Bắc Kinh từ lâu đã muốn cho nổ đoạn đất đá dài 97 km và nạo vét lòng sông ở miền bắc Thái Lan để mở ra lối đi cho những tàu hàng cỡ lớn, theo AFP.
Mục tiêu là tạo ra liên kết thương mại đường sông kéo dài hàng nghìn km từ tỉnh Vân Nam của Trung Quốc về phía nam qua các nước trên dòng Mekong - Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam.
Nhưng các nhà môi trường cảnh báo rằng sông Mekong - nơi có đa dạng sinh học lớn nhất trên thế giới sau Amazon - sẽ bị hủy hoại bởi việc nạo vét, và chủ quyền, an ninh của Thái Lan cũng có thể bị xâm phạm.
Nội các Thái Lan tuyên bố ngày 4/2 họ đã quyết định "dừng dự án" sau khi Bắc Kinh không dành ra được tiền để khảo sát thêm về khu vực được nạo vét.
Bắc Kinh từ lâu đã muốn cho nổ đoạn đất đá dài 97 km và nạo vét lòng sông ở miền bắc Thái Lan để mở ra lối đi cho những tàu hàng cỡ lớn. Ảnh: AFP. |
"Đây là quyết định táo bạo của một quốc gia ở hạ nguồn", Pianporn Deetes, từ tổ chức International Rivers, nói với AFP. “Đoạn này của sông Mekong tuy nhỏ nhưng cũng sẽ cứu phần dưới của lưu vực khỏi bị phá hủy, dù có áp lực lớn từ một quốc gia trong khu vực”.
International Rivers đã ủng hộ một chiến dịch cơ sở gần 20 năm để bảo tồn vùng nước chính.
Sông Mekong đổ ra Biển Đông, một trong những tuyến vận chuyển nhộn nhịp nhất thế giới và là trung tâm của chiến lược Vành đai - Con đường của Bắc Kinh về đầu tư cơ sở hạ tầng và thương mại.
Bắc Kinh hiếm khi từ bỏ các dự án dài hạn của mình ở khu vực sông Mekong, thay vào đó thường sửa đổi kế hoạch tài chính hoặc quy hoạch, để đạt được mục đích là xây dựng các công trình gây tranh cãi như đập, cảng và mỏ, tại các khu vực “mà nước này coi là trong tầm ảnh hưởng của mình”, theo AFP.
Trung Quốc khẳng định chỉ theo đuổi phát triển bền vững đối với sông Mekong, thông qua đập thủy điện và thương mại.
Nhưng dòng sông đã bị thay đổi. Nhiều ghi nhận cho thấy nguồn cá đã giảm ở Thái Lan và Campuchia và phần đất phì nhiêu ở đồng bằng Việt Nam có hiện tượng sụt lún, vì dòng chảy trầm tích bị xáo trộn bởi các con đập ở thượng nguồn.
Các chuyên gia cũng cho biết các đập khổng lồ ở Trung Quốc và Lào, nơi có hàng chục dự án thủy điện, cũng làm phức tạp tình hình hạn hán ở Thái Lan.