Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Lao động về quê và bài toán khó với doanh nghiệp TP.HCM, Bình Dương

Các doanh nghiệp tại TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai đang đối mặt với bài toán thiếu nguồn nhân lực khi số lao động về quê ngày càng tăng cao.

lao dong o at ve que anh 1

Nghe tin TP.HCM nới lỏng giãn cách xã hội, chị Thủy cùng chồng vội vã sắp xếp đồ đạc quyết về được Long An. "Chờ đến ngày 16/9 rồi lại hy vọng đến 1/10, mỗi ngày nán lại Sài Gòn là thêm một ngày khó khăn", chị thở dài khi nhớ lại quãng thời gian sống chật vật hơn 3 tháng qua.

Làm công nhân của một công ty may ở quận Bình Tân đã hơn 4 năm nay, chị Thủy dự định làm thêm 2 năm nữa góp đủ vốn sẽ về Long An. Nhưng dịch bệnh bất ngờ khiến mọi kế hoạch của chị đảo lộn.

"Công ty tạm ngưng hoạt động, hai vợ chồng thất nghiệp. Tiền dành dụm ít ỏi chỉ đủ chi tiêu hơn một tháng, từ đó đến nay tôi phải vay mượn trả tiền thuê trọ, ăn uống sinh hoạt...Dù công ty đã có kế hoạch đi làm lại nhưng dịch bệnh vẫn còn phức tạp nên tôi quyết định về quê một thời gian", người phụ nữ 35 tuổi chia sẻ.

Thực tế, có lẽ chị Thủy và hàng nghìn lao động khác không thể hình dung được đến một ngày mình phải trở về quê hương trong tình cảnh vội vã, cơ cực như những ngày qua.

Không có tay nghề cao, không có thu nhập, kéo theo sức ép về chi phí sinh hoạt, và tâm lý lo sợ dịch bệnh đã khiến họ quyết định tạm gác lại giấc mơ lập nghiệp nơi phố thị để về quê. Dù biết trước quãng đường về nhà dài ra sao, nhưng họ không còn cách nào khác.

lao dong o at ve que anh 2

Ông Chiến, 73 tuổi đạp xe hơn 60 km về Tiền Giang để hội đồng hương đưa về Bến Tre. Ảnh: T.T.

Những cuộc hồi hương bất đắc dĩ

Những ngày này, trong các hội đồng hương trên mạng xã hội, người người sốt ruột tìm hỏi cách qua các chốt chặn, hẹn nhau để về quê. Theo khảo sát, những người lựa chọn về quê đa số là lao động tự do, làm trong ngành nghề dịch vụ như bán vé số, chạy xe ôm, giúp việc, bán hàng rong, công nhân, ve chai...

Điểm chung của họ là đều cạn kiệt tài chính và lo sợ dịch bệnh bùng phát trở lại. Thành phố với họ trước đây là một miền đất hứa, là nơi để họ an cư lập nghiệp, nhưng cuộc sống nơi đất khách vốn chẳng dễ dàng nay lại thêm nỗi lo dịch bệnh Covid-19 khiến họ phải tạm gác lại giấc mơ.

Ngày 4-5/10, dọc quốc lộ 1A thuộc huyện Bình Chánh, cửa ngõ về các tỉnh miền Tây là dòng người vội vã, lỉnh kỉnh đồ đạc chạy xe về quê. Một số cho biết vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ, số khác cho rằng nhận được 1,5 triệu đồng không đủ để trang trải các chi phí trong hơn 3 tháng qua.

Quyết định đạp xe từ TP.HCM đến Tiền Giang để hội đồng hương đón về Bến Tre, hành trang của ông Chiến (Long Thới, Nhà Bè) chỉ vỏn vẹn 70.000 đồng, vài chai nước, mì gói, mấy bộ quần áo cũ và 2 con chó. "Vợ mất, tôi rời quê hương lên TP làm bảo vệ của một quán bar được 9 tháng. Nay dịch bệnh quán đóng cửa, tôi hết tiền, không có việc làm nên quyết định về quê", ông nói.

6h30 phút sáng đạp xe từ Nhà Bè, đến 10h ông Chiến mới đến huyện Bình Chánh. Dù tay run run, mặt đỏ bừng vì mệt, người đàn ông 73 tuổi này vẫn quả quyết dù vất vả thế nào vẫn phải về Bến Tre. "Đi đến khi nào không đạp được nữa thì thôi", ông nói và xoa đầu con chó nhỏ phía sau: "Ráng lên con, sắp về đến nhà rồi".

Là công nhân xây dựng tự do, anh Toàn (Tân An, Long An) chật vật hơn 3 tháng nay vì không có việc làm. "Mất việc, hết sạch tiền. Tôi hết khả năng ở lại rồi, phải về bằng được thôi", anh quả quyết.

"Tôi vay được 500.000 đồng từ một người bạn để làm chi phí đi đường. Chỉ mong lần này có thể về được đến nhà, nếu ở đây một tháng nữa chắc ở ngoài đường chứ không có tiền trọ nữa", anh thở dài.

Anh cho biết trước mắt về nhà để đảm bảo sức khỏe trước, có gì làm đó, ít ăn ít, nhiều ăn nhiều, khi nào nào dịch đỡ thì mới tính quay lại thành phố tìm việc.

Chị Tý (An Giang) là một trong rất nhiều người lao động tại TP.HCM quyết định đạp xe và đi bộ về quê chiều 4/10. Trước đây người phụ nữ này bán vé số dạo ở An Giang, được mẹ gọi lên TP.HCM làm công ty nhưng vừa mới đi làm được hơn 1 tháng thì dịch bệnh khiến chị lâm vào cảnh thất nghiệp. "Đi về chứ ở đây không có tiền, tôi cũng không lên TP nữa", chị nói.

Trong khi đó, nhiều người lao động có trình độ cao, được đào tạo bài bản đều mong muốn ở lại TP.HCM làm việc. Chị Trang (TP Huế), nhân viên của một công ty sản xuất ngành hàng tiêu dùng tại TP.HCM quyết định ở lại thành phố mặc dù gia đình đều khuyên chị về quê.

"Công việc, thu nhập ở đây vẫn ổn định, bản thân cũng đã tiêm đủ 2 mũi vaccine nên không lo lắng nhiều. Bây giờ về quê cũng chưa chắc đã xin được việc làm", chị nói.

Doanh nghiệp đối mặt với khó khăn về nguồn lao động

Việc hàng nghìn người lao động kéo về quê đang đặt ra bài toán khó đối với doanh nghiệp tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai... trong bối cảnh các công ty đang dần phục hồi, tái sản xuất khi bước giai đoạn bình thường mới.

Theo thống kê, hiện tổng lao động tại khu chế xuất, khu công nghiệp có 135.000/288.000 người, chiếm tỷ lệ 46%. Đối với khu công nghệ cao, trước 1/10 có 50.000 lao động, 25.000 người thực hiện "3 tại chỗ" hoặc "2 điểm đến 1 cung đường".

Nay số lượng đó đã giảm lại và khu công nghệ cao đã làm việc với các doanh nghiệp để rà soát, tuyển dụng. Đặc biệt, trong 50.000 lao động có 40.000 người ở TP.HCM, khoảng 10.000 còn lại đa phần ở tỉnh Bình Dương, Đồng Nai.

Ông Lê Minh Tấn - Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM - cho biết thành phố có trên 470.000 doanh nghiệp đang đăng ký hoạt động, trong đó trên 15.000 doanh nghiệp FDI với trên 3,2 triệu công nhân. Nhưng dịch bệnh trong 5 tháng vừa qua đã tác động rất mạnh đến doanh nghiệp, việc làm, hoạt động kinh tế, dịch vụ, các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ…

Ở TP.HCM, doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 98% nên lượng lao động bị ảnh hưởng rất lớn, nhất là ngành may mặc, giày da, dịch vụ thương mại, giao thông. Hầu hết doanh nghiệp chịu không nổi, phá sản.

Các địa phương cũng phát triển khu công nghiệp, nhà máy... do đó sẽ có rất nhiều người lao động muốn ở lại quê hương thay vì quay lại TP.HCM như trước.

Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM.

“5 tháng qua tỉ lệ lao động nghỉ làm hưởng bảo hiểm thất nghiệp khoảng trên 100.000 người và 500.000 lao động nghỉ làm; 1,7 triệu lao động phải tạm nghỉ việc, giãn việc không hưởng lương", ông Tấn nói.

Ông Chu Tiến Dũng - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) - cho rằng hiện nay người lao động ngoại tỉnh ở TP.HCM đã về quê đang có chung tâm lý lo sợ khi quay lại TP.HCM. "Ngày trước, việc đến TP như đến một miền đất hứa, nhưng hiện nay đối với người lao động là nỗi ám ảnh lớn về dịch bệnh", ông nhìn nhận.

Theo ông Dũng, hiện nay các địa phương cũng phát triển khu công nghiệp, nhà máy... do đó sẽ có rất nhiều người lao động muốn ở lại quê hương thay vì quay lại TP.HCM như trước. "Chính vì vậy, việc tìm nguồn lao động của TP.HCM thời gian tới sẽ rất khó khăn. Điều đó cũng kéo theo tốc độ phục hồi của doanh nghiệp sẽ không thể nhanh được", ông đánh giá.

Tuy nhiên, chủ tịch HUBA cho rằng trong thời điểm này cũng là cơ hội đối với doanh nghiệp. Đó là phải tái cấu trúc lại, chuyển đổi công nghệ, lao động... "Nhiều công ty cũng cho biết sẽ chuyển nhà máy về các tỉnh thay vì đặt ở TP.HCM như trước vừa để phân bố lại lao động, vừa tiết kiệm chi phí...", ông Dũng cho hay.

lao dong o at ve que anh 7

Nhiều người gần như kiệt sức, nằm ngủ bên quốc lộ sau nhiều ngày chạy xe máy liên tục từ Bình Dương về các tỉnh miền núi phía bắc. Ảnh: Việt Linh.

Giải bài toán thiếu lao động ra sao?

Về giải pháp đảm bảo việc làm cho người lao động, ông Đặng Văn Lâm - Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM - cho biết theo khảo sát của Trung tâm dự báo nhu cầu nguồn nhân lực, trong quý III, TP.HCM có hơn 42.700 người có nhu cầu tìm việc làm. Nhu cầu lao động của doanh nghiệp là 43.600-56.800 người.

Đối với doanh nghiệp trên địa bàn TP, lao động đi về quê sẽ nhận tin nhắn lên TP.HCM tiếp tục làm việc. Điều kiện để được quay lại theo bộ tiêu chí an toàn của doanh nghiệp như tiêm vaccine, xét nghiệm...

Về lực lượng lao động ở TP có nhu cầu tìm việc, hiện thành phố có 127 cơ quan giới thiệu việc làm, có giấy phép, nòng cốt là trung tâm việc làm của thành phố và thanh niên.

Các cơ quan này đang tiến hành khảo sát để tư vấn, giới thiệu danh sách cụ thể, có địa chỉ người lao động và doanh nghiệp. Trung tâm giới thiệu việc làm sẽ là đầu mối kết nối 2 bên, nếu phù hợp nhu cầu sẽ giới thiệu để doanh nghiệp phỏng vấn.

Với chức năng quản lý giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn, các trường cao đẳng, trung cấp sẽ giới thiệu học sinh trung cấp nghề, sinh viên cao đẳng nghề sắp ra trường với doanh nghiệp có nhu cầu nguồn lao động. "Ba nguồn cung ứng này sẽ giúp cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất sau dịch bệnh", ông đánh giá.

lao dong o at ve que anh 8

Việc người dân ồ ạt về quê sẽ đặt ra bài toán về nguồn lao động đối với TP.HCM. Ảnh: Quỳnh Danh.

Trao đổi với Zing, bà Hồ Thị Kim Ngân - Phó trưởng ban Quan hệ lao động - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - cho rằng thời điểm này trong số người dân ồ ạt về quê chủ yếu là lao động tự do không có việc làm hoặc mức lương không đủ sống nên không thể tiếp tục bám trụ lại thành phố.

"Họ mất việc làm trong khi nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh cũng chưa rõ về kế hoạch sản xuất. Nếu nhận được phương án cụ thể, thông tin tuyển dụng tại các khu công nghiệp, sẽ giúp người lao động cân nhắc quyết định đi hay ở", bà nói.

Do đó, bà Ngân cho rằng muốn giữ chân người lao động, cơ quan quản lý cần có phương án, lộ trình cho doanh nghiệp sớm khôi phục sản xuất trở lại. Nếu doanh nghiệp đủ điều kiện thì công khai thông tin tuyển dụng cho người lao động nắm rõ.

Dệt may lo đứt gãy chuỗi cung ứng 3 tháng cuối năm

Giải pháp phục hồi sau giãn cách xã hội của ngành dệt may là sản xuất theo hướng an toàn, đàm phán được đơn hàng với đối tác và cần giữ chân người lao động.

Thanh Thương

Bạn có thể quan tâm