Trong thông báo mới đây, ông Trần Đức Quý – cha ruột của bà Trần Thị Thu Hương, Giám đốc Khối ngân hàng bán lẻ VIB – đã đăng ký bán 3 triệu cổ phiếu VIB trong thời gian từ 14/7 đến 12/8 với mục đích cá nhân.
Nếu giao dịch trên thành công, ông Quý sẽ giảm tỷ lệ sở hữu cá nhân tại VIB từ 21,19 triệu cổ phiếu (1,36%) xuống còn 18,19 triệu đơn vị (1,17%) và có thể thu về gần 150 tỷ đồng khi thị giá cổ phiếu VIB vẫn dao động quanh mức 50.000 đồng/cổ phiếu hiện nay.
Cũng trong đợt này, ông Nguyễn Xuân Dũng, Giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp tại VIB đã đăng ký bán 200.000/592.642 cổ phiếu đang nắm giữ (trong đó có 169.326 là cổ phiếu thưởng chưa được phép giao dịch) với mục đích đầu tư cá nhân.
Sau giao dịch kể trên, tỷ lệ sở hữu của ông Dũng tại VIB dự kiến giảm còn 392.642 cổ phiếu (0,025%). Ước tính, giao dịch này có thể mang về cho ông Dũng khoảng 10 tỷ đồng.
Tương tự, ông Nguyễn Quốc Nghị – em rể ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng giám đốc VIB – mới đây cũng đăng ký bán toàn bộ 1,073 triệu cổ phiếu VIB đang nắm giữ với nhu cầu đầu tư cá nhân. Giao dịch của ông Nghị sẽ được thực hiện qua phương pháp khớp lệnh trên sàn và thỏa thuận, ước tính số tiền thu về vào khoảng 50 tỷ đồng.
VIB là cổ phiếu ghi nhận giao dịch của người nội bộ và người có liên quan nội bộ lớn nhất trong nhóm ngân hàng. Ảnh: Nam Khánh. |
Ngược lại, trong đợt đăng ký giao dịch lần này, VIB ghi nhận có ông Trần Nhất Minh, Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc Khối dịch vụ công nghệ đăng ký mua vào 1 triệu cổ phiếu, dự kiến nâng tỷ lệ sở hữu cá nhân lên mức 1,449 triệu đơn vị (0,093%).
Giao dịch dự kiến được thực hiện trong tháng 7, với khối lượng mua kể trên, ông Nghị cũng sẽ phải chi khoảng 50 tỷ đồng để hoàn tất giao dịch.
Trước đó, hàng loạt lãnh đạo VIB và người thân đã tham gia mua, bán cổ phiếu VIB. Trong đó, bà Đặng Thị Thu Hà – vợ ông Đặng Văn Sơn, Phó chủ tịch VIB – đã mua vào hơn 1,735 triệu cổ phiếu, trên tổng số 2 triệu cổ phiếu đăng ký.
Qua giao dịch mua này, bà Hà đã nâng tỷ lệ sở hữu cá nhân tại VIB lên 46,485 triệu cổ phiếu (2,99%), trong đó, hơn 12,981 triệu đơn vị là cổ phiếu thưởng chưa được phép giao dịch.
Ước tính, bà đã phải chi khoảng 85 tỷ đồng để hoàn tất đợt mua vào này.
Cùng thời gian, một số lãnh đạo ngân hàng và người thân đã hoàn tất bán ra nhiều triệu cổ phiếu VIB.
Diễn biến giá cổ phiếu VIB từ đầu năm 2021 đến nay. Nguồn: Tradingview. |
Trong tháng 6, bà Nguyễn Thị Tuyết Hà, Giám đốc chuyển đổi số và chồng Từ Anh Hào đã bán ra tổng cộng hơn 2,6 triệu cổ phiếu VIB. Đến ngày 30/6, bà Hà đã được HĐQT VIB miễn nhiệm chức vụ Giám đốc Chuyển đối số - Thành viên Ban điều hành ngân hàng.
Tương tự, ông Lê Ngọc Bích – bố vợ ông Hoàng Linh, Giám đốc tài chính VIB – mới đây cũng đã hoàn tất việc bán ra 3 triệu cổ phiếu ngân hàng trên tổng số 4 triệu cổ phiếu nắm giữ.
Do giao dịch bán này thực hiện trước ngày VIB chia cổ tức tăng vốn, nên số tiền ông Bích có thể thu về từ giao dịch kể trên lên tới hơn 200 tỷ đồng.
Trên thực tế, VIB là mã cổ phiếu ngân hàng có giao dịch liên quan ban lãnh đạo và người nhà nhộn nhịp nhất thị trường hiện nay. Bình quân mỗi tháng đều có 15-20 triệu cổ phiếu VIB được người nội bộ và người có liên quan giao dịch mua, bán.
Đáng chú ý, VIB cũng là cổ phiếu nằm trong nhóm có đà tăng giá mạnh nhất 1 năm trở lại đây. Từ vùng giá 10.000 đồng/cổ phiếu hồi giữa năm 2020 (giá điều chỉnh), cổ phiếu này đã tăng một mạch lên mức gần 50.000 đồng hiện tại, tương đương mức tăng ròng gần 400% giá trị.
Nếu tính từ đầu năm đến nay, thị giá VIB cũng đã tăng tới gần 110%, nằm trong nhóm 3 cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh nhất giai đoạn này.