Theo Guardian, việc gã khổng lồ công nghệ Mỹ Google tuyên bố mở Quỹ Giải cứu Khẩn cấp Báo chí trong dịch Covid-19 giống như ném vài mảnh gỗ xuống nước để giải cứu hàng nghìn người đang sắp chết đuối trong một cơn sóng thần, đặc biệt khi chính Google khiến ngành công nghiệp báo chí thế giới lao đao trong nhiều năm qua.
Ngành công nghiệp báo chí toàn cầu đang thực sự lún sâu vào khủng hoảng khi dịch Covid-19 bùng nổ tại Trung Quốc rồi lan rộng khắp thế giới. Trong tuần qua, một số tờ báo Anh như Telegraph, Financial Times và Guardian đều phải sa thải nhân viên để cắt giảm chi phí vì doanh thu giảm mạnh.
Tổ chức Enders Analysis dự báo doanh thu quảng cáo của các tờ báo Anh giảm 50% trong năm nay. Tổng thiệt hại của các tòa soạn lên đến 650 triệu bảng (810,7 triệu USD). Thiệt hại trên của các tờ báo nhỏ với nguồn tài chính eo hẹp sẽ còn nặng nề hơn.
Báo in đang chịu cú sốc giảm doanh số nghiêm trọng vì dịch Covid-19. Ảnh: People Management. |
Tại Mỹ, HuffPost cho biết gần 33.000 lao động trong ngành công nghiệp báo chí đã mất việc làm hoặc bị cắt giảm lương trong thời gian qua. Nhiều tờ báo nhỏ đã phải đóng cửa. Liên minh Truyền thông Tin tức và Hội Tin tức Mỹ đều kêu gọi Quốc hội thông qua một gói hỗ trợ ngành báo chí để ngăn chặn tình trạng sa thải hàng loạt.
Điều này sẽ giúp các nhà báo tiếp tục làm việc trong dịch Covid-19. Một số thượng nghị sĩ Mỹ cũng cho rằng một gói kích thích kinh tế mới cần có điều khoản đảm bảo sự hỗ trợ tài chính dành cho các cơ sở báo chí ở nhiều địa phương.
New York Times cho rằng chính phủ Mỹ cần học tập Đức để bảo vệ ngành báo chí. Cơ quan chống độc quyền Pháp buộc Google phải đàm phán với các tổ chức báo chí để trả tiền cho những nội dung tin tức xuất hiện trên cỗ máy tìm kiếm của Google.
Các nền tảng kỹ thuật số như Facebook và Google đã kiếm bộn tiền từ công sức của các nhà báo khắp thế giới trong nhiều năm qua. Ảnh: New York Times. |
Đây là lần đầu tiên một nền tảng kỹ thuật số lớn phải trả tiền cho tin tức. Đức và các nước châu Âu khác sẽ sớm tiếp bước Pháp. New York Times khẳng định nếu Quốc hội Mỹ thông qua Luật Cạnh tranh và Bảo vệ Báo chí, các tổ chức báo chí sẽ cùng hợp tác để đàm phán về phí tin tức với Google.
"Google sẽ phải đối xử với các đơn vị xuất bản tin tức giống như đối xử với các hãng sản xuất âm nhạc", New York Times nhấn mạnh. Theo Guardian, ngoài Google, những gã khổng lồ công nghệ khác như Facebook, Apple, Twitter cũng phải trả tiền cho các hãng xuất bản tin tức vì đã kiếm bộn tiền từ tin tức trong nhiều năm qua.