Trưa 30/10, Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà đã thị sát dự án làm sạch một góc hồ Tây bằng công nghệ Nano-Bioreactor của chuyên gia Nhật Bản.
Tại đây, Bộ trưởng đã nghe ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty JVE - đơn vị thực hiện dự án, và ông Tadasi Yamamura, Chủ tịch Tổ chức Xúc tiến Môi trường Thương mại Nhật Bản báo cáo kết quả quá trình thí điểm.
Kết quả phân tích do Viện Công nghệ Môi trường (Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam) và đơn vị đánh giá của Bộ TN&MT cho thấy chất lượng nước khu thả cá Koi trên sông Tô Lịch và hồ Tây có 36/36 chỉ tiêu đạt QCVN; mùi hôi thối sông Tô Lịch giảm 200 lần và hồ Tây giảm 30 lần nhờ công nghệ Nhật Bản.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà đánh giá cao nỗ lực của phía đơn vị thí điểm. Ảnh: Việt Linh. |
Tại khu xử lý thả cá Koi tại sông Tô Lịch, nồng độ vi khuẩn có hại Coliform giảm hơn 61 triệu lần, Ecoli giảm 1.100 lần. Nước khu xử lý thả cá Koi tại Hồ Tây có vi sinh vật có lợi Bacillus tăng 738 lần, tổng vi sinh vật hiếu khí tăng 47 lần. Bùn sông Tô Lịch giảm từ 76,3 cm về 15 cm bùn hồ Tây giảm nhiều nhất về 0 cm.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà đánh giá cao công nghệ và phương pháp xử lý nước mà Công ty JVE và đoàn chuyên gia Nhật Bản đã đem đến ứng dụng tại sông Tô Lịch và hồ Tây.
"Chúng ta hoàn toàn có thể áp dụng được công nghệ này trong xử lý nước thải. Một số yếu tố có ảnh hưởng đến sức khỏe con người như vi khuẩn Ecoli, Coliform họ đã xử lý được", ông Hà nói.
Lãnh đạo Bộ Tài nguyên Môi trường nhận định cần bổ sung thêm phương pháp để làm sạch sông Tô Lịch, hồ Tây. Ảnh: Việt Linh. |
Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị đơn vị thực hiện lưu ý sông, hồ tại Việt Nam vẫn chịu nước thải sinh hoạt và sản xuất, rất khác so với ở Nhật Bản. Nên việc xử lý cần được bổ sung các công nghệ, phương pháp khác mới đảm bảo hiệu quả.
Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường đề nghị đơn vị thi công đưa ra dự toán kinh phí xử lý tính bằng cách khác thay cho phương pháp tính bằng mét khối như hiện tại bởi việc tính bằng mét khối sẽ không đúng với thực tế.
"Các hồ Việt Nam là hồ mở, lượng nước mưa vào rất lớn, nên tính toán đến chi phí xử lý làm thế nào để Việt Nam có thể đầu tư được. Quy chuẩn môi trường Việt Nam đang dựa trên thực trạng môi trường... nếu áp dụng công nghệ xử lý này, chúng ta phải nâng quy chuẩn chất lượng môi trường mức cao nhất, an toàn nhất", ông Hà nói.
Theo Bộ trưởng, phải xem xét đến tính khả thi, phù hợp của công nghệ với Việt Nam và tính toán đến hiệu quả kinh tế nên khu vực nào cần thiết, cấp bách có thể đầu tư thì sẽ đầu tư được.
Dự án thí điểm làm sạch sông Tô Lịch được triển khai từ ngày 16/5. Theo kế hoạch ban đầu, đến giữa tháng 7, Công ty JVE sẽ công bố kết quả. Tuy nhiên, do việc xả nước hồ Tây bất ngờ ngày 9/7, toàn bộ kết quả thí điểm bị cuốn trôi, đơn vị thí điểm đã phải triển khai lại và vừa kết thúc đợt thí điểm thứ 2 ngày 17/10.
Đầu tháng 10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao UBND Hà Nội chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng đánh giá kết quả dự án, đảm bảo khách quan, đề xuất cụ thể, xem xét nhân rộng nếu kết quả tốt, báo cáo Thủ tướng.
Theo đánh giá ban đầu của đơn vị thí điểm cũng như cơ quan chuyên môn của Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội, mùi hôi của nước sông và lớp bùn đã giảm, chất lượng nước được cải thiện tại khu vực đặt máy.
Tuy nhiên, các chuyên gia trong nước vẫn cho rằng cần có các biện pháp dài hơi hơn như tách được hoàn toàn nước thải chảy vào sông Tô Lịch thì công nghệ Nhật Bản mới thực sự phát huy được hết hiệu quả.