Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đơn vị thí điểm công nghệ Nhật muốn xử lý ô nhiễm toàn bộ sông Tô Lịch

Tổ chức Xúc tiến thương mại - Môi trường Nhật Bản cho biết sẵn sàng đầu tư 100% chi phí xây dựng hệ thống xử lý ban đầu cho toàn bộ sông Tô Lịch, hồ Tây.

Chiều 3/12, Tổ chức Xúc tiến thương mại - Môi trường Nhật Bản (đơn vị trực tiếp thực hiện thí điểm sông Tô Lịch) thông báo đơn vị đã tìm ra giải pháp xử lý cho cả dòng sông Tô Lịch. Đây là giải pháp xử lý nước thải tại chỗ, từ các cống xả bằng Công nghệ Nano-Bioreactor Nhật Bản theo 2 nhóm.

Nhóm 1: Hệ thống Nano-Bioreactor xử lý nước thải tại chỗ trong ngày (24 giờ), rồi mới xả vào sông nước đạt quy chuẩn Việt Nam (QCVN), là nguồn cấp nước bổ cập tại chỗ cho sông Tô Lịch. 

Nhóm 2: Hệ thống Nano-Bioreactor xử lý mùi, chất ô nhiễm và phân hủy bùn hữu cơ ở trong lòng sông, tạo dòng chảy cho sông Tô Lịch.

xu ly o nhiem song To Lich anh 1

Sau hơn 6 tháng thí điểm, công nghệ Nhật vẫn chưa được ứng dụng trên toàn bộ sông Tô Lịch. Ảnh: Việt Linh.

Theo đại diện của đơn vị thí điểm, giải pháp này đảm bảo nước thải từ các cống sẽ được xử lý tại chỗ tại bể ngầm dưới đất bằng hệ thống Nano-Bioreactor, nhóm thứ 2 xử lý nước đạt QCVN rồi mới chảy vào sông Tô Lịch.

Đơn vị cũng sẵn sàng đầu tư 100% chi phí xây dựng hệ thống xử lý ban đầu cho toàn bộ sông Tô Lịch, hồ Tây. Nếu thành công, đơn vị sẽ cho Hà Nội thuê, rồi chuyển giao cho TP quản lý, vận hành.

Trước đó, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục cho biết thành phố đang nghiên cứu 3 phương án giải quyết ô nhiễm ở sông Tô Lịch. Về phương pháp của chuyên gia Nhật Bản, ông Dục cho rằng vẫn chưa thực sự hiệu quả và Hà Nội đang tìm phương án khác.

Ngày 12/11, lãnh đạo UBND Hà Nội đã có buổi làm việc với Tổ chức Xúc tiến Thương mại Môi trường Nhật Bản và Công ty cổ phần Cải thiện Môi trường Nhật Việt (JVE) về kết quả thí điểm xử lý làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và một góc hồ Tây bằng công nghệ Nano-Bioreactor Nhật Bản.

Để đánh giá toàn diện quá trình thí điểm, UBND Hà Nội đề nghị JVE gửi Sở Xây dựng hồ sơ, tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến công nghệ Nano-Bioreactor; giấy chứng nhận công nghệ xử lý của Chính phủ Nhật Bản hoặc cơ quan có thẩm quyền xác nhận...

Ngoài ra, UBND Hà Nội giao Sở Xây dựng giới thiệu 1 hồ nước đọng trên địa bàn thành phố để JVE xử lý mùi và làm sạch nước, bùn hồ bằng công nghệ Nano-Bioreactor.

Dự án thí điểm làm sạch sông Tô Lịch được triển khai từ ngày 16/5. Theo kế hoạch ban đầu, đến giữa tháng 7, Công ty JVE công bố kết quả. Tuy nhiên, do sự cố xả nước hồ Tây bất ngờ ngày 9/7, toàn bộ kết quả thí điểm bị cuốn trôi. JVE phải triển khai lại và vừa kết thúc đợt thí điểm thứ 2 ngày 17/10. Toàn bộ hệ thống máy móc phục vụ thí điểm của đơn vị này cũng đã được tháo dỡ khỏi sông Tô Lịch.

Hà Nội tìm thêm giải pháp xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch

Giám đốc Sở Xây dựng cho hay Hà Nội đang tìm phương án khác để xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch sau khi kết thúc việc thí điểm bằng công nghệ Nhật Bản.


Sơn Hà

Bạn có thể quan tâm