Đây là một phần trong thỏa thuận thương mại "giai đoạn một" được chính phủ Mỹ và Trung Quốc ký kết hồi tháng 1 nhằm chấm dứt chiến tranh thương mại song phương. Mặt hàng nông sản quan trọng nhất Mỹ muốn tăng cường xuất khẩu sang Trung Quốc là đậu tương.
Tuy nhiên, theo South China Morning Post, hiện Brazil mới là nhà cung cấp đậu tương chính của Trung Quốc. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, Trung Quốc mua tới 11,6 triệu tấn đậu tương Brazil chỉ trong tháng 3 năm nay, trong khi lượng đặt hàng đậu tương Mỹ trong cả năm 2020 chỉ là 12,6 triệu tấn.
Cùng kỳ năm ngoái, khi căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang trong giai đoạn đỏ lửa, lượng đậu tương nhập khẩu từ Mỹ của Trung Quốc đạt 12,9 triệu tấn. Tháng 4/2018, trước khi thương chiến nổ ra, con số này còn lên tới gần 30 triệu tấn.
Từ lâu, Brazil vốn là đối thủ cạnh tranh chính của Mỹ trên thị trường đậu tương quốc tế. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho biết dịch Covid-19 bùng phát khiến giá đậu tương Brazil hiện ở mức thấp hơn so với Mỹ, nên được Trung Quốc chọn mua.
Lượng đặt hàng đậu tương Mỹ của Trung Quốc trong cả năm 2020 chỉ là 12,6 triệu tấn. Ảnh: Financial Times. |
Chia sẻ với South China Morning Post, Dave Walton, một nông dân Mỹ vừa bước vào vụ mùa đậu tương mới bày tỏ sự lo ngại về cam kết mua hàng của Trung Quốc.
"Nhóm thương nhân Trung Quốc từng cam kết sẽ thực hiện tốt thỏa thuận, nhưng hiện tại số đơn đặt hàng quá ít. Chính phủ Mỹ nên đưa ra biện pháp chặt chẽ nhằm đảm bảo cam kết của họ”, ông Walton nói.
Ở một diễn biến khác, các chính trị gia như Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn tỏ ra khá lạc quan. Song giới phân tích cho rằng khả năng thực hiện đúng cam kết của Trung Quốc là không mấy khả quan.
Trong một cuộc họp hôm 14/4, ông Trump bày tỏ hy vọng Trung Quốc sẽ giữ vững cam kết. "Tôi nghĩ Chủ tịch Tập Cận Bình là một người đáng nể, ông ấy sẽ giữ đúng lời hứa. Nếu không thì chúng tôi vẫn có nhiều biện pháp khác”, tổng thống Mỹ khẳng định.
Trong khi đó, nhà kinh tế Cailin Birch thuộc The Economist Intelligence Unit (EIU) tại London (Anh) cho rằng rằng việc thực hiện cam kết của 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới còn khá lỏng lẻo. "Chúng tôi cho rằng Trung Quốc sẽ không thể thực hiện đúng cam kết mua nông sản của Mỹ như trong thỏa thuận thương mại giai đoạn một", ông nói.
Cơ quan này còn dự báo kinh tế Trung Quốc trong năm nay chỉ tăng 1%. “Có thể Mỹ sẽ gây áp lực khiến Trung Quốc phải mua nông sản của họ. Tuy nhiên, các mục tiêu có thể bị xóa bỏ mà không có sự trả đũa nào từ Mỹ”, chuyên gia nói thêm.
Bên cạnh suy thoái kinh tế do đại dịch, tỷ lệ tái phát triển đàn heo tại Trung Quốc sau dịch tả lợn châu Phi cũng ảnh hưởng tới nhu cầu tiêu thụ đậu tương.
"Mặc dù các dự báo hiện tại chỉ mang tính tương đối, tôi vẫn tin nếu chính phủ Trung Quốc có biện pháp kiểm soát tốt hơn, nhu cầu đậu tương sẽ được thúc đẩy”, South China Morning Post dẫn lời chuyên gia Sanjeeban Sarkar, một nhà phân tích khác tại EIU, nhận định.