Theo Nikkei Asian Review, Tập đoàn truyền thông News Corp (Australia) hôm 31/3 thông báo tạm dừng phát hành bản in của 60 tờ báo địa phương ở các bang New South Wales, Victoria, Queensland và Nam Australia từ ngày 9/4.
Nguyên nhân là ảnh hưởng của dịch virus corona chủng mới, có nguồn gốc từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc.
“Doanh thu quảng cáo lao dốc không phanh sau khi chính phủ hạn chế tổ chức đấu giá bất động sản, đóng cửa các điểm tổ chức sự kiện, cấm việc ăn uống tại các nhà hàng”, Chủ tịch điều hành News Corp Michael Miller giải thích.
Tương tự, nhiều tờ báo ở các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương cũng dừng xuất bản do ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch virus corona. Ở Ấn Độ, hầu hết khu chung cư lớn đã từ chối tiếp nhận báo in sau lệnh phong tỏa toàn quốc được áp dụng từ ngày 25/3.
60 tờ báo địa phương tại Australia tạm dừng xuất bản do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ảnh: Financial Times. |
Nhân viên giao báo tới từng nhà vào mỗi sáng khó có thể tiếp tục công việc khi mạng lưới giao thông công cộng ở Ấn Độ bị cấm hoạt động, đồng thời người dân cũng bày tỏ lo ngại lây nhiễm virus corona qua những tờ báo giấy.
Tại Philippines, nơi một nửa trong số 105 triệu cư dân đang trong chôn chân trong nhà vì dịch Covid-19, hai tờ báo quốc gia là Malaya Business Insight và Manila Standard Today cũng quyết định dừng xuất bản, trong khi một tờ báo địa phương cũng có động thái tương tự.
Chuyên gia Bruce Liu, giảng viên báo chí cao cấp tại Đại học Baptist Hong Kong, cho biết ngành công nghiệp truyền thông bị ảnh hưởng trầm trọng khi nền kinh tế toàn cầu đối mặt với sự suy giảm mạnh do đại dịch bùng phát.
“Người dân sẽ cố gắng thắt chặt chi tiêu cho những thứ không cần thiết”, Nikkei Asian Review dẫn lời chuyên Bruce Liu giải thích. “Họ có thể không mua báo giấy nữa, hoặc chỉ xem báo điện tử”.
Việc người tiêu dùng giảm chi tiêu trong đại dịch khiến quảng cáo của các doanh nghiệp cũng bị tổn thất đáng kể. “Đây là một cuộc tấn công kép vào các phương tiện truyền thông truyền thống”, chuyên gia Bruce Liu nhận định. “Các cơ quan báo chí phụ thuộc rất nhiều vào dịch vụ quảng cáo”.
Người dân lo ngại việc nhiễm virus corona qua các tờ báo giấy. Ảnh: Deal Street Asia. |
Tại Australia, doanh thu từ dịch vụ quảng cáo trên báo in dự kiến giảm còn 494 triệu USD vào năm 2022 từ mức hơn 1 tỷ USD năm 2017, theo PricewaterhouseCoopers. Ngược lại, doanh thu quảng cáo trên báo điện tử dự báo tăng lên 355 triệu USD vào năm 2022 từ mức 287 triệu USD năm 2017.
Trong khi đó, nhiều tờ báo tận dụng thị trường tiềm năng ở châu Á để quảng bá các dịch vụ mới. Hiện tại, Tập đoàn News Corp đang cung cấp dịch vụ miễn phí trong 28 ngày, cho phép người đọc truy cập trực tuyến vào tờ báo lớn.
Trong khi đó, tờ báo Daily Inquirer của Philippines đang cung cấp 30 ngày truy cập miễn phí cho độc giả.
“Các cơ quan báo in chưa thiết lập mạng lưới tin tức trực tuyến đang gặp rắc rối lớn”, Rachel Khan, giáo sư báo chí tại Đại học Philippines, cho biết. “Các công ty truyền thông báo chí ở Philippines vẫn dựa vào doanh thu quảng cáo là chính”.
"Lẽ ra họ cần chuyển sang online từ 2-3 năm trước. Đại dịch là hồi chuông cảnh báo với các tờ áo in không có bản online", giáo sư Khan nhấn mạnh.
Chuyên gia Bruce Liu cho rằng cách tốt nhất để các công ty truyền thông báo chí sống sót sau đại dịch là tăng doanh thu từ dịch vụ kỹ thuật số, đồng thời cắt giảm chi phí vận hành, có nghĩa là thu hút bạn đọc đăng ký với chi phí rẻ hơn, đồng thời hoãn trả lương thưởng, thậm chí yêu cầu một số bộ phận không chủ chốt nghỉ việc không lương.
"Sa thải lao động chỉ là giải pháp cuối cùng. Bởi các tờ báo cần nhân lực có kinh nghiệm để cung cấp thông tin chính xác và kịp thời cho bạn đọc", ông nói.