Ủy hội sông Mekong (MRC), cho biết nhà máy thủy điện Sanakham có kinh phí khoảng hơn 2 tỷ USD, được xây dựng bởi công ty thủy điện Datang Sanakham, một công ty con của Công ty sản xuất điện quốc tế Datang của Trung Quốc. Công trình dự kiến khởi công vào cuối năm nay, Reuters cho biết.
Phát triển thủy điện là trọng tâm trong kế hoạch của chính phủ Lào để xuất khẩu khoảng 20.000 MW điện cho các nước láng giềng vào năm 2030. Dự án mới là đập thủy điện thứ 6, trong kế hoạch xây dựng 9 đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong của chính phủ Lào.
Đập Sanakham được xây dựng cách thủ đô Vientiane khoảng 15 km về phía bắc. Nhà máy này có công suất khoảng 684 MW, dự kiến vận hành từ năm 2028.
Đập thủy điện Xayaburi trên sông Mekong. Ảnh: AFP. |
Dự án Sanakham sẽ trải qua quá trình tham vấn với MRC, thường kéo dài khoảng 6 tháng, nơi các thành viên khác gồm Thái Lan, Campuchia và Việt Nam có thể xem xét dự án và đánh giá tác động xuyên biên giới.
Chính phủ Lào đã hoàn thành 2 đập thủy điện, gồm đập Xayaburi, công suất 1.285 MW và đập Don Sahong, công suất 260 MW vào năm ngoái, bất chấp sự phản đối của các tổ chức môi trường.
Những người phản đối cho biết các con đập đe dọa dòng chảy của con sông, trầm tích, nghề cá và lũ lụt theo mùa hỗ trợ cho nền nông nghiệp đang là sinh kế của hơn 60 triệu người dọc theo con sông.
Trung Quốc đã tài trợ rất nhiều cho các dự án thủy điện của Lào trên sông Mekong. Bắc Kinh cũng đã xây dựng 11 đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong, đoạn chảy qua lãnh thổ Trung Quốc.
Một nhóm nghiên cứu do chính phủ Mỹ tài trợ đã kết luận hệ thống đập ở thượng nguồn sông Mekong đã giữ một lượng nước lớn, góp phần gây ra hạn hán kỷ lục ở hạ lưu vào năm 2019.
Dù mọi dự án xây dựng thủy điện trên sông Mekong đều phải tham vấn với MRC và ủy ban có thể điều chỉnh một số đề xuất, nhưng không có quyền phủ quyết việc xây dựng. Việc Lào tiếp tục đề xuất xây dựng thủy điện trên sông Mekong có thể làm phức tạp thêm tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn ở khu vực hạ lưu.