Lê Hoàng nói nhiều và tốc độ rất nhanh. Anh có thể nói thao thao bất tuyệt trong nhiều giờ, về tất cả chủ đề, đặc biệt là điện ảnh. Kết thúc cuộc nói chuyện với Lê Hoàng, người đối diện thường dễ bị dẫn đi xa những chủ đề ban đầu. Với những ai thích Lê Hoàng sẽ thấy yêu quý vì sự tưng tửng, xéo xắt, hài hước. Nhưng với ai không ưa Lê Hoàng sẽ cảm thấy mệt mỏi vì cách nói chuyện lan man, nhiều lúc hớ hênh, dễ nhận phản ứng.
Một tuần trước khi đưa Trà ra rạp, Lê Hoàng khá tự tin. Anh thậm chí "khoe" rất nhiều về kịch bản, thoại, dàn cast.
Song tình cảnh trái ngược đã diễn ra khi bộ phim công chiếu. Báo giới phản ứng tiêu cực với dự án có đề tài tiểu tam, ngoại tình. Trước câu hỏi về việc phim bị chê, đạo diễn Gái nhảy nói: “Ai muốn bình luận sao tùy họ”.
"Xưa giờ, tôi có phản ứng xấu đâu"
- Trà bị báo giới thờ ơ, anh thế nào?
- Ai muốn bình luận sao tùy họ.
- Anh còn không xù lông nhím, phản ứng gay gắt như những lần trước?
Lê Hoàng trở lại với điện ảnh sau 7 năm. |
- Xưa giờ tôi có phản ứng xấu đâu. Mọi người cứ làm như tôi ác lắm.
- Khó hiểu khi một đạo diễn như Lê Hoàng lại đưa tác phẩm đầy sạn ra rạp?
- Quyết định đưa phim ra rạp vào dịp Tết này đến từ nhà phát hành. Không phải lựa chọn của tôi. Đạo diễn chỉ làm phim thôi.
Phim này do những người bạn của tôi đưa tiền để thực hiện. Bản thân tôi chẳng có sức ép phải ra rạp sớm. Vấn đề ngoại tình là muôn thuở. Chẳng có mới hay cũ.
Tôi không tư duy theo công thức nào cả. Tôi không nói điều đó hay hoặc dở. Trong cuộc sống, những gì dễ dãi thì dễ xơi.
- Với một bộ phim thảm họa như Trà, anh nghĩ mình có lỗi với khán giả không?
- Nếu xem đấy là tội lỗi thì giờ phút này, bạn chẳng còn ngồi đây nói chuyện với đạo diễn nào. Còn sống ít lắm.
- Sau khi phim của anh công chiếu, giới chuyên môn cho rằng cuộc đấu phim Tết năm nay chỉ còn thuộc về Mai của Trấn Thành và Gặp lại chị bầu của Nhất Trung?
- Càng tốt. Chả có gì. Nhưng mà nói thật, đánh giá phim là khán giả. Mà sao mọi người cứ dùng từ cuộc đấu nhỉ. Chỉ nên gọi là các phim cùng chiếu thôi.
- Anh nhận định thế nào về cuộc đua nói trên?
- Cuộc đua nào mà chả gay cấn.
- Với Mai của Trấn Thành thì sao?
- Trấn Thành làm phim kỹ, có gu thẩm mỹ đặc biệt, không đùa được đâu. Trấn Thành và tôi xưa giờ thân mà. Chúng tôi chẳng phải địch thủ gì đâu.
"Phim Việt cũ kỹ, công thức"
- Trấn Thành từ một MC thành đạo diễn của những bộ phim trăm tỷ. Lê Hoàng từ một đạo diễn lại trở thành MC? Đây có phải điều thú vị để so sánh?
- Hai nghề đấy đều vĩ đại như nhau. Ai lấy đâu ra tiêu chuẩn đó để so sánh. Thậm chí, người nổi tiếng và có thu nhập cao nhất bên Mỹ hiện giờ là một bà MC, không phải đạo diễn. Mặc định đạo diễn cao hơn MC là bậy.
Một đạo diễn tồi không nên so sánh với MC giỏi.
- Nhưng anh có suy nghĩ gì không?
- Nếu đời tôi cứ nghĩ điều đó là cay đắng, là buồn thì chết thì đời tám kiếp rồi. Không phải tươi tỉnh để ngồi cạnh bạn nói chuyện thế này đâu.
- Bây giờ, nhớ đến Lê Hoàng, khán giả vẫn không quên những phát ngôn gây sốc của anh trong các chương trình?
- Nói chung, nói chuyện với Lê Hoàng là không nhạt. Vậy thôi.
- Hơn hai thập kỷ trước, anh từng ngồi ở vị trí của Trấn Thành hiện tại. Anh có lời khuyên nào cho đàn em?
- Trấn Thành là nghệ sĩ thông minh, giỏi. Trấn Thành có hai phim ăn khách rồi. Nên nói Trấn Thành ăn may trong điện ảnh là bậy.
- Anh có thường ra rạp để xem phim của đồng nghiệp?
- Tất cả phim của đạo diễn Việt khi ra rạp, tôi đều đi xem, kể cả phim bị chê thảm họa. Về nguyên tắc, mình làm phim Việt thì phải biết điện ảnh nước mình đang ở level nào. Có những người nói không thèm xem phim Việt. Tôi nghĩ trong bụng: ‘Thằng điên’. Chẳng hạn như khi anh bán một gói xôi. Anh phải biết đang có bao nhiêu người bán xôi trên đời. Và gói xôi của mình khác với xôi thiên hạ ra sao.
Tôi khuyên tất cả diễn viên, việc đầu tiên là không được bỏ qua bất cứ phim Việt nào. Ví dụ cao lắm một năm, Việt Nam phát hành khoảng 50 phim đi. Mỗi tháng, bạn bỏ tiền đi coi vài tác phẩm. Số tiền đó cũng chẳng khiến bạn nghèo đi đâu. Vì thế, tôi xem hết phim của đồng nghiệp để rút ra cho mình nhiều thứ. Đôi khi mình tưởng tác phẩm của mình hay ho lắm. Nhưng thực tế người ta đã làm từ thời quái nào rồi.
Đạo diễn Lê Hoàng và nữ chính Đoàn Trinh trong phim Trà. |
- Xem xong, anh thấy thế nào?
- Hay dở thì tôi không dám chắc. Nhưng tôi tự tin về phần viết kịch bản. Khán giả sẽ không bao giờ đoán được kịch bản của Lê Hoàng.
Tôi sợ nhất là những phim mà chỉ xem 10-15 phút là đã biết trước như thế nào. Đa số các phim Việt Nam đều ở tình trạng đó. Chẳng hạn, các phim cứ mở đầu là đôi nam nữ vượt qua khó khăn, khán giả chắc chắn đoán được cặp đó sẽ đến với nhau ở cuối phim thôi.
Tất cả sự đoán được đều cho thấy cũ kĩ, công thức. Những cái gì lạ thì các bạn không thể đoán được. Nói vậy thôi, chứ làm thì khó lắm. Nguyên tắc của điện ảnh, sân khấu là phải mang tới sự bất ngờ. Nhưng sự bất ngờ phải hợp lý cơ.
Còn phim của tôi khi chiếu xong, chỉ còn hai phút kết phim nữa thôi, người ta cũng chưa biết sẽ thế nào.
Ngoài ra, phim của tôi đảm bảo thoại hay. Vì nghề của tôi là viết kịch. Kịch của sân khấu phải cô đọng, có chất văn học. Hiện nay, thoại trong điện ảnh lại đầy tính sinh hoạt. Đáng lẽ, thoại trong điện ảnh là phải biểu tượng nhưng cũng gần gũi. Khó là ở chỗ đó. Thực ra, khoản viết thoại, tôi chẳng sợ ai. Cái gì hay mình phải tự công nhận.
- Nhưng thoại hay không đồng nghĩa với phim tốt?
- Tất nhiên. Thoại hay cũng phải đúng hoàn cảnh, đắt giá.
"Sự thay đổi của diễn viên rất khủng khiếp"
- 7 năm qua, khán giả tưởng anh đã giải nghệ với điện ảnh?
- Không phải giải nghệ. Họ nghĩ tôi chết quách rồi í. Gớm. Sao phải dùng từ giải nghệ, dễ thương thế (Cười).
Mọi người cứ nói tôi trở lại với điện ảnh. Tưởng như tôi đi đâu ấy. Thực ra chuyện một đạo diễn mấy năm làm một phim là bình thường. Chẳng hạn như James Cameron làm Avatar 1 tới Avatar 2 là bao nhiêu năm. Tất nhiên, tôi không so sánh mình với ổng. Nhưng người ta cũng không dùng từ trở lại với James Cameron.
Không có nghĩa nghỉ lâu rồi quay lại làm là trở lại đâu. Chỉ đơn giản là nghỉ lâu vì nhiều lý do, khách quan lẫn chủ quan.
- Nhân nhắc đến James Cameron, có một thực tế là nhiều đạo diễn nổi tiếng khác trên thế giới vẫn thực hiện những bộ phim kinh điển khi tuổi đã cao. Trong khi ở Việt Nam, nhiều đạo diễn rời bỏ cuộc chơi sớm khi chớm già?
- Nói chung là nghệ sĩ thì rất sợ bị lãng quên. Nhưng diễn viên kinh khủng hơn. Với đạo diễn, nếu khán giả quên mình thì bình thường. Nghệ sĩ biểu diễn rất sợ sự lãng quên.
Tôi đi qua bao nhiêu liên hoan phim, chứng kiến cảnh một diễn viên được tung hô, bao vây. Nhưng cũng là cô ấy, ở một liên hoan phim khác, cách đó ít năm, lại ngồi co rúm một góc, không ai quan tâm.
Tất nhiên, đấy không phải là lỗi tại ai cả. Nhưng với diễn viên, điều đó đau lòng, bi kịch lắm. Không phải chỉ riêng nước mình mà ở các quốc gia khác cũng vậy. Không tin, bạn xem phim Đại lộ hoàng hôn đi.
Nhiều phim nói sự về chiều của người nghệ sĩ. Chót dính vào hai chữ vinh quang, khi mất đi rất kinh khủng.
Đó là cuộc đời. Chọn nghề này thì chấp nhận. Điện ảnh châu Á trong đó có Việt Nam, rất ít vai chính dành cho người già trong khi ở Hollywood điều này lại trái ngược. Một nền điện ảnh phát triển bền vững phải chú trọng vào người già. Vì vấn về của người trưởng thành rất quan trọng.
Nhiều diễn viên Hollywood 40, 50 tuổi vẫn đóng phim và đạt đỉnh cao. Trong khi tuổi thọ của diễn viên mình thì…
- Anh nhắc nhiều đến sự lãng quên. Bản thân anh đã trải qua điều này?
- Tôi chứng kiến nhiều rồi. Tôi kể với bạn câu chuyện thế này. Trước đây, tôi có làm việc với một diễn viên trẻ, rất dễ thương. Sau ngày quay, tôi dẫn cô ấy đi ăn ở một quán bình dân thôi. Cô bé cảm động ghê lắm.
Cũng là cô ấy, ba năm sau, gặp lại tôi trong một sự kiện. Tôi hỏi: ‘Bác nghe nói con hay mua túi hiệu nhiều lắm à. Sao phung phí vậy?’. Cô ấy nói vậy: ‘Bác này, có 90.000 USD thôi mà’.
Cũng có một diễn viên khác, sau khi làm việc, tôi nói: ‘Sau này, em nhớ những ngày này nhé. Đừng thay đổi’. ‘Anh đừng có lo, ai mà tởm thế’, Cô ấy đáp. Nhưng chỉ vài năm sau khác hẳn.
Sự thay đổi của một diễn viên khủng khiếp lắm. Nhưng tôi chả trách. Hoàn cảnh thay đổi, con người thay đổi.
Những điều hay ho chỉ có trong phim. Trong phim, thực ra nhiều điều tốt hơn ngoài đời.
Tủ sách Nghệ thuật - Giải trí giới thiệu những cuốn sách hay và mới nhất về nền công nghiệp giải trí và các bộ môn nghệ thuật đại chúng tiêu biểu. Ngoài ra, tủ sách cũng đề xuất loạt tác phẩm đáng đọc về các nghệ sĩ nổi tiếng ở Việt Nam và thế giới, giúp độc giả hiểu hơn và biết thêm về những câu chuyện hậu trường, chưa từng được tiết lộ