Mới mua ôtô và bắt đầu chạy xe chở khách thông qua một ứng dụng gọi xe từ đầu năm, ông Phan Văn Mỹ (ngụ quận 10, TP.HCM) băn khoăn với quy định mới trong Thông tư 58 của Bộ Công an về việc xe kinh doanh bao gồm taxi công nghệ phải đổi sang biển số nền vàng.
Ông Mỹ cho rằng chi phí 150.000 đồng để đổi biển số không lớn nhưng e ngại mất thời gian làm thủ tục, ảnh hưởng công việc. Ông cũng thắc mắc nếu sau một thời gian, ông không tiếp tục tham gia chạy dịch vụ xe công nghệ, việc đổi lại biển số sang nền trắng sẽ ra sao.
Dù có sự ngại ngần của một số tài xế công nghệ về việc đổi biển số, đại diện ứng dụng Be đánh giá những đối tác đã xác định đây là nghề nghiệp sẽ nghiêm túc thực hiện các quy định của cơ quan chức năng. “Chúng tôi cho rằng các tài xế và công ty sẽ không bị ảnh hưởng”, vị này chia sẻ.
Khác với Grab hay Be, những hãng taxi lớn sở hữu quy mô đội xe hàng nghìn chiếc sẽ phải tốn thêm chi phí vì quy định mới. Đại diện Mai Linh cho biết chịu trách nhiệm đổi biển số với đội xe trực tiếp sở hữu trong khi các tài xế taxi hoạt động theo hình thức xe thương quyền sẽ tự bỏ chi phí. Hãng không chia sẻ cụ thể số lượng xe đang quản lý.
Trong khi đó, theo báo cáo thường niên của hãng taxi Vinasun, đến cuối năm 2019, doanh nghiệp này đang sở hữu 4.921 taxi 4 chỗ và 7 chỗ cùng 1.113 xe thương quyền. Tạm tính theo mức phí đổi biển dự kiến 150.000 đồng theo chia sẻ của đại diện Cục Cảnh sát Giao thông, số tiền Vinasun bỏ ra để thay đổi biển số cho đội xe của mình khoảng 740 triệu đồng.
Xe taxi ở Thái Lan sử dụng biển số nền vàng. Ảnh: Bangkok Post. |
Dù đang ở giai đoạn khó khăn về tài chính khi các hãng taxi phải dừng hoạt động trong thời gian giãn cách xã hội và nhu cầu đi lại cũng chưa phục hồi hoàn toàn sau dịch Covid-19, ông Tạ Long Hỷ, Phó tổng giám đốc thường trực kiêm Giám đốc Taxi của Vinasun, cho rằng khoản chi phí đổi biển số không phải là vấn đề.
“Chúng tôi có 5.000-7.000 xe đâu phải ngay trong tháng này đổi toàn bộ mà là một quá trình. Ví dụ đợt đầu đổi biển 500-700 xe. Xe nào cảm thấy ổn định thì đổi. Xe nào có thể thanh lý thì chưa đổi. Thời hạn đến 31/12/2021 chứ không phải đùng một lúc phải đổi hết. Doanh nghiệp cũng tính toán bao nhiêu xe đổi trước, xe nào đổi sau nên chi phí này rải ra chứ không tập trung một lúc”, ông Hỷ trả lời Zing.
Lãnh đạo Vinasun cho rằng khi đã kinh doanh, phải chấp nhận đầu tư. Ông Hỷ nói hoàn toàn ủng hộ quy định mới về đổi biển số để phân biệt rõ ràng, minh bạch giữa xe kinh doanh và xe không kinh doanh. Ông cho rằng đây là giải pháp để quản lý Nhà nước chặt chẽ hơn.
“Phải quy định rõ để đảm bảo công bằng trong kinh doanh. Xe nào kinh doanh đều phải chịu kiểm tra giám sát như nhau, chịu tác động điều kiện, nhận diện thương hiệu như nhau. Đây là quyết định phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn Việt Nam. Việc đổi màu biển số với xe kinh doanh vận tải nhiều nước đã thực hiện”, phó tổng giám đốc Vinasun nói với Zing.
Ở các quốc gia như Thái Lan, Ai Cập, Thụy Điển, taxi khi đăng ký phải sử dụng biển số nền vàng chữ đen để phân biệt với những loại xe khác. Tại một số nước như Ấn Độ, Đan Mạch, Hungary, biển số màu vàng chữ đen áp dụng cho taxi lẫn xe chạy dịch vụ vận tải.
Bộ Công an vừa ban hành Thông tư 58/2020 quy định quy trình cấp, thu hồi đăng ký, biển số phương tiện ,pgiao thông cơ giới đường bộ. Điểm đ Khoản 6 Điều 25 của thông tư quy định biển số ôtô kinh doanh vận tải sẽ có nền màu vàng, chữ và số màu đen.
Các xe kinh doanh vận tải đăng ký mới sẽ bắt đầu chuyển sang biển màu vàng từ ngày 1/8. Ngoài ra, đối với các phương tiện kinh doanh đã hoạt động trước đó sẽ phải chuyển đổi sang biển vàng trước ngày 31/12/2021.