50 năm đã trôi qua từ ngày tổng thống Kennedy lìa đời bởi vụ ám sát tại thành phố Dallas, bang Texas hôm 22/11/1963. Trong khoảng thời gian đó, người dân Mỹ chưa bao giờ thấy chiếc áo khoác màu hồng mà đệ nhất phu nhân Jacqueline Kennedy mặc trong ngày định mệnh của chồng. Hiện nay chiếc áo và những phụ kiện của nó đang nằm trong Kho lưu trữ quốc gia ở thủ đô Washington và máu của vị tổng thống bạc mệnh vẫn còn trên áo.
Tổng thống John F. Kennedy cùng đệ nhất phu nhân rời khỏi chuyên cơ tại sân bay Love Field, thành phố Dallas, bang Texas hôm 22/11/1963. Ảnh: Reuters. |
Janet Auchincloss, mẹ của tổng thống Kennedy, đã gói chiếc áo khoác cùng những phụ kiện của nó - bao gồm đôi giày, túi xách và áo sơ mi - rồi gửi tới Kho lưu trữ quốc gia qua bưu điện vào năm 1964. Bà chỉ đặt một mẩu giấy với dòng chữ "Áo khoác và túi xách của Jackie (tên thường gọi của Jacqueline Kennedy)" trong bưu kiện ấy.
"Chiếc áo vẫn mới tinh, trừ vết máu", Steven Tilley, một trong những nhân viên của Kho lưu trữ quốc gia, nói với Los Angeles Times.
Sau khi Kennedy qua đời, bà Jacqueline lên máy bay để trở về thủ đô Washington và không muốn thay chiếc áo khoác màu hồng thấm máu chồng để mặc một bộ trang phục khác sạch hơn. Khi một nhân viên Nhà Trắng hỏi lý do, bà lắc đầu rồi đáp: "Hãy để họ thấy những việc họ đã làm".
Jacqueline cùng chồng gặp những người ủng hộ tại sân bay Love Field sau khi rời khỏi chuyên cơ. Ảnh: AP. |
"Biểu tượng của vụ ám sát John F. Kennedy và con người Jacqueline chính là chiếc áo màu hồng. Nếu một người thấy chiếc áo, họ sẽ liên tưởng ngay tới vụ ám sát và bà Jacqueline", Carl Sferrazza Anthony, một sử gia chuyên nghiên cứu các đệ nhất phu nhân, bình luận.
Jacqueline mặc chiếc áo khoác màu hồng ít nhất 6 lần. Bà mặc nó trong chuyến thăm London vào năm 1962 và trong lễ đón thủ tướng Algeria cùng năm.
Các chuyên gia nhận định rằng, nếu chính phủ Mỹ trưng bày chiếc áo khoác trước công chúng, nhiều vấn đề khó lường có thể phát sinh. Chẳng hạn, nó sẽ khiến một bộ phận dân chúng trở nên kích động.
"Nhiều người dân sẽ cảm thấy kích động khi họ thấy chiếc áo có ý nghĩa lịch sử lớn như thế", Phyllis Magidson, một chuyên gia về trang phục của Bảo tàng thành phố New York, nói với New York Times.