Tổng thống John F. Kennedy đến bệnh viện ở căn cứ Otis ngày 9/8/1963 để thông báo với phu nhân Jacqueline rằng con trai họ đã qua đời. Ảnh: AP |
Con trai sinh non và chết yểu
Bác sĩ chính trong ca trực nhanh chóng chỉ đạo đồng nghiệp nỗ lực duy trì sự sống cho Patrick. Tuy nhiên, cậu bé qua đời chỉ sau 39 giờ rời khỏi bụng mẹ vì chứng suy hô hấp cấp, nguyên nhân phổ biến khiến hàng loạt trẻ sinh non ở Mỹ tử vong thời bấy giờ.
Sự ra đi của Patrick để lại vết thương lòng sâu sắc đối với người từng trải qua những ca sinh nở khó khăn như Jacqueline. Bà từng bị sẩy thai, bé Arabella chết từ trong bụng mẹ, con trai John Jr. cũng sinh non nhưng may mắn vượt qua bệnh tật.
Một tuần sau khi bé Patrick qua đời, nhiều người kể rằng ông Kennedy đã ôm chặt bà Jacqueline khi dìu vợ rời bệnh viện. Hơn 3 tháng sau, bà Jacqueline cùng chồng đến thành phố Dallas tại bang Texas, nơi có đông người dân ủng hộ Tổng thống Kennedy. Trước đây, bà hiếm khi xuất hiện trong những buổi gặp gỡ cử tri của chồng. Tuy nhiên, bà chẳng thế ngờ sự kiện ở Dallas ngày 22/11 cũng là ngày người chồng vĩnh viễn lìa xa bà, điều mà bà lo sợ nhất.
Tổng thống John F. Kennedy và phu nhân Jacqueline đi quanh thành phố Dallas ngày 22/11/1963. Ảnh: Boston |
Muốn tự tử để mong gặp chồng trên thiên đường
Từ một biểu tượng thời trang của phụ nữ Mỹ, bà Jacqueline trở thành người phụ nữ cứng rắn và mạnh mẽ sau khi chồng bị giết hại, đặc biệt qua hình ảnh bộ đầm Channel màu hồng lấm lem vệt máu từ thi thể ông Kennedy.
Vài giờ sau vụ ám sát, nhiều người khuyên bà nên rửa sạch các vết máu trên khuôn mặt và thay bộ đầm mới. Tuy nhiên, Jacqueline kiên quyết từ chối. "Tôi muốn bọn chúng phải nhìn thấy hậu quả mà chúng đã gây ra".
Một điều bà Jacqueline có thể không nghĩ tới là cái chết của Tổng thống Kennedy như một liều thuốc giải cho những tranh chấp ý thức hệ không hồi kết khi đó.
Một ngày sau khi Tổng thống Kennedy bị ám sát, bà Jacqueline nhận được 45.000 bức thư chia buồn. Tháng 1/1964, bà lên truyền hình để cảm ơn tấm lòng của người dân và cho biết đã nhận gần 800.000 điện tín, thư từ cùng bưu thiếp chia buồn.
Tuy nhiên, sự chia sẻ của đông đảo công chúng cả nước không giúp làm vơi đi nỗi buồn trong lòng Jacqueline. Barbara Leaming, nữ tác giả một cuốn sách về Jacqueline, cho biết phu nhân đã trải qua những ngày chìm trong đau khổ suốt mùa đông năm 1963 đến đầu năm 1964.
Jacqueline bắt đầu tìm đến rượu và uống rất nhiều. Vodka trở thành liều thuốc an thần của bà. Thỉnh thoảng, trong những giấc ngủ hiếm hoi, Jacqueline bất chợt tỉnh dậy và la hét.
Linh mục Richard McSorley, một trong những người dạy tennis cho Jacqueline, thường chia sẻ nỗi đau và an ủi bà. Trong một lần trò chuyện, cựu đệ nhất phu nhân đã kể với Cha McSorley rằng: "Lòng con đang chảy máu bên trong từ sau khi Kennedy bị giết", rồi bà hỏi: "Nếu con tự tử, liệu Chúa có tiếp tục ngăn cách con và chồng hay không? Điều này thật quá sức chịu đựng".
Phu nhân Jacqueline cùng hai con trong buổi tang lễ dành của Tổng thống Kennedy. Ảnh: Boston |
Theo Leaming, bà Jacqueline đang rơi vào triệu chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý sâu sắc. 6 tháng trôi qua, nhưng trong một lần phát biểu trước công chúng, bà Jacqueline cho biết bản thân vẫn như đang trải qua những ngày đầu bi kịch. Bà cất hết những bức ảnh của ông Kennedy để tránh phải nhìn vào chúng, từ đó nhớ lại ký ức xưa.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó Bob McNamara gửi tặng hai bức chân dung ông Kennedy nhằm cố gắng xoa dịu bà Jacqueline. Tuy nhiên, bà Jacqueline chỉ chọn bức tranh nhỏ hơn chứ không nhận hết cả hai. Điều ông McNamara không ngờ là nỗi khổ trong lòng Jacqueline càng đau đớn hơn, khi bà trông thấy con trai John Jr. đến gần bức tranh, rút cây kẹo mút trong miệng ra, hôn lên chân dung bố và nói: "Chúc bố ngủ ngon".
Phu nhân Jacqueline và con gái Caroline quỳ bên quan tài đặt thi thể ông Kennedy. Ảnh: Boston |