Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bất đồng nguyên nhân cá Koi sông Tô Lịch chết liên tục

Theo một số chuyên gia, cá Koi chết có thể do môi trường nước sông Tô Lịch sau xử lý "quá sạch" không phù hợp cho loài cá đắt đỏ này.

Chỉ trong 3 ngày (16-19/9), 3 con cá Koi Nhật Bản đã chết trên sông Tô Lịch. Theo giải thích của Công ty JVE, môi trường nước trong khu vực thả cá vẫn đảm bảo, có khả năng cá chết do bị ngộ độc, phá hoại.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng để xác định được nguyên nhân cần nhiều thời gian và có khả năng cá chết do môi trường nước không phù hợp.

ca Koi chet song To Lich,  ca Koi chet ngo doc anh 1
50 con cá Koi được thả xuống bể sau xử lý trên sông Tô Lịch. Ảnh: Sơn Hà.

Chất lượng nước chưa đạt yêu cầu

Trao đổi với Zing.vn, TS Bùi Quang Tề, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I, cho rằng cá Koi là loài cá khỏe, có sức chịu đựng tốt. Nhưng khi vừa thả cá vào bể cá đã chết có thể là do chất lượng nước chưa đạt yêu cầu.

"Yếu tố quan trọng nhất để cá sống là oxy đủ, độ pH phải trung tính và không có các chất độc hại như NH3, H2S... Nếu cá Koi chết thì chứng tỏ nước chưa đạt yêu cầu. Ngoài ra, nước sông Tô Lịch sau xử lý cũng vẫn còn nhiều chất khác nữa, phải phân tích kỹ mới tìm ra được nguyên nhân chính xác", ông Tề cho hay.

Một chủ doanh nghiệp chuyên thi công bể cá và cung cấp cá Koi cho biết để cá Koi sống khỏe mạnh cần khoảng 10 tiêu chí quan trọng như pH, oxy hòa tan, nhiệt độ, lượng vi sinh vật và phù du...

Theo đó, cá Koi là một loài tương đối khỏe, có thể sống ở hầu hết môi trường tự nhiên, với điều kiện môi trường không bị ô nhiễm. Bể nước xử lý trên sông Tô Lịch là môi trường nhân tạo và đã được xử lý đến mức để tắm được, nên không còn là môi trường thích hợp cho cá Koi nữa.

"Theo tôi được biết, nước trong bể thả cá Koi mà chuyên gia Nhật Bản xử lý là theo tiêu chuẩn QCVN, tức là đạt tiêu chuẩn nước sinh hoạt. Mà nước sinh hoạt để tắm, giặt thì không còn vi sinh vật và phù du nữa. Nên đây có thể là nguyên nhân khiến môi trường nước không đáp ứng đủ điều kiện", người này phân tích phân tích.

ca Koi chet song To Lich,  ca Koi chet ngo doc anh 2
Cá Koi là loài cá rất khỏe mạnh, mang tính biểu tượng của Nhật Bản. Ảnh: Sơn Hà.

JVE vẫn đang xác minh làm rõ

Trả lời Zing.vn sáng 20/9 về vấn đề cá Koi chết liên tục, ông Tuấn Anh đã phản bác ý kiến cho rằng môi trường nước sau xử lý không thích hợp cho cá Koi. 

"Nói nước trong bể sau xử lý tại sông Tô Lịch của chúng tôi sạch quá, không có vi sinh vật là sai. Với công nghệ này, vi sinh vật có hại giảm, vi sinh vật có lợi tăng. Công nghệ Nano - Bioreactor có thể điều khiển được mật độ tảo, phù du ở mức độ thích hợp cho môi trường thủy sinh", đại diện JVE nhấn mạnh.

Về các kết quả kiểm tra chất lượng nước sau khi phát hiện cá chết, ông Tuấn Anh cho hay vì đây là test nhanh nên mới có pH và nồng độ oxy hòa tan, các chỉ số khác đang được các chuyên gia phân tích, có kết quả trong vài ngày tới.

Về việc nghi vấn có kẻ xấu phá hoại, đầu độc cá Koi trong khu vực xử lý, đại diện Công ty JVE cho biết vẫn chưa có kết luận chính thức và chứng minh được việc này. Công ty vẫn đang điều tra nguyên nhân cá chết và sẽ thông tin thời gian tới.

Còn 50 con cá Koi được thả cùng trong ngày 16/9 trên hồ Tây, JVE cho biết tình trạng sức khỏe vẫn bình thường, chưa có con nào bị chết.

Sáng 16/9, Công ty JVE, đơn vị trưc tiếp thí điểm làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano - Bioreactor đã thả 50 con cá Koi (cá chép Nhật Bản), 50 con cá vàng Việt Nam xuống bể nước sau xử lý trên sông Tô Lịch.

Việc trình diễn này nhằm chứng minh chất lượng nước sông Tô Lịch sau xử lý có các chỉ số như độ pH, nồng độ oxy hòa tan ở mức cho phép, các loài sinh vật có thể sống được.

Tuy nhiên, đến sáng 18/9, 2 ngày sau khi được thả xuống sông Tô Lịch, con cá Koi đầu tiên phát hiện đã chết, nổi lên trên mặt nước.

Cá Koi sông Tô Lịch chết có thể do bị phá hoại

Theo Chủ tịch HĐQT Công ty JVE, nồng độ PH, oxy hòa tan trong nước vẫn ở mức bình thường nên có khả năng cá bị ngộ độc do phá hoại.

Sơn Hà

Bạn có thể quan tâm