Tổng thống Trump hôm 3/7 lên đường tới Khu kỷ niệm quốc gia núi Rushmore chuẩn bị cho lễ kỷ niệm ngày Quốc khánh Mỹ hoành tráng. Sự kiện tại núi Rushmore chỉ là mở màn cho cuối tuần đầy hoạt động của Tổng thống Trump. Ông Trump sẽ tham dự cuộc duyệt binh và màn trình diễn pháo hoa trong ngày 4/7, đúng ngày kỷ niệm Quốc khánh Mỹ. Ảnh: New York Times. |
Dù không phải là cuộc tập hợp cử tri chính thức hay vận động tranh cử, sự kiện hôm 3/7 tại núi Rushmore thu hút sự tham dự của hàng nghìn cử tri ủng hộ Tổng thống Trump. Những người tham dự sự kiện mang theo những biểu ngữ và hô khẩu hiệu thể hiện sự ủng hộ ông Trump chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 11 và tiếp tục làm tổng thống Mỹ trong 4 năm tới. Ảnh: New York Times. |
Tại núi Rushmore, nơi điêu khắc chân dung 4 tổng thống Mỹ, trong đó có những người được cho là từng sở hữu nô lệ như George Washington và Thomas Jefferson, Tổng thống Trump công khai chỉ trích "phe cánh tả" và những người phá hoại các di tích lịch sử gắn liền với các nhân vật được cho là hưởng lợi từ chế độ nô lệ trong quá khứ. "Phong trào này đang công khai tấn công vào di sản của những người hiện diện trên núi Rushmore, bôi nhọ các anh hùng của đất nước, tẩy xóa các giá trị sống của chúng ta, nhồi sọ con cháu chúng ta", Tổng thống Trump nói. Ảnh: AP. |
Trong bài phát biểu sau đó của riêng mình, Thống đốc bang South Dakota Kristi Noem cũng hưởng ứng thông điệp của Tổng thống Trump và cáo buộc phe cánh tả đang "tìm cách xóa bỏ bài học lịch sử". "Chiến dịch này được thực hiện có chủ đích nhằm hạ bệ các giá trị nền tảng của nước Mỹ, bằng cách bôi nhọ cá nhân những các anh hùng lập quốc", bà Noem nói. Ảnh: New York Times. |
"Họ nghĩ người dân Mỹ yếu đuối, mong manh và dễ phục tùng. Nhưng không, người dân Mỹ mạnh mẽ và luôn dâng tràn niềm tự hào, người Mỹ sẽ không cho phép đất nước và các giá trị, lịch sử, văn hóa của mình bị tước bỏ", Tổng thống Trump tuyên bố. Ảnh: AP. |
Các nhóm thổ dân bản địa chỉ trích việc Tổng thống Trump tổ chức sự kiện tại núi Rushmore - vùng đất họ coi là đất thiêng, là sự xúc phạm đối với dân bản địa. Hàng trăm người thuộc các bộ lạc người thổ dân Lakota đã xếp hàng trên con đường từ Keystone tới khu tưởng niệm núi Rushmore với những biểu ngữ phản đối như "Các người đã đánh cắp đất của chúng tôi" và "Xóa bỏ chế độ da trắng thượng đẳng". "Tổng thống cần mở to mắt ra nhìn. Chúng tôi cũng là người dân Mỹ, vùng đất này ban đầu là của chúng tôi", Hehakaho Waste, thủ lĩnh bộ lạc Oglala Sioux của thổ dân Lakota, nói. Ảnh: AP. |
Các bộ lạc thổ dân bản địa cũng cảnh báo việc sự kiện do Tổng thống Trump chủ trì tiến hành bắn pháo hoa kỷ niệm, hoạt động vốn bị cấm tại tưởng niệm trong hơn 10 năm qua, có thể gây ra cháy rừng và ô nhiễm nguồn nước. Thống đốc Noem thúc đẩy chính quyền bang South Dakota cho phép bắn pháo hoa ở khu tưởng niệm sau khi bà đắc cử, bước đi được Tổng thống Trump ủng hộ. Đầu năm nay, Tổng thống Trump đã gạt đi lo ngại về cháy rừng khi cho rằng khu tưởng niệm núi Rushmore "chỉ toàn đá" và không thể bị cháy. Ảnh: AP. |
Những người phản đối cũng bày tỏ sự kiện chứng kiến hàng nghìn người tham dự mà không áp dụng các biện pháp an toàn sẽ làm lây lan virus corona. Thống đốc bang South Dakota Kristi Noem trước đó xác nhận các biện pháp giãn cách xã hội sẽ không bị bắt buộc thực hiện. Dù ban tổ chức phát khẩu trang miễn phí, tuy nhiên việc đeo khẩu trang tại sự kiện sẽ do người tham dự tự quyết định dựa trên nhu cầu của bản thân. Ảnh: Reuters. |