Cố Tổng thống Kennedy và phu nhân. Ảnh: John F. Kennedy Library and Museum |
Ngày 22/11/1963, Tổng thống John F. Kennedy cùng phu nhân đã tới tham dự một lễ diễu hành tại thành phố Dallas, bang Texas, Mỹ với mục đích giảng hòa các xung đột chính trị tại đây và chuẩn bị cho chiến dịch tranh cử nhiệm kỳ Tổng thống tiếp theo.
Khoảng 11h30 cùng ngày theo giờ địa phương, đoàn xe của tổng thống thứ 35 của Hoa Kỳ đi ngang qua kho sách của thư viện Texas, một vài tiếng súng vang lên. Kennedy trúng hai phát đạn và qua đời tại bệnh viện Parkland.
Hơn 50 năm đã trôi qua kể từ ngày cố Tổng thống John F. Kennedy bị ám sát. Tuy nhiên, sự thật về cái chết của ông vẫn luôn là một bí ẩn. Sát thủ thực sự là ai?
Những nghi vấn xung quanh cái chết của Tổng thống
Hai ngày sau khi Tổng thống Kennedy bị ám sát, Jack Ruby đã bắn chết Oswald, kẻ tình nghi duy nhất trong vụ án. Ảnh: AP |
Hôm 24/11/1963, Lee Harvey Oswald, nghi phạm duy nhất trong vụ ám sát Tổng thống John F. Kennedy, bị bắn chết khi đang trên đường di chuyển từ sở cảnh sát thành phố Dallas tới nhà tù địa phương khiến dư luận dấy lên những nghi ngờ xung quanh cái chết của vị tổng thống trẻ.
Để dập tắt những nghi ngờ, Lyndon Johnson, tổng thống kế nhiệm, đã lập ra một ủy ban điều tra đặc biệt do Chánh án Tòa án tối cao Hoa Kỳ Earl Warren đứng đầu. 25.000 cuộc phỏng vấn đã được thực hiện. Vợ, mẹ và anh trai của Oswald cũng được triệu tập. Ủy ban Warren đã làm việc vất vả trong 10 tháng và đưa ra kết luận: Oswald hành động đơn lẻ và không có bằng chứng chứng tỏ rằng hắn làm việc cho nước ngoài.
Tuy nhiên, người Mỹ không tin vào kết luận này. Họ cho rằng, ủy ban Warren đã vội vàng phán quyết hoặc cố tình che giấu một âm mưu. Nhiều người đã dày công nghiên cứu bản báo cáo dài 888 trang cùng 26 tập bằng chứng về cái chết của cố Tổng thống Kennedy và phát hiện ra nhiều điểm mâu thuẫn.
Hơn nữa, phần lớn những người xuất hiện tại hiện trường ngày hôm đó đã từ chối làm nhân chứng. Nhiều người cho biết, họ đã bị đe dọa. Những người đứng ra làm chứng trong vụ án không nhiều. Tuy nhiên, một số lời khai của họ là giả.
Sau 3 năm kể từ khi vụ ám sát vị tổng thống thứ 35 của Hoa Kỳ và Oswald xảy ra, 18 nhân chứng của vụ án liên tiếp gặp rủi ro. 8 người bị sát hại, 3 người gặp tai nạn, hai người tự tử, 3 người bị nhồi máu cơ tim và hai người chết vì nguyên nhân tự nhiên.
Tháng 1/1967, Jack Ruby, kẻ đã bắn chết Oswald, qua đời bởi căn bệnh ung thư phổi. Những manh mối ngày càng mờ hơn. Các nhà điều tra vùi đầu với hàng trăm câu hỏi mà không thể đưa ra bất cứ kết luận nào về cái chết của vị tổng thống trẻ.
Theo các cuộc thăm dò dư luận, khoảng 70% đến 80% người Mỹ tin rằng, vụ ám sát Tổng thống John F. Kennedy là một âm mưu. Oswald chỉ là một phần trong âm mưu ấy.
Kẻ nào là hung thủ bày mưu ám sát tổng thống?
Kennedy và phu nhân trong chuyến đi cuối cùng của cuộc đời ông vào ngày 22/11/1963. Ảnh: Getty Images |
Kennedy là một vị Tổng thống được lòng dân, nhưng không phải là tất cả. Các chính sách tiến bộ về những vấn đề trong nước và khát vọng trở thành sứ giả hòa bình thế giới của ông đã khiến nhiều kẻ "phật ý". Cái chết của ông tồn tại quá nhiều điểm hoài nghi.
Các nhà điều tra đã đặt ra hàng chục giả thuyết về kẻ thực sự đứng đằng sau âm mưu sát hại Kennedy. Người Mỹ không tin rằng, một mình Oswald lại có thể hạ sát tổng thống của họ.
Nhiều người tin rằng, cái chết của Kennedy liên quan tới quyết định của ông trong sự kiện Vịnh con Heo. Năm 1961, chính quyền Kennedy đã đồng ý giúp đỡ những người Cuba sống lưu vong trong việc lật đổ Chủ tịch Fidel Castro nhưng đến phút cuối, ông lại rút lực lượng yểm trợ về và từ chối giúp đỡ khiến họ thảm bại.
Việc đẩy mạnh cải cách cũng như ủng hộ Bộ trưởng Bộ Tư pháp Robert Kennedy trong việc thanh trừng các băng nhóm tội phạm có tổ chức cũng có thể là nguyên nhân dẫn tới vụ ám sát.
Mặt khác, nhiều ý kiến tán đồng với giả thuyết vụ ám sát Kennedy là do một hoặc một vài cơ quan nào đó của chính phủ như Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) hay Cục dự trữ Liên bang (FED) gây ra. Động cơ có thể xuất phát từ những thay đổi của Tổng thống nhằm hạn chế quyền lực của các cơ quan này.
Phó Tổng thống Lyndon B. Johnson là người đạt được nhiều quyền lợi nhất từ cái chết của Tổng thống Kennedy. Theo Hiến pháp Hoa Kỳ, Johnson sẽ lên làm tổng thống. Mối quan hệ giữa hai người cũng không mấy tốt đẹp. Trên thực tế, Kennedy đã định bãi nhiệm Johnson.
Năm 2013, Vincent Bugliosi, một luật sư, đã ước tính rằng, 42 nhóm, 82 sát thủ và 213 cá nhân đã bị buộc tội trong hàng chục thuyết âm mưu về vụ ám sát Kennedy.