Lễ hội Nhà văn Auckland diễn ra từ ngày 14 đến 19/5 vừa qua đã phá vỡ mọi kỷ lục trước đây về số lượng người tham dự, đạt hơn 85.000 lượt ghé thăm đối với 167 sự kiện. Cửa hàng sách do lễ hội mở cũng đã ghi nhận doanh số bán hàng lớn nhất từ trước đến nay, với gần 11.000 cuốn sách được bán ra (tăng gần 50% so với năm trước).
Lễ hội Nhà văn Auckland 2024. Ảnh: Auckland Writers Festival. |
Năm 2023, Hội chợ sách lớn nhất thế giới - Hội sách quốc tế Frankfurt cũng ghi nhận nhiều con số ấn tượng như 105.000 lượt khách tham gia và 4.000 đơn vị triển lãm đến từ 95 quốc gia trên thế giới.
Nguyên nhân khiến người bán sách ngày càng khó khăn?
Tuy nhiên, ngay trước khi hội sách tại Auckland được tổ chức, ngành xuất bản New Zealand đã ghi nhận sự chấn động khi nhiều nhân sự cao cấp tại Penguin New Zealand bị sa thải. Trong 2 năm qua, một số hiệu sách độc lập tại thủ đô Auckland cũng đã phải đóng cửa.
Và đây không phải là tình trạng của riêng New Zealand. Tờ New York Times (NYT) cũng mới đưa tin Penguin Random House đã sa thải các vị trí hàng đầu như Reagan Arthur, Phó chủ tịch nhà xuất bản trực thuộc Knopf và Lisa Lucas, Phó chủ tịch nhà xuất bản trực thuộc Pantheon. NYT viết: “Sự ra đi của hai nhà lãnh đạo nổi tiếng diễn ra vào thời điểm Penguin Random House và các nhà xuất bản lớn khác đang đối mặt với nhiều thách thức tài chính, với chi phí chuỗi cung ứng tăng cao trong khi doanh số bán bản in thì chậm chạp. Theo một báo cáo gần đây của Hiệp hội các nhà xuất bản Mỹ, doanh số của các nhà xuất bản không thay đổi nhiều trong quý đầu tiên của năm 2024”.
Nhiều yếu tố khiến doanh thu của ngành xuất bản thế giới gặp nhiều khó khăn. Ảnh minh hoạ: Patch. |
Một vài tuần trước đây, nhà xuất bản Galley Beggar Press ở Anh đã đăng tải một bài báo có đầu đề 'Chi phí một cuốn sách là bao nhiêu?'. Theo đó, họ phân tích chi phí sản xuất một cuốn sách vào năm 2015 so với năm 2023 và cho ra kết quả đáng kinh ngạc: chi phí đã tăng hơn gấp đôi.
Renee Rowland, Giám đốc Hiệp hội nhà bán sách New Zealand, cũng đồng tình về những thách thức ở Mỹ và Vương quốc Anh: “Chi phí vận hành và những thách thức trong chuỗi cung ứng khiến đời sống hàng ngày của những người bán sách trở thành địa ngục. Đối với người bán sách của chúng tôi, tình hình cụ thể là: chi phí vận hành và nhân sự thì tăng trong khi giá sách thì không. Bên cạnh đó còn là cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt và sự sụt giảm lượng người mua sách in do xu hướng mua sắm trực tuyến và làm việc tại nhà từ sau dịch Covid-19”.
Nhưng ngay cả những doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến cũng đang gặp khó khăn. Mandy Myles, đại diện cho nền tảng trực tuyến Bookety Book Books, cũng chia sẻ về sự tăng vọt của nhiều loại chi phí. “Tôi mới ra mắt nền tảng này 4 năm trước và cho tới nay, chi phí vận chuyển và đóng gói của tôi đã tăng gấp đôi. Trong khi mức chi tiêu của người dùng lại không tăng theo mức này. Tình trạng hiện tại gây khó khăn cho người bán sách vì chúng tôi bán các mặt hàng có giá cố định và chi phí do nhà cung cấp ấn định. Chúng tôi không sản xuất sản phẩm của riêng mình nên không thể tăng giá để chuyển chi phí lạm phát sang người tiêu dùng, vì vậy chúng tôi phải gánh những chi phí này vào tỷ suất lợi nhuận vốn đã rất mỏng của mình”, Myles giải thích.
Theo Rowland, có một vấn đề kinh niên gây đau đầu cho các nhà bán sách, đó là “biên lợi nhuận rất nhỏ”. Theo đó, “các hiệu sách cần bán được một số lượng đáng kể để có thể thu hồi vốn, hay có thêm được chút doanh thu cần thiết thanh toán các hóa đơn”.
Việc đưa một cuốn sách tới tay người dùng trải qua rất nhiều khâu, do đó, lợi nhuận còn lại của người bán sách đối với một tác phẩm, sau khi khấu trừ mọi chi phí, không quá lớn. Đó là lý do Rowland nói rằng lâu nay họ phải lấy “số lượng bù chất lượng” về mặt doanh thu.
Hiện tại, đang có một số giải pháp hỗ trợ cho cả người bán sách và các tác giả. Gần đây, nền tảng trực tuyến BookHub được ra đời để hỗ trợ các hiệu sách độc lập. Theo đó, người dùng có thể đặt mua sách từ các hiệu sách có đăng ký trên nền tảng này, từ đó ủng hộ hoạt động kinh doanh tại nhiều cộng đồng địa phương.
Còn các nhà văn cũng đang có nhiều lựa chọn xuất bản hơn. Thay vì dựa vào các nhà xuất bản truyền thống, họ có thể tiếp cận các nền tảng tự xuất bản trực tuyến như Substack, Amazon và Patreon, từ đó, tạo dựng con đường riêng cho mình trên thị trường.
Tuy nhiên, trong tình cảnh kinh tế thế giới tiềm ẩn nhiều bất ổn, với mức tăng trưởng các năm gần đây liên tục sụt giảm (theo Quỹ tiền tệ quốc tế IMF, tăng trưởng kinh tế toàn cầu từ 3,5% vào năm 2022 giảm xuống còn 3,0% vào năm 2023 và dự báo tiếp tục giảm xuống còn 2,9% trong năm 2024), thì người tiêu dùng đang siết chặt chi tiêu đáng kể, đặc biệt là đối với sách - mặt hàng không quan trọng bằng các nhu cầu cơ bản hàng ngày.
Tại sao các lễ hội sách vẫn thành công?
Lý giải sự thành công của Lễ hội Nhà văn Auckland, Myles nói: “Tôi nghĩ số lượng người tham dự kỷ lục cho thấy độc giả vẫn dành sự ủng hộ cho các tác giả cũng như ngành xuất bản nói chung”. Và về doanh số bán sách ở đó, Myles cho rằng độc giả coi các lễ hội văn học là một dịp đặc biệt và sẵn sàng chi tiêu. “Mua sách sau khi tham gia một sự kiện đầy hào hứng là một hành động xuất phát từ cảm xúc”.
Thêm vào đó, có một sự khác biệt giữa việc mua sách tại lễ hội và mua sách tại hiệu sách địa phương đó là lễ hội sách giúp xây dựng cộng đồng độc giả, lan toả niềm hứng khởi đọc sách và cảm xúc ngay lúc đó rất dễ truyền cảm hứng cho việc mua hàng. Trong khi các lễ hội sách trên toàn cầu đều có những điểm nhấn riêng, hay có những chủ đề riêng, thì tất cả đều có một điểm chung là mang đến cho độc giả cơ hội kết nối với những người lạ có cùng chí hướng, lắng nghe những nhà văn họ yêu mến truyền cảm hứng và chia sẻ tình yêu sách giữa tất cả.
Và trong thời đại đang bất ổn hiện tại, những lễ hội sách như vậy mang lại sự giải tỏa. Theo tờ The Spin Off, những người tham dự các lễ hội sách đang đầu tư vào giá trị tinh thần của chính họ. Tại các lễ hội sách, không khí đều rất náo nhiệt, người tham dự thì hào hứng, thoải mái, trong khi vẫn nắm bắt được các thông tin mới trong ngành và xây dựng được mối quan hệ. Và khi cảm xúc dâng trào, độc giả mua sách như một cách lưu giữ “bằng chứng” cho những khoảnh khắc đặc biệt vừa trải qua.