Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lắp đặt cống ngầm, sông Tô Lịch có hy vọng hồi sinh

Với việc lắp đặt cống ngầm dưới lòng sông, Tô Lịch sẽ không còn bị hàng trăm nghìn mét khối nước thải chảy vào mỗi ngày, có hy vọng được hồi sinh.

Hà Nội vừa triển khai gói thầu gói thầu xây dựng hệ thống ống ngầm gom nước thải dọc sông Tô Lịch, thuộc dự án dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá. Dự án có phạm vi xây dựng trên 4.900 ha, với tổng chiều dài khoảng 52,6 km, trải rộng trên nhiều quận, huyện. Chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường Hà Nội.

Ông Nguyễn Văn Hùng, đại diện chủ đầu tư, nhấn mạnh đây là dự án vô cùng quan trọng của Hà Nội, hướng tới giải quyết triệt để ô nhiễm sông Tô Lịch, sông Lừ.

Tổng chiều dài đường ống là 21,7 km, trong đó có 13 km đi ngầm dưới lòng sông Tô Lịch. Theo ông Hùng, khoan kích ngầm giúp việc thi công không làm ảnh hưởng đến bề mặt của hạ tầng kỹ thuật như đường sá, cầu cống. Khi thi công không gây ùn tắc giao thông, hay ảnh hưởng đến đời sống dân cư và đặc biệt là không cần giải phóng mặt bằng.

"Việc đào ngầm các hạng mục cống thoát nước ở độ sâu 6-19 m cũng giúp giảm thiểu rủi ro, mất an toàn trong thi công so với đào mở", ông Hùng cho hay.

nha may xu ly nuoc thai Yen Xa,  hoi sinh song To Lich anh 1

Mô tả quá trình khoan kích ngầm - công nghệ được dùng để lắp đặt ống dưới lòng sông Tô Lịch. Ảnh: D.K.

Ông Kazutoshi Akasaka, đại diện đơn vị tư vấn thiết kế kỹ thuật của dự án, cho hay công nghệ khoan kích ngầm là giải pháp tối ưu, giảm thiểu tác động đến công trình hạ tầng sẵn có.

Trước tiên, máy khoan được đưa xuống lòng đất bằng hệ thống kích thủy lực từ giếng xuất phát. Sau đó, chuỗi ống đúc sẵn được nối liền theo máy khoan và đi cùng máy khoan vào lòng đất. Khi máy khoan chạm đến giếng nhận sẽ tạo nên một tuyến ống dài nối với giếng xuất phát. Mỗi ngày, máy có thể khoan kích đoạn cống dài khoảng 12 m.

Đơn vị thi công của gói thầu này là là Công ty Tekken (Nhật Bản). Công nghệ khoan kích ngầm sẽ do trực tiếp các kỹ sư Nhật Bản triển khai với tổng tiến độ thi công dự kiến trong 48 tháng.

Trao đổi với Zing, GS.TSKH Nguyễn Văn Liên, Chủ tịch Hội Kết cấu và Công nghệ Xây dựng Việt Nam, đánh giá đây là tín hiệu đáng mừng cho người dân thủ đô và giới khoa học. Ông nói viễn cảnh sông Tô Lịch nước chảy trở lại, không còn mùi hôi tanh cuối cùng đã có có sở vững chắc.

"Xây dựng được hệ thống gom nước thải này, con sông sẽ không phải chịu ô nhiễm từ nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý đổ thẳng xuống nữa. Sau khi thu gom xong, mình xây trạm bơm, dẫn nước sông Hồng bổ cập vào. Từ đấy, con sông chỉ có nước sạch thôi", ông Liên nói.

Ông cũng đánh giá phương pháp này của dự án rất khả thi và đã thành công khi làm sạch được kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè ở TP.HCM. Theo ông, phương pháp này căn cơ hơn tất cả các ý tưởng ứng dụng các công nghệ dùng chế phẩm trước đó, giải quyết được vấn đề cố hữu là nước thải đổ thẳng xuống sông.

Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá có công suất 270.000 m3/ngày, đêm. Tổng mức đầu tư được duyệt là gần 16.300 tỷ đồng do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ. Khởi công từ 2016, nhưng đến năm 2019 dự án mới chính thức khởi động.

Dự án gồm 4 gói thầu chính. Gói thầu số 1 (xây dựng nhà máy xử lý nước tại xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì) và số 4 (xây dựng hệ thống cống cho một phần khu vực Hà Đông và khu đô thị mới) đã khởi công trong năm 2019.

Gói thầu số 2 (xây dựng hệ thống cống bao quanh sông Tô Lịch và cống chính) và số 3 (xây dựng hệ thống thu gom nước thải tại sông Lừ) vừa được triển khai vào tháng 5.

Ban quản lý dự án cho hay, các hạng mục chính của dự án cơ bản hoàn thành trong năm 2022.

Chủ tịch Hà Nội yêu cầu hoàn thành dự án cứu sông Tô Lịch vào 2021

Nhấn mạnh Nhà máy nước thải Yên Xá sẽ giúp "hồi sinh" sông Tô Lịch, ông Nguyễn Đức Chung yêu cầu chủ đầu tư đẩy nhanh, hoàn thành trong năm 2021.

Tổ chức Nhật Bản xin lỗi Chủ tịch UBND Hà Nội

Đại diện đơn vị thí điểm làm sạch sông Tô Lịch cho hay họ đã hiểu sai ý của Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung khi chỉ đồng ý cho phép JVE chứ không hề nhắc tới JEBO.

Sơn Hà

Bạn có thể quan tâm