Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) vừa công bố kế hoạch chia cổ phiếu thưởng cho cổ đông tỷ lệ 40% và tăng vốn điều lệ lên trên 15.500 tỷ đồng sau khi nhận được văn bản chấp thuận từ Ngân hàng Nhà Nước và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Cụ thể, Hội đồng Quản trị VIB đã quyết định ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách cổ đông VIB hưởng quyền nhận cổ phiếu thưởng là 10/6. Theo đó, mỗi cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu hiện hữu sẽ nhận thêm 40 cổ phiếu mới trong lần tăng vốn này.
Nguồn tiền sẽ được lấy từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến cuối năm 2020 và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ để lại các năm trước.
Theo kế hoạch tăng vốn được Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 thông qua, VIB sẽ dùng hơn 4.437 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ để tăng quy mô vốn lên tối đa là hơn 15.531 tỷ, tương ứng số cổ phần tăng thêm là trên 443 triệu đơn vị.
Ngoài VIB, có khoảng 15 ngân hàng khác cũng có kế hoạch tăng vốn trong năm nay. Ảnh: Hoàng Hà. |
Sau khi tăng vốn bằng hình thức này, ngân hàng dự kiến chào bán tối đa hơn 46,5 triệu cổ phiếu mới, qua đó tăng vốn sau chào bán lên tối đa hơn 15.997 tỷ đồng.
Nếu hoàn thành kế hoạch tăng vốn kể trên đúng tiền độ, VIB sẽ trở thành ngân hàng có vốn lớn thứ 12 trong hệ thống ngân hàng thương mại hiện nay.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VIB của ngân hàng này cũng đang là một trong những mã có mức tăng mạnh nhất 1 năm trở lại đây. Từ vùng giá 15.000 đồng/cổ phiếu hồi tháng 4/2020, cổ phiếu này đã tăng một mạch lên gần 65.000 đồng/đơn vị hiện tại, tương đương mức tăng ròng hơn 300% giá trị sau hơn một năm.
Tính từ đầu năm 2021 đến nay, thị giá VIB cũng đã tăng xấp xỉ 100% và là một trong 5 cổ phiếu ngân hàng tăng giá mạnh nhất giai đoạn này. Với giá trị vốn hóa hiện tại đạt trên 70.000 tỷ đồng, VIB đứng thứ 18 trong nhóm các công ty có vốn hóa lớn nhất thị trường, và xếp thứ 8 trong nhóm các ngân hàng, kể cả khi chưa thuộc danh sách rổ VN30.
Diễn biến giá cổ phiếu VIB trong 1 năm gần đây. Nguồn: Tradingview. |
Trong quý I vừa qua, nhà băng này ghi nhận 2.778 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, tăng 54% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với tăng trưởng của các khoản thu nhập ngoài lãi (dịch vụ, mua bán chứng khoán đầu tư, bán bảo hiểm…), VIB thu về 1.806 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế quý I, tăng tương ứng 68% so với cùng kỳ.
Năm nay, VIB đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 7.510 tỷ đồng, tăng 29% so với năm liền trước. Như vậy, sau quý I, ngân hàng đã hoàn thành 24% kế hoạch lợi nhuận trước thuế cả năm.
Tính đến cuối tháng 3, tổng tài sản của ngân hàng này đạt gần 260.000 tỷ đồng. Trong đó chỉ tiêu dư nợ tín dụng đạt 180.000 tỷ (trên 85% là dư nợ bán lẻ), tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức 1,38% tổng dư nợ, thấp hơn so với mức 1,46% hồi cuối năm 2020.
Cuối tháng 3 vừa qua, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s cũng đã nâng triển vọng của VIB từ “ổn định” lên “tích cực”, với xếp hạng tín nhiệm tiền gửi ở mức B1 và xếp hạng rủi ro đối tác ở mức Ba3.
Theo Moody’s, VIB có chất lượng tài sản tốt và ổn định, tỷ suất sinh lợi cao và đảm bảo được nguồn vốn cho phát triển bền vững.