Triển khai từ tháng 5, công nghệ Nano-Bioreactor được kỳ vọng làm sống lại Tô Lịch bị ô nhiễm nặng nề. Tuy nhiên, đến giờ, tương lai con sông trăm tuổi vẫn hết sức mù mịt.
8h sáng 16/5, Hà Nội chính thức khởi động "dự án thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây bằng công nghệ Nano-Bioreactor". Theo kế hoạch, dự án thí điểm được kéo dài trong 2 tháng, đơn vị thí điểm sẽ báo cáo kết quả cho Thủ tướng và UBND Hà Nội vào tháng 7.
Dự án hứa hẹn giải quyết dứt điểm được mùi hôi thối từ bùn đất trong lòng sông suốt nhiều chục năm nay, bên cạnh đó xử lý triệt để ô nhiễm do nước thải với tốc độ được giới thiệu là "siêu thanh".
Tuy nhiên, đây cũng chính là điểm khiến giới chuyên gia trong nước và đơn vị trực tiếp làm thí điểm - Công ty JVE bất đồng. Các nhà khoa học Việt Nam hầu hết cho rằng đây là cách xử lý không triệt để khi nước thải vẫn chảy vào sông hàng ngày.
Công nhân lắp đặt máy sục khí nano hôm 16/5. Ảnh: Việt Hùng. |
Tranh cãi về phương pháp xử lý
PGS.TS Trần Hồng Côn (nguyên giảng viên Khoa Hóa, đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội) nhận định giải pháp này có thể mang lại hiệu quả tức thời, nhưng sẽ không bền vững.
Ông so sánh việc sử dụng biện pháp xử lý nước sông bằng máy móc này cũng giống như người bệnh cần được bơm oxy liên tục, hoàn toàn mất đi khả năng tự làm sạch, phải lệ thuộc vào các máy Nano-Bioreactor của Nhật thì sẽ rất tốn kém.
"Thiết bị cứ liên tục hoạt động ngày đêm như vậy thì rất tốn kém, không căn cơ. Áp dụng công nghệ này, sông Tô Lịch giống như người bệnh cứ phải bơm oxy liên tục, ngừng bơm là chết, lại ô nhiễm", TS Hồng Côn bày tỏ băn khoăn.
Các chuyên gia đều có chung nhận định, nếu muốn Tô Lịch sạch một cách tự nhiên và bền vững trước hết phải tách được nước thải, sau đó khơi thông dòng chảy. Mọi biện pháp làm sạch mà vẫn để hàng chục triệu m3 nước thải chảy vào sông mỗi năm thì chả có tác dụng gì.
Đại diện Công ty JVE đã lập tức phản bác lại ý kiến này. Ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty JVE, cho rằng các nhà khoa học Việt Nam chưa hiểu rõ về bản chất của công nghệ Nhật nên đánh giá không đúng.
Theo giải thích của đại diện JVE, công nghệ này sử dụng ít điện năng, chi phí lắp đặt thấp và không đòi hỏi các điều kiện xây dựng cơ sở vật chất ban đầu nên tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng xây nhà máy xử lý nước thải. Ngoài ra, các máy sục khí nano có thể hoạt động 20 năm mà không cần thay mới, tiết kiệm được chi phí vận hành.
Lý giải thêm về việc áp dụng công nghệ này, ông Nguyễn Tuấn Anh cho rằng các con sông trong lòng đô thị ở Hà Nội đang bị ô nhiễm nặng mà không thể xử lý được do kinh phí làm cống bao và xây dựng nhà máy xử lý nước thải quá lớn.
Đoạn sông Tô Lịch được thí điểm bằng công nghệ Nhật Bản. Ảnh: Sơn Hà. |
Nước thải cứ chảy vào, tích tụ thành hàng triệu tấn bùn hôi thối. Mỗi năm, Hà Nội đều phải chi hàng chục tỷ cho các đơn vị môi trường nạo vét, xử lý số bùn này.
Ngày 5/4, tại buổi Họp báo Chính phủ thường kỳ, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Lê Công Thành cho biết đề xuất hỗ trợ giải quyết ô nhiễm ở sông Tô Lịch của phía Nhật Bản chỉ là tạm thời và vẫn cần kiểm chứng tính hiệu quả.
Đại diện Bộ TNMT tái khẳng định sông Tô Lịch bắt buộc phải được giải quyết từ nguồn gây ô nhiễm, các nguồn xả thải từ nước sinh hoạt và sản xuất của hàng chục nghìn hộ dân tại Hà Nội.
"Phải xử lý tại nguồn xả thải, các biện pháp khác cũng chỉ nhất thời. Vấn đề này cần những giải pháp căn cốt hơn", Thứ trưởng Bộ TNMT nêu ý kiến.
Kết quả thí điểm bị cuốn trôi 1 tuần trước khi công bố
Ngày 9-10/7, khoảng 1 tuần trước khi Công ty JVE hoàn thành quá trình thí điểm làm sạch Tô Lịch, Công ty Thoát nước Hà Nội cho mở 2 cửa xả nước từ Hồ Tây, dẫn hơn 1 triệu m3 nước vào sông Tô Lịch. Việc này đã khiến toàn bộ kết quả thí điểm trong 2 tháng bị cuốn trôi.
Việc này khiến chuyên gia Nhật Bản phụ trách thí điểm rơi vào thế "bị động, bất ngờ". Trong văn bản gửi tới báo chí thông báo về việc gia hạn thí điểm, Công ty JVE cho biết hệ vi sinh vật có lợi sau quá trình xả nước bị khuếch tán ra cả đoạn sông khiến việc đánh giá kết quả thí điểm không khả thi.
Vì vậy công ty này xin đánh giá lại quá trình thí điểm và lùi thời hạn công bố kết quả sau 2 tháng nữa, đến ngày 17/9.
Hàng triệu m3 nước hồ Tây cuốn trôi kết quả 2 tháng làm sạch Tô Lịch hôm 9/7. Ảnh: Việt Linh. |
Trước các nghi vấn cho rằng Công ty Thoát nước Hà Nội cạnh tranh không lành mạnh, cố tình can thiệp vào quá trình thí điểm trên sông Tô Lịch, Tổng giám đốc Công ty Võ Tiến Hùng đã phản đối.
"Chúng tôi xin khẳng định việc xả nước là hoàn toàn phụ thuộc vào tình hình khách quan, người ta cứ bảo chúng tôi phá việc làm thí điểm, nhưng chúng tôi không phá. Hơn nữa, chính bên phía JVE cũng khẳng định trong quá trình thí điểm nếu không có sự phối hợp, hỗ trợ của Công ty Thoát nước Hà Nội thì họ cũng không thể thực hiện được", ông Hùng nhấn mạnh.
Ông cho rằng những dư luận gần đây về việc Công ty Thoát nước Hà Nội cố tình xả nước để "cạnh tranh không lành mạnh" trong tìm kiếm giải pháp làm sạch sông Tô Lịch là "dư luận xấu" và không có cơ sở.
Về phía Công ty JVE, đơn vị cũng nhận định do quãng thời gian chuẩn bị trước thí điểm chỉ có một tuần nên phía chuyên gia Nhật Bản chưa nắm bắt, cập nhật đầy đủ thông tin về điều kiện tự nhiên sông Tô Lịch, dẫn đến quá trình thử nghiệm bị ảnh hưởng.
Chuyên gia Nhật và cá Koi "thử sức" với sông Tô Lịch
Sau gần 4 tháng triển khai thí điểm trên sông Tô Lịch, Công ty JVE đã nhiều lần tổ chức biểu diễn khả năng xử lý của công nghệ Nhật cũng như chứng minh độ sạch của nước thông qua những cách thức rất lạ thường.
Ngày 8/8, đơn vị thí điểm tổ chức buổi trình diễn quá trình xử lý nước sông Tô Lịch. Để
Cá Koi được thả xuống sông Tô Lịch và Hồ Tây. Ảnh: Sơn Hà. |
"Chúng tôi làm vậy để mọi người hiểu được quy trình làm sạch của công nghệ này thế nào. Nước ở bể đầu tiên gồm nhiều bùn và nước thải là nước sông Tô Lịch hiện tại. Nước ở bể cuối cùng đại diện cho nước sông trong tương lai nếu công nghệ được áp dụng", ông Tuấn Anh cho biết.
Tuy nhiên, các chuyên gia Việt cho rằng cách chứng minh này không khoa học và cũng không nói lên điều gì. Bởi nước sông Tô Lịch sau xử lý tắm được cũng khó nói là nước sạch và đã an toàn bởi cần xét nghiệm, phân tích hàng trăm thành phần mới có thể kết luận.
Đến ngày 16/9, Công ty JVE tiếp tục tổ chức buổi trình diễn thả cá chép Nhật Bản (cá Koi) xuống sông để chứng minh chất lượng nước sau xử lý có các chỉ số như oxy hòa tan, mức độ ô nhiễm, các vi sinh vật có lợi đều nằm trong mức tốt, đảm bảo sinh vật như cá phát triển.
Công ty JVE cho biết đơn vị sẽ thả 50 con cá chép Nhật Bản và 50 con cá vàng Việt Nam xuống bể số 4 (bể sau xử lý) trong hệ thống xử lý nước sông 4 bước của công ty trên sông Tô Lịch.
Tuy nhiên, chỉ 3 ngày sau khi thả cá, Công ty JVE đã phát đi thông báo cho biết công ty đã ghi nhận một vài trường hợp cá Koi thả xuống bị chết. Đại diện JVE loại trừ khả năng cá chết do chất lượng nước không đảm bảo và nghi ngờ có đối tượng xấu phá hoại đàn cá.
Về việc này, Zing.vn có liên hệ công ty để tìm hiểu nguyên nhân cá chết và bằng chứng cho thấy cá bị đầu độc nhưng JVE vẫn chưa đưa ra câu trả lời.
Sắp có câu trả lời?
Sau gần 5 tháng, người dân Hà Nội sắp biết được câu trả lời về tính hiệu quả thực sự của công nghệ Nhật Bản làm sạch trên sông Tô Lịch.
Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về Kế hoạch đánh giá thí điểm làm sạch sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây bằng công nghệ Nano-Bioreactor Nhật Bản.
Theo đó, người đứng đầu Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao và cảm ơn Tổ chức xúc tiến Thương mại - Môi trường Nhật Bản đã triển khai tài trợ dự án thí điểm làm sạch này.
Thủ tướng giao UBND Hà Nội chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng đánh giá kết quả dự án, đảm bảo khách quan, đề xuất cụ thể, xem xét nhân rộng nếu kết quả tốt, báo cáo Thủ tướng.
Trả lời Zing.vn sáng 12/10, ông Tuấn Anh cho biết đơn vị đang chờ lịch họp với lãnh đạo thành phố, Bộ Tài nguyên Môi trường để xem xét kết quả và có quyết định chính thức.
Dự kiến, kết quả chính thức của quá trình thí điểm và đáp án cho câu hỏi công nghệ Nano-Bioreactor có được nhân rộng không sẽ được công bố trong những ngày tới.