson sẽ tuyên thệ nhậm chức kế vị ông Kennedy trước khi máy bay cất cánh.

Chiếc Không lực 1 đậu ở sân bay tại Dallas sau khi chở phái đoàn Tổng thống John F. Kennedy vào ngày 22/11/1963. Ảnh:
Chiếc Không lực 1 đậu ở sân bay tại Dallas sau khi chở phái đoàn Tổng thống John F. Kennedy vào ngày 22/11/1963. Ảnh: Daily Mail

Lễ nhậm chức vội vã

Theo các tài liệu lịch sử ghi nhận, buổi tuyên thệ nhậm chức tổng thống Mỹ của ông Johnson đánh dấu lần đầu tiên nghi thức này diễn ra trên chiếc Không lực 1. Từ chuyên cơ tổng thống, ông Johnson gọi điện cho bộ trưởng Tư pháp Robert F. Kennedy, người khuyên ông Johnson nên tiến hành lễ tuyên thệ trước khi máy bay rời Dallas. Thẩm phán liên bang Sarah T. Hughes hối hả đến chuyên cơ để chứng giám lời thề.

2 giờ 8 phút sau khi Tổng thống Kennedy bị ám sát, 27 người chen chúc trong căn phòng họp trên chuyên cơ chứng kiến lễ nhậm chức của tân tổng thống. Bà Jacqueline vẫn mặc nguyên bộ áo khoác hồng đã vấy máu từ thi thể ông Kennedy. Đứng cạnh bà Jacqueline và người vợ của mình, ông Johnson chính thức tuyên thệ nhậm chức tổng thống Mỹ thứ 36. 

Vợ chồng ông Johnson an ủi phu nhân Jacqueline sau biến cố.
Vợ chồng ông Johnson an ủi phu nhân Jacqueline sau biến cố. Ảnh: Daily Mail

9 phút sau, Không lực 1 cất cánh về Washington. Tổng thống Johnson hôn lên trán vợ. Còn bà Johnson thì nắm chặt tay Jacqueline và an ủi: "Cả đất nước thương tiếc chồng của phu nhân".

Buổi lễ nhậm chức diễn ra gấp rút và vội vã vì giới lãnh đạo Mỹ muốn ông Johnson sớm lấp chỗ trống quyền lực để giữ vững sự ổn định, trong bối cảnh cả nước Mỹ kinh hoàng vì vụ ám sát tổng thống Kennedy. Một số ý kiến trái chiều chỉ trích ông Johnson muốn tiếp nhận quyền lực nhanh chóng. Trên chuyến bay, ông Johnson đã yêu cầu tổ chức cuộc họp với các lãnh đạo lưỡng đảng ở Washington.

Phu nhân Jacqueline và quan tài đặt thi thể cố Tổng thống Kennedy rời chiếc Không lực 1. Ảnh: Daily Mail
Phu nhân Jacqueline và quan tài đặt thi thể cố Tổng thống Kennedy rời chiếc Không lực 1. Ảnh: Daily Mail

Lúc trời vừa tối, chuyên cơ đáp xuống căn cứ không quân Andrews. Phu nhân Jacqueline và quan tài của ông Kennedy rời máy bay trước tiên. Sau đó, ông Johnson có bài phát biểu đầu tiên trước công chúng trên cương vị tổng thống Mỹ.

"Đây là khoảng thời gian đau buồn với tất cả chúng ta. Chúng ta phải gánh chịu mất mát không thể nào đo đếm. Đối với tôi, đây là một bi kịch sâu sắc. Tôi tin rằng thế giới sẽ chia sẻ nỗi đau mà phu nhân Kennedy và gia đình đang gánh chịu. Tôi sẽ nỗ lực hết sức để làm tốt vai trò của mình. Tôi kêu gọi sự giúp sức của các bạn, và của Chúa".

Cùng với sự thương tiếc của cả nước dành cho vị tổng thống trẻ nhất nước Mỹ, ông Johnson cam kết tiếp tục thực hiện những chính sách còn dang dở của ông Kennedy, đồng thời giữ lại những vị trí cao cấp mà ông Kennedy đã bổ nhiệm, bao gồm cả Bộ trưởng Tư pháp Robert F. Kennedy, dù quan hệ giữa hai ông không mấy tốt đẹp. 

Vị tân tổng thống cũng thành lập một ủy ban điều tra vụ ám sát ông Kennedy để đáp ứng nguyện vọng của dân chúng, đồng thời thúc đẩy thông qua bộ luật quyền dân sự mà tổng thống Kennedy nỗ lực theo đuổi lúc còn sống.

Bản viết tay lời phát biểu trước công chúng đầu tiên của ông Johnson ở vai trò Tổng thống Mỹ. Ảnh: Wikipedia
Lời phát biểu trước công chúng đầu tiên của ông Johnson ở vai trò Tổng thống Mỹ, những dòng chỉnh sửa do chính ông Johnson chấp bút. Ảnh: Wikipedia

Bất hòa "ngầm" với gia đình Kennedy

Tuy nhiên, trong những cuộc phỏng vấn vào đầu năm 1964, bà Jacqueline tiết lộ sự thật bất ngờ, rằng Tổng thống Kennedy không mong muốn ông Johnson sẽ kế nhiệm ông. "Chồng tôi từng nói: 'Hãy thử tưởng tượng đất nước này sẽ ra sao nếu Lyndon là tổng thống'", bà Jacqueline kể lại. 

Theo Jacqueline, ông Johnson tỏ ra là một phó tổng thống kín tiếng, xa lánh bộ máy quyền lực thời tổng thống Kennedy. "Lyndon không bao giờ đưa ra ý kiến gì trong các cuộc họp chính phủ hoặc an ninh quốc gia. Dù Lyndon là phó tổng thống nhưng ông ấy chẳng làm gì cả".

Jacqueline kể ông Johnson không phải là sự lựa chọn đầu tiên cho vị trí phó tướng của ông Kennedy lúc tranh cử. "Tuy nhiên, chồng tôi chọn Johnson để ngầm tước quyền lực của một thủ lĩnh phe đa số trong quốc hội. Nếu Johnson cảm thấy bị xem thường, quyền lực to lớn của ông ta có thể cản chân Kennedy thúc đẩy chương trình nghị sự của mình ở Thượng viện", bà Jacqueline tiết lộ.

Dù Jacqueline khẳng định ông Johnson là một "phó tổng thống chưa bao giờ bất trung", nhưng cho rằng ông ấy "mê mẩn những thứ hào nhoàng đi cùng với quyền lực hơn là trách nhiệm thực sự". Do vậy, Jacqueline cho biết trước khi qua đời, ông Kennedy đã bàn bạc với anh trai Robert về kế hoạch cản đường ông Johnson vào năm 1968, thời điểm kết thúc nhiệm kỳ 2 của ông Kennedy nếu ông không bị ám sát và tái đắc cử.

Những thuyết âm mưu về vụ ám sát Tổng thống Kennedy

Hơn 50 năm đã trôi qua kể từ ngày cố Tổng thống John F. Kennedy bị ám sát. Tuy nhiên, sự thật về cái chết của ông vẫn luôn là một bí ẩn.

Theo lời kể của bà Jacquline, cố Tổng thống Kennedy không có mối quan hệ nồng ấm với phó tướng Johnson
Theo lời kể của bà Jacquline, cố Tổng thống Kennedy không có mối quan hệ nồng ấm với phó tướng Johnson. Ảnh: AFP

Mùa thu năm 1964, ông Robert F. Kennedy rời chính quyền Nhà Trắng và tranh cử ghế Thượng nghị sĩ đại diện bang New York. Dù từng bất hòa, nhưng tổng thống Johnson vẫn thể hiện sự ủng hộ lớn với chiến dịch của ông Robert. Điều này đóng góp đáng kể vào chiến thắng của ông Robert vào tháng 11/1964.

Năm 1968, Tổng thống Johnson bắt đầu chiến dịch tái tranh cử và đối mặt với em trai của cố tổng thống Kennedy. Cuối tháng 3/1968, do nhận thức được sức khỏe ngày càng yếu, ông Johnson thông báo rút khỏi cuộc chạy đua. "Tôi sẽ không tìm kiếm và cũng không chấp nhận đề cử của đảng (Dân chủ) để tranh cử nhiệm kỳ thứ 2". Hơn hai tháng sau, trong một buổi tiệc tranh cử ngày 5/6/1968, đối thủ Robert F. Kennedy đã bị một thanh niên 24 tuổi người Palestine ám sát.

Bí ẩn lời nguyền chết chóc đeo bám nhà Kennedy

Nắm trong tay danh vọng và quyền lực chính trị nhưng gia tộc Kennedy phải chịu một lời nguyền chết chóc đeo bám hàng chục năm qua.

Minh Anh

Bạn có thể quan tâm