Phản ứng trước vụ thử tên lửa hành trình tầm xa của Triều Tiên, Lầu Năm Góc ngày 13/9 cho biết động thái này gây ra mối đe dọa với các nước láng giềng.
“Hành động này nhấn mạnh việc Triều Tiên tiếp tục tập trung phát triển chương trình quân sự, gây ra mối đe dọa cho các nước láng giềng và cộng đồng quốc tế”, Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (USPACOM) của Mỹ cho biết trong một tuyên bố, AFP đưa tin.
Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương khẳng định Mỹ "sẽ tiếp tục theo dõi tình hình và tham vấn chặt chẽ với các đồng minh, đối tác của chúng tôi". USPACOM nhắc lại cam kết của Mỹ đối với các đồng minh gần Triều Tiên là Hàn Quốc và Nhật Bản.
Sáng 13/9, truyền thông nhà nước Triều Tiên cho biết nước này đã thử nghiệm thành công tên lửa hành trình tầm xa. Vụ thử nghiệm diễn ra vào sáng 12/9. Tên lửa đã bay được quãng đường 1.500 km và đánh trúng mục tiêu trên biển.
Triều Tiên tuyên bố thử nghiệm thành công tên lửa hành trình tấn công mặt đất. Ảnh: KCNA. |
Hãng tin KCNA của Triều Tiên gọi tên lửa này là “vũ khí có ý nghĩa chiến lược to lớn”. Sự thành công của thử nghiệm đem lại cho Bình Nhưỡng một phương tiện răn đe hiệu quả.
Truyền thông Triều Tiên cho biết tên lửa hành trình mới có thể mang đầu đạn hạt nhân. Tuy nhiên, người ta vẫn chưa thể xác định Bình Nhưỡng có khả năng thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để lắp trên tên lửa hành trình hay không.
Việc phát triển tên lửa hành trình của Triều Tiên không bị ràng buộc bởi các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc.
Jeffrey Lewis, nhà nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu không phổ biến vũ khí James Martin, cho biết tên lửa hành trình tấn công mặt đất là mối đe dọa không kém tên lửa đạn đạo. Vũ khí này sẽ đem lại sức mạnh đáng kể cho Bình Nhưỡng.