Bà Marina Oswald từng sống trong sợ hãi sau khi chồng cũ của bà được cho là kẻ ám sát tổng thống Kennedy. Ảnh: Splash News |
Hơn 50 năm sau ngày Tổng thống Mỹ John F. Kennedy bị ám sát, Marina Oswald, góa phụ của nghi phạm số 1 Lee Harvey Oswald, luôn lẩn tránh báo giới. Marina vẫn tin rằng, chồng bà không giết tổng thống mặc dù kết quả 4 cuộc điều tra của chính phủ Mỹ đều cho rằng, Oswald là kẻ đã bắn chết tổng thống giữa đám đông hàng nghìn người. Tổng thống Kennedy bị bắn tại Dallas, bang Texas, ngày 22/11/1963. Kennedy cùng vợ, bà Jackie, tới đây để vận động cho chiến dịch tranh cử nhiệm kỳ tổng thống tiếp theo.
Từ giữa thập niên 70, Marina chọn cuộc sống ẩn dật và định cư ở Rockwall ngoại ô thành phố Dallas. Bà kết hôn với người chồng thứ hai, Kenneth Porter, 2 năm sau khi Oswald bị bắn chết bởi Jack Ruby, một chủ hộp đêm ở Dallas trên đường di chuyển từ sở cảnh sát đến nhà tù địa phương. Họ sống cùng con trai Mark. Hai con gái của Marina với người chồng đầu tiên là June và Rachel cũng định cư quanh khu vực. Bà cũng đổi tên thành Marina Oswald Porter.
Keya Morgan, bạn thân của Marina, đồng thời là một nhà làm phim tài liệu, cho biết mỗi khi nước Mỹ tổ chức lễ tưởng niệm ngày tổng thống Kennedy bị ám sát, những ký ức về lại hiện về trong tâm trí Marina. Theo Morgan, cuộc sống của Marria giống một hoạt cảnh trong bộ phim The Twillight Zone (Miền ảo ảnh), nơi mỗi ngày bà buộc phải trả lời một câu hỏi duy nhất về thời điểm buồn đau nhất trong cuộc đời.
"Bà ấy lo sợ những chuyện sẽ xảy ra với gia đình hiện tại nếu bà tiếp cận giới truyền thông. Marina đã từ chối nhận khoản tiền 3 triệu USD từ một kênh truyền hình nếu đồng ý chia sẻ thông tin cho họ", Morgan nói với Daily Mirror.
Marina xuất hiện trong một cuộc phỏng vấn năm 1977. Ảnh: Corbis |
Oswald và Marina gặp nhau tại thành phố Minsk của Belarus năm 1961. 6 tuần sau khi gặp Marina, khi đó còn là một sinh viên khoa dược 19 tuổi, Oswald ngỏ lời cầu hôn. Năm 1962, Oswald đưa vợ và con gái trở về Mỹ.
Vợ chồng Oswald sống tại thành phố Dallas, nhưng họ vẫn muốn chuyển tới một nơi khác thoải mái hơn. Những ngày trước khi vụ ám sát, Oswald không ở nhà. Theo Marina, đêm trước khi vụ ám sát xảy ra, Oswald trở về nhà, mang theo một khẩu súng trường và đặt nó trong gara. Tuy nhiên, ngày hôm sau bà không còn thấy khẩu súng đó.
Sau lễ tang ông Kennedy, tổng thống kế nghiệm Lyndon B. Johnson thành lập Ủy ban Warren nhằm điều tra vụ ám sát. Trước ủy ban, Marina từng cho rằng chồng bà có tội. Đặc biệt trong lần trả lời báo chí năm 1977, Marina nói rằng: "Tôi tin rằng Lee đã hành động một mình và bắn chết tổng thống. Thật trớ trêu, đó lại chính là người mà anh ấy kính trọng và ngưỡng mộ".
Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu thông tin trong 400.000 cuốn sách và những giả thuyết về vụ nổ súng, Marina, cũng như đa số công dân Mỹ, đã thay đổi suy nghĩ. Bà tin rằng, sự thật về âm mưu ám sát tổng thống Kennedy đã bị che đậy và nó liên quan tới CIA và mafia. Marina cũng tin rằng Cơ quan Mật vụ luôn theo dõi điện thoại của bà. "Cô ấy suy nghĩ rất nhiều và lo sợ bị giết để trả thù", Morgan nói.
Trong nhiều cuốn sách và tài liệu, Marina bị gán mác từ gái điếm, điệp viên tới kẻ đồng lõa. Nhưng bà kiên quyết bỏ ngoài tai mọi đồn đoán.
Oswald, Marina và con gái June Lee tại thành phố Minsk, Belarus. Ảnh: Corbis |
Tháng 7/2013, Marina tuyên bố bán đấu giá chiếc nhẫn cưới của chồng bà vì muốn "rũ bỏ quá khứ liên quan tới sự kiện ngày 22/11/1963". Theo hồi ức của Marina, Oswald đã bỏ lại nhẫn có khắc hình búa liềm nhỏ trong cốc nước trước ngày thực hiện phi vụ ám sát tổng thống. Oswald đã mua chiếc nhẫn ở Minsk năm 1961, trước khi hai người quay trở lại Mỹ. Công ty đấu giá RR Auction đã bán chiếc nhẫn cưới bằng vàng với giá 108.000 USD cho một người giấu tên ở Texas.
Giờ đây, khi đã trở thành bà ngoại, Marina vẫn chọn cách sống ẩn dật từ sau cuộc phỏng vấn cuối cùng trên truyền hình hơn 25 năm trước. Lúc đó, bà một mực khẳng định giới chức không có bằng chứng rõ ràng để khẳng định người chồng cũ của bà là kẻ giết hại tổng thống Kennedy. Cho tới nay, bà vẫn giữ niềm tin đó.
Và khi đã ở những năm tháng cuối đời, người phụ nữ tuổi xế chiều đang phải vật lộn với bệnh tật. Marina cho biết mỗi khi nước Mỹ tổ chức lễ tưởng niệm ngày Tổng thống Kennedy bị ám sát, bà càng cảm thấy mệt mỏi khi truyền thông liên tục đưa tin về cố tổng thống. Mỗi ngày các phóng viên vẫn tìm đủ mọi cách để liên lạc với Marina nhằm thuyết phục bà chia sẻ thông tin về người chồng đầu tiên. Họ liên tục đeo bám bà.
Người ta tin rằng, sát thủ Oswald đã bắn 3 viên đạn về phía đoàn xe của tổng thống Kennedy và phu nhân. Một viên trượt hoàn toàn, viên thứ hai trúng người ông Kennedy và sượt qua thống đốc bang Texas John Connally khi ông này ngồi hàng ghế trước. Viên thứ 3 là phát chí mạng, khiến tổng thống Kennedy tử vong. Qua quá trình điều tra, FBI khẳng định xạ thủ phải là kẻ có bề dày kinh nghiệm mới có thể nã 3 lần đạn chỉ trong khoảng từ 5 đến 8 giây. Trong khi đó, thống đốc Connally cho rằng: "2, 3 người hoặc nhiều hơn đã cùng tham gia vụ ám sát. Hoặc một kẻ nào đó đã thực hiện phi vụ bằng một khẩu súng trường tự động".