Hôm 18/6, nhà lãnh đạo Hồi giáo 81 tuổi Iran Ayatollah Ali Khamenei đã bỏ lá phiếu đầu tiên ở thủ đô Tehran và kêu gọi gần 60 triệu cử tri nước này đi bầu, trước khi cuộc bỏ phiếu kết thúc vào lúc nửa đêm (giờ địa phương), theo AFP.
"Hãy thực hiện nghĩa vụ này càng sớm càng tốt", ông Khamenei khẳng định. "Những điều người dân Iran làm hôm nay, thông qua hoạt động bỏ phiếu, đều góp phần vào việc xây dựng tương lai", ông Khamenei nói.
Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei. Ảnh: Reuters. |
Kết quả cuộc bầu cử dự kiến có vào trưa 19/6.
Trên các phương tiện truyền thông Iran, ông Ebrhim Raisi là ứng cử viên sáng giá hơn so với ông Abdolnasser Hemmati. Trước đó, ba ứng cử viên là Alireza Zakani, Mohsen Mehralizadeh và Saeed Jalili đã bất ngờ xin rút khỏi cuộc đua hôm 16/6.
Tất cả ứng viên đều mong muốn đất nước 83 triệu dân cần phải tìm cách chấm dứt các lệnh trừng phạt của Mỹ, thông qua các cuộc đàm phán diễn ra ở Vienna nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân.
Cuộc bầu cử ở Iran diễn ra trong bối cảnh lòng nhiệt thành của công chúng đã giảm sút ít nhiều do tình trạng kinh tế bất ổn kết hợp cùng cuộc khủng hoảng Covid-19.
Năm 2017, AP cho biết tỷ lệ cử tri đi bầu tổng thống đạt 73%. Nhưng đến năm 2020, các cuộc thăm dò cho thấy tỷ lệ người Iran tham gia bầu cử quốc hội chỉ đạt khoảng 43%.
"Tôi không biết gì về chính trị. Tất cả gia đình hiện phải đối mặt với vấn đề kinh tế", một thợ sửa xe Nasrollah ở Tehran cho biết.
Người chiến thắng cuộc bầu cử sẽ tiếp quản vị trí tổng thống Iran vào tháng 8, thay cho Tổng thống đương nhiệm Hassan Rouhani. Ông Rouhani đã đảm trách nhiệm vụ này hai nhiệm kỳ với 8 năm cầm quyền liên tục.
Thành tựu quan trọng của ông Rouhani là thỏa thuận hạt nhân mang tính bước ngoặt năm 2015 với các cường quốc trên thế giới. Theo đó, Iran cam kết kiểm soát chương trình hạt nhân để đổi lại việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt.
Dù vậy, hy vọng về sự thịnh vượng của người dân Iran bị dập tắt vào năm 2018, khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi thỏa thuận và phát động chiến dịch "gây áp lực tối đa" về kinh tế và ngoại giao đối với Iran.
Trong khi Iran khẳng định chương trình hạt nhân chỉ nhằm mục đích hòa bình, ông Trump lại cáo buộc nước này âm mưu gây bất ổn ở Trung Đông thông qua các nhóm vũ trang ủy nhiệm.
Trong bối cảnh đó, các lệnh trừng phạt của Mỹ tấn công Iran và kéo theo sự suy kiệt của nền kinh tế. Giá cả leo thang là một trong những nguyên nhân thúc đẩy các đợt bất ổn xã hội triền miên ở quốc gia Hồi giáo.