LỄ CÚNG TÁO QUÂN, SẮM TẾT BẬN RỘN CỦA VỢ CHỒNG PHI CÔNG TRẺ
Ra ở riêng được hơn một năm, vợ chồng Đức Dũng, Trà My bận rộn mua sắm cho năm mới. Chưa có nhiều kinh nghiệm, anh chị vẫn phải loay hoay với những thủ tục lần đầu đón Tết.
- Bánh kẹo bên nội, bên ngoại, rượu để bàn thờ, nho cúng Táo quân, trà cho phòng khách...
Trà My (30 tuổi) kiểm lại một loạt các đồ biếu lễ mà chị và chồng đã dành cả ngày ra để mua sắm. Căn phòng bày biện la liệt hoa quả, quà bánh. Thỉnh thoảng chị lại sực nhớ ra một món đồ nào đó, khi thì là miến để làm cơm cúng Táo quân vào ngày mai, một loại bánh kẹo...
Tách ra sống riêng cũng được hơn một năm, đây đã là Tết thứ hai cặp vợ chồng trẻ này phải tự mình lo liệu khi không có bố mẹ. "Nhà chồng tôi cũng ngay gần đây, có gì không hiểu tôi lại gọi cho ông bà để hỏi lại. Vì còn trẻ, chưa hiểu hết được lễ Tết Việt Nam, vì thế mẹ cũng rất thông cảm", chị My nói.
Lễ Táo quân đơn giản và lần đầu tiên cả nhà đi thả cá
- Anh xung phong trông Bống để vợ nấu cơm cúng nhé!
Anh Đức Dũng hào hứng nhận nhiệm vụ. Là cánh mày râu, anh thừa nhận bản thân không biết nấu nướng, lại càng không hiểu gì về bày biện lễ nghi ngày Tết. Vậy là phần lớn công việc được chị My thu xếp.
"Vợ chỉ đâu thì đánh đấy, cái gì nặng nhọc thì phụ cô ấy hoặc tôi chơi với con gái, trông con cho vợ tiện nấu nướng", anh Dũng cười nói.
My đảm nhận việc nấu nướng chính. Các món ăn trong ngày lễ 23 tháng Chạp chị chọn đều là những món truyền thống như nem, giò, miến xào, canh măng... Nguyên liệu được mua từ khu chợ gần nhà, một số món như nem, giò... đặt ship qua mạng.
"Tôi cũng không câu nệ chuyện tự làm hay mua sẵn. Món nào quá cầu kỳ hoặc không làm được mới đặt mua. Bây giờ trên mạng cái gì cũng bán, tôi tìm địa chỉ uy tín nên món ăn vẫn đảm bảo sạch sẽ như nhà làm", nữ tiếp viên hàng không chia sẻ trong lúc nấu cơm cúng.
Cùng làm trong ngành hàng không, chồng là cơ phó, vợ là tiếp viên, công việc của anh chị gối nhau liên tiếp.
Trước thời điểm dịch bệnh, dù ít khi bay cùng tuyến nhưng lịch làm việc của họ luôn dày đặc. Đến nay tuy công việc giãn ra khi số lượng chuyến bay nội địa giảm nhưng để cẩn thận, hai vợ chồng cùng xin nghỉ ngày 22 tháng Chạp để ở nhà cúng Táo quân. Nữ tiếp viên hàng không chia sẻ, quan niệm của cả hai vợ chồng đều muốn gia đình ở gần nhau những dịp lễ như thế này, chỉ trừ những khi bất đắc dĩ mới phải xa cách.
- Bống ơi đây là con gì?
- Cá... cá.
- Cá để làm gì Bống nhỉ?
- Cúng cụ.
Bống (2 tuổi) bập bẹ trả lời những câu hỏi của bố. Là con gái đầu lòng của anh Dũng, chị My, ở tuổi tập ăn tập nói, Bống tò mò với tất cả những gì xung quanh. Hôm nay cô bé thích thú khi được phụ mẹ cắm hoa, cùng bố mẹ đứng cúng.
Anh Dũng và bà xã cũng rất ủng hộ mỗi khi cô bé có ý định bê giúp bố mẹ món đồ nào đó. Quan điểm dạy con của anh khá thoải mái, đồng tình với việc để con tham gia các hoạt động cùng bố mẹ thay vì ngồi một chỗ hoặc nghịch điện thoại.
"Có thể cháu chưa hiểu gì về lễ nghi nhưng để con thỏa thích tìm hiểu cũng giúp cho sự phát triển và tăng nhận biết. Năm nay cả gia đình tôi sẽ đi thả cá, tôi muốn con gái có thêm trải nghiệm mới này. Con bé sẽ thích lắm", anh Dũng chia sẻ.
Là người trẻ với tư tưởng tối giản, đồ mũ mã cúng ông Công ông Táo không cầu kỳ. Chờ cho tàn tuần hương, anh Dũng đốt vàng mã rồi chuẩn bị đưa cả nhà đi thả cá. 16h30, cả nhà lên đường. Để tránh đến nơi đông đúc, anh chọn điểm thả cá ở một ngôi đền gần nhà, ngay cạnh bờ sông Hồng.
Nắng chiều dịu mát, xung quanh có thêm vài ba người tới thả cá. Anh Dũng đỡ vợ con xuống sát ven bờ nước để cùng tiễn ông Công ông Táo. Vừa nhẹ nhàng thả cá xuống mặt sông, hai vợ chồng vừa cầu ước cho gia đình khỏe mạnh và một năm yên bình.
Tốn tiền triệu để sắm đồ Tết dù đã tối giản
- Anh ơi dậy đi, hôm nay nhà mình phải đi sắm đồ Tết.
- Vẫn sớm mà vợ.
- Hôm nay cuối tuần, em sợ siêu thị sẽ đông. Nhà mình đi sớm về sớm cho yên tâm.
7h, đôi vợ chồng trẻ cùng cô con gái nhanh chóng sửa soạn rồi đi sắm đồ cho dịp Tết Nguyên đán. Theo những chuyến bay dọc Nam - Bắc, ngày được nghỉ, anh Dũng, chị My lại tranh thủ ngủ bù cho lại sức. Chỉ riêng hôm nay, để đi sắm Tết trong khung giờ vắng, cả nhà cùng nhau dậy sớm.
8h, lượng người tới mua hàng trong siêu thị chưa đông. Nhân viên tất bật bày biện hàng hóa lên kệ để kịp giờ đón khách. Thực phẩm hàng ngày chị My có thói quen mua ở khu chợ ngay cạnh nhà, thỉnh thoảng cuối tuần rảnh rỗi cả nhà mới tới TTTM.
"Hôm nay đến siêu thị chủ yếu mua trà bánh mang biếu và bày biện ban thờ vì trong này mẫu mã đẹp và tập trung nên dễ mua cả thể", chị nói trong lúc đẩy xe đồ đi quanh những quầy hàng hóa đầy ắp.
Một tuần trước Tết Nguyên đán là thời điểm nhu cầu mua sắm của người dân Hà Nội tăng cao. Nhiều trung tâm thương mại, siêu thị, chợ hoa Tết... tại Hà Nội đông nghịt người mua sắm. Có lúc gia đình chị My đi chung, khi thì hai vợ chồng chia nhau ra để tìm mua đồ cho nhanh.
9h30, siêu thị bắt đầu đông dần. Tất cả quầy thanh toán đều hoạt động hết công suất. Việc mua sắm của hai vợ chồng anh Dũng cũng gần hoàn tất.
Là con gái út trong nhà, trước khi đi lấy chồng, chị My không phải bận tâm đến việc mua sắm trong những dịp cuối năm. Cho nên, dù đã là năm thứ hai tự mình lo liệu cho gia đình nhỏ, đôi lúc chị vẫn phải loay hoay, lúng túng.
"Thế mới thấy những bà mẹ Việt Nam phi thường thế nào. Tôi vẫn nhớ những ngày còn bé, mẹ tôi sắm sửa lễ Tết trên dưới đủ cả. Nhà cửa la liệt quà bánh. Bây giờ cuộc sống tối giản đi rồi nhưng có nhiều món không thể bỏ được vì đó là truyền thống", chị My nói.
Hoàn tất việc mua sắm, sau khi thanh toán hóa đơn, chị My phụ giúp chồng đóng gói hàng hóa vào thùng cho tiện vận chuyển và để hạn chế sử dụng túi nylon trong siêu thị. Lúc này chị My nhẩm lại một lượt xem còn quên món đồ nào chưa mua. Dù đã đơn giản hóa việc mua sắm nhưng tổng chi phí anh chị dành cho dịp Tết đã khoảng 5 triệu gồm cả hàng đã đặt qua mạng, đồ mua tại siêu thị... chưa kể thực phẩm sẽ dùng trong những ngày Tết.
Lựa chọn chợ truyền thống cho ngày Tết
"Với gia đình tôi, đồ siêu thị cũng được, chợ truyền thống cũng được. Mỗi bên sẽ có một đặc thù mua sắm riêng, chúng tôi không nghiêng hẳn sang phía nào", anh Dũng nói.
Dù trong siêu thị có đủ cá vàng, đồ làm cơm cúng... nhưng vợ chồng anh vẫn tranh thủ chạy xe qua khu chợ gần nhà để mua. Còn với chị My đơn giản vì nó là cảm giác quen thuộc đã nhiều năm, từ những ngày chị còn bé, theo chân mẹ ra chợ trong những ngày gần qua năm cũ. Với chị My, cảm giác xưa cũ ấy vẫn tạo ra một nét gần gũi mà chị khó lòng bỏ được.
Tại rất nhiều khu chợ truyền thống khác ở Hà Nội, lượng khách tới mua hàng năm nay cũng đông đúc. Không khí se lạnh trùm lên những chợ hoa, chợ vàng mã, đồ trang trí... nằm ở những khu vực trung tâm thành phố tạo nên một nét xưa, rất Hà Nội.
Như chợ hoa Tết truyền thống tại các tuyến phố Hàng Lược, Hàng Mã, mà người dân thường quen gọi là chợ hoa Hàng Lược đã trở thành một nét sinh hoạt văn hóa độc đáo của người dân Hà thành. Dù Hà Nội có rất nhiều chợ hoa nổi tiếng khác nhau, song với những ai thích hoài niệm một cái Tết xưa thì chợ hoa phố cổ Hàng Lược vẫn là điểm mua sắm không thể bỏ qua trong những ngày giáp Tết.
Điểm đặc biệt của chợ hoa Tết Hàng Lược là chỉ họp một lần duy nhất trong năm. Chợ thường được tổ chức bắt đầu từ ngày 15 đến 30 tháng Chạp. Càng gần Tết thì càng đông vui, tấp nập tạo nên không gian mang đậm không khí Tết của thủ đô.
Đây là nơi tập trung các sản vật của nhiều làng nghề, làng hoa ven đô như Ngọc Hà, Tứ Liên, Nghi Tàm, Quảng Bá, Nhật Tân... mang đến cho phiên chợ một màu sắc rất riêng biệt mà ít nơi nào có được. Chợ hoa Hàng Lược không chỉ là chốn nơi buôn bán mà còn như một phần ký ức tuổi thơ của nhiều người dân thủ đô khi theo bà, theo mẹ đi mua sắm Tết. Trẻ con tranh thủ đi chơi trong khi người lớn đi ngắm cành đào, cây quất, bó hoa tươi. Đây cũng là dịp hiếm hoi trong năm để họ thưởng thức không khí đông vui tấp nập, đắm mình trong rừng hoa khoe sắc giữa lòng phố cổ.
Ngoài hoa đào truyền thống, chị My chọn cho gia đình một bó mận trắng, năm nay phòng khách nhà chị sẽ có chút thay đổi. Vừa cắm những cành hoa còn đang hé, chị My dần cảm nhận được không khí Tết đã đến gần.
Chỉ vài ngày nữa thôi, những bông mận sẽ nở bung, trắng xóa. Những cành chiu chít bởi cánh hoa mỏng manh sẽ tươi tắn và hân hoan như sức sống của một năm mới. "Năm tới tôi chỉ mong cầu sức khỏe cho cả gia đình. Bố mẹ đôi bên, vợ chồng con cùng sum vầy đấm ầm là được rồi", chị My vui vẻ nói.