Từng phải đi ăn xin
Nụ cười hiền lành, nét mặt thư sinh, chân chất là những gì khán giả vẫn luôn ấn tượng và nhớ về Lê Công Tuấn Anh. Anh là một trong những nam diễn viên nổi tiếng của điện ảnh thập niên 90 và là thần tượng của giới trẻ hồi đó. Lê Công Tuấn Anh đóng rất nhiều phim, hầu như phim nào cũng để lại dấu ấn khó phai trong lòng khán giả.
Có năm anh đóng tới 20 bộ phim đồng thời còn diễn kịch xuất phát từ Đoàn kịch nói Kim Cương và về sau ở Đoàn kịch Trẻ TP.HCM. Trong quá trình tham gia nghệ thuật của mình anh tham gia gần 70 bộ phim.
Lê Công Tuấn Anh khi còn ngồi trên ghế nhà trường. |
Tuổi thơ nhọc nhằn của đứa trẻ mồ côi
Lê Công Tuấn Anh sinh năm 1967 tại Sài Gòn. Ba của anh họ Lê, mẹ họ Công Huyền thuộc dòng dõi quý tộc ở Huế. Do đó, anh có tên gọi rút gọn kiểu thân mật là Lê Công, chính là ghép từ họ cha và họ mẹ mà thành.
Anh có một tuổi thơ không hạnh phúc. Không nơi nương tựa, anh thành đứa trẻ mồ côi, sống vất vưởng, lang thang ngoài lề đường theo đám trẻ bụi đời làm đủ mọi việc vặt vãnh để kiếm sống như bán báo dạo, đánh giày… Thậm chí, trước đó Lê Công có lúc phải đi ăn xin.
Lê Công Tuấn Anh bị bắt vào trường Giáo dục thiếu niên 3 vào năm 1979. Không lâu sau đó, anh được người cô ruột là bà Lê Thị Ngoan đã 63 tuổi bảo lãnh đưa về nuôi dưỡng tại nhà số 48 đường Huỳnh Tịnh Của (quận 3). Từ đây, cuộc đời của anh bước vào một khúc quanh mới. Tuy bà cô rất nghèo nhưng anh vẫn được cho đi học tử tế. Anh học bổ túc văn hóa đến hết lớp 10 thì nghỉ để học nghề thợ hàn tại Trung tâm dạy nghề (quận 3) và trở thành "một cây văn nghệ" của lớp, của trường.
Thời điểm này, phong trào văn nghệ quần chúng lên rất mạnh, Lê Công Tuấn Anh học lớp hàn 2 gồm 4 học viên từng đạt nhiều giải thưởng trong các cuộc hội thi, hội diễn văn nghệ quần chúng. Thời gian anh học nghề thợ hàn ở trung tâm đã bộc lộ năng khiếu diễn kịch bẩm sinh, anh đã sáng tác kịch bản Ngộ nhận vừa làm diễn viên, vừa làm đạo diễn tham gia hội thi văn nghệ quần chúng và đạt được giải thưởng cao.
Lê Công Tuấn Anh bộc lộ tài năng nghệ thuật từ rất sớm với những vở diễn mang tính phong trào quần chúng. |
Năm 18-19 tuổi, một hôm, Lê Công dẫn cô bạn gái tên Hồng Điệp đến Đoàn kịch nói Kim Cương xin thi làm diễn viên. Lúc đó có tới 400 thí sinh dự thi, nhưng đoàn chỉ chọn hơn 10 người. Và Lê Công Tuấn Anh không dám dự thi, chỉ hỗ trợ tinh thần cho cô bạn gái.
Trong lúc Hồng Điệp đang chuẩn bị thi tiểu phẩm thì nghệ sĩ Kim Cương nhìn thấy có một thanh niên lấp ló ở hậu đài của rạp. Bằng con mắt nghề nghiệp, bà nhận ra cậu thanh niên này có thể trở thành một diễn viên đóng cặp với Hồng Điệp, trở thành một đôi diễn viên hoàn hảo trên sân khấu. Nghệ sĩ Kim Cương nhận luôn cả Hồng Điệp và Lê Công Tuấn Anh vào đoàn.
Hiện tượng Quang "Đông ki sốt"
Sau đó, Lê Công thử sức ở lĩnh vực điện ảnh nhưng cũng không thành công nên đóng được vài phim anh lại xin nghệ sĩ Kim Cương trở về đoàn kịch vì cho rằng mình không hợp với điện ảnh.
Khoảng một năm sau, bất ngờ đạo diễn Xuân Hoàng mời Lê Công Tuấn Anh đóng vai Quang "Đông ki sốt" trong bộ phim Vị đắng tình yêu. Lần này, anh đã thành công. Cùng với diễn viên Thủy Tiên (sau này là mẹ chồng ngọc nữ Tăng Thanh Hà), Lê Công Tuấn Anh đã trở thành hiện tượng đặc biệt trong làng phim ảnh nước nhà.
Lê Công Tuấn Anh đã một bước thành “sao”. Tên tuổi của anh nổi như cồn, hầu như có phim mới nào bấm máy anh cũng có vai, đều là vai chính. Anh không chỉ là diễn viên được các hãng phim TP.HCM săn đón, các hãng phim trung ương cũng không kém sự nồng nhiệt. Chàng diễn viên này quả thật đắt show đến nỗi trong một năm anh đóng khoảng 20 bộ phim, có nhiều lúc anh phải thức trắng đêm để hoàn thành vai diễn và có vai diễn chỉ hoàn thành trong 4 ngày, thậm chí có vai theo yêu cầu chỉ hoàn thành trong 2 ngày.
Lê Công Tuấn Anh ghi dấu trong lòng người hâm mộ với vai diễn Quang "Đông ki sốt" trong bộ phim Vị đắng tình yêu. |
Ngoài vai Quang "Đông ki sốt" trong phim Vị đắng tình yêu, Lê Công Tuấn Anh còn ghi ấn tượng ở một số vai diễn khác như: Vòng hoa Champey, Chuyện tình hồ than thở, Anh chỉ có mình em, Xác chết trên cao nguyên, Em còn nhớ hay em đã quên, Sao phượng còn buồn, Tình ngỡ đã phôi pha, Trong vòng tay chờ đợi, Vĩnh biệt Cali, Tuổi thơ dữ dội, Giọt đắng tình say, Cô thủ môn tội nghiệp,…
Anh cũng nhận được rất nhiều giải thưởng danh giá trong sự nghiệp diễn xuất của mình, nhưng đáng chú ý là: hai giải thưởng kép "nam diễn viên chính xuất sắc nhất" tại liên hoan phim Việt Nam lần thứ 10 vào năm 1993. Ngoài ra anh từng ba năm liên tiếp nhận giải Mai vàng - diễn viên được yêu thích nhất vào các năm 1993, 1994 và 1995.
Bên lĩnh vực sân khấu, Lê Công Tuấn Anh cũng đã đoạt Huy chương vàng tại Hội diễn sân khấu toàn quốc đợt 2 tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 1995 với vai Sỏi trong vở kịch Bước qua lời nguyền.
Anh được công chúng lẫn giới phê bình đánh giá cao trong các vai diễn mình tham gia và được mọi người thừa nhận là tài năng kiệt xuất của điện ảnh. Bởi mỗi bộ phim anh tham gia diễn xuất đều để lại những dấu ấn rất sâu đậm và gây xúc động nơi người xem.
Cái chết gây chấn động
Không chỉ là ngôi sao thần tượng hàng đầu, Lê Công Tuấn Anh còn nổi bật với tính cách hòa đồng, thân thiện, luôn quan tâm đến mọi người xung quanh và đặc biệt là phong cách sống rất giản dị của mình. Anh được bạn bè, đồng nghiệp và người hâm mộ yêu mến bởi cá tính hiền lành, nhút nhát, dễ mến, cũng như là người nghệ sĩ có một trái tim nhân hậu và là người sống nội tâm.
Năm 1996, công chúng Việt Nam bàng hoàng và sửng sốt khi nghe tin Lê Công Tuấn Anh đã tự tử. Anh đã ra đi khi còn đứng trên đỉnh cao của sự nghiệp diễn xuất, anh mất đi đã để lại niềm nhớ tiếc trong lòng nhiều khán giả điện ảnh Việt Nam.
Cái chết của anh trở thành một sự kiện lớn và thu hút rất nhiều sự quan tâm của các tờ báo cũng như công chúng trong khắp cả nước. Còn nhớ khi đó, các sạp báo đã phải làm việc hết công suất để photo các bài viết về cái chết của Lê Công Tuấn Anh, đáp ứng nhu cầu thông tin cực lớn của công chúng và người hâm mộ.
Cái chết Lê Công đến nay vẫn còn nhiều điều bí ẩn và với những người thân thuộc và khán giả, anh vẫn luôn hiện hữu với hình ảnh một chàng trai đáng yêu, gần gũi đầy tài năng.