Ngân hàng TMCP Quốc Tế (VIB) vừa công bố báo cáo kết quả kinh doanh sơ bộ quý I/2021 với khoản lợi nhuận cao kỷ lục.
Cụ thể, lãnh đạo nhà băng này cho biết nhờ đóng góp của doanh thu từ phí dịch vụ và hoạt động cho vay tăng trưởng, VIB đã ghi nhận hơn 3.500 tỷ đồng doanh thu hoạt động sau quý I/2021. Chỉ tiêu kinh doanh này đã tăng gần 55% so với cùng kỳ năm 2020 trong khi chỉ tiêu chi phí chỉ tăng hơn 30% và trích lập dự phòng rủi ro tài chính giảm 73%.
Kết quả, VIB thu về khoản lợi nhuận trước thuế quý I đạt 1.807 tỷ đồng, tăng 68% so với cùng kỳ năm trước.
Kết quả trên ghi nhận được nhờ sự tăng trưởng quy mô và chất lượng của bảng tổng kết tài sản, cùng với đó là việc đa dạng hóa nguồn thu nhập phi tín dụng.
Chỉ tiêu lợi nhuận kể trên của ngân hàng cũng tương ứng với tỷ lệ ROA (lợi nhuận trên tổng tài sản) bình quân đạt 2,3% và ROE (lợi nhuận sau thuế trên vốn bình quân) đạt 31%, mức cao nhất trong toàn ngành. Đây cũng là năm thứ 6 liên tiếp nhà băng này cải thiện được tỷ lệ ROE.
KẾT QUẢ KINH DOANH HÀNG NĂM CỦA VIB | |||||||||
Nhãn | 2014 | 2015 | 2016 | 2017 | 2018 | 2019 | 2020 | 2021 kế hoạch | |
Lợi nhuận trước thuế | tỷ đồng | 648 | 655 | 702 | 1405 | 2743 | 4082 | 5803 | 7510 |
Tính đến cuối tháng 3/2021, tổng tài sản của VIB đạt gần 260.000 tỷ đồng. Trong đó chỉ tiêu dư nợ tín dụng đạt 180.000 tỷ đồng (trên 85% là dư nợ bán lẻ), tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức 1,38% tổng dư nợ, thấp hơn so với mức 1,46% hồi cuối năm 2020.
Đến hết quý I, số dư huy động tại ngân hàng này cũng đạt hơn 185.000 tỷ đồng.
Cùng thời điểm, tỷ lệ cho vay trên tiền gửi (LDR) của VIB ở mức 75% so với mức trần 85% Ngân hàng Nhà nước quy định. Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn đạt 35% (trần cho phép 40%) và tỷ lệ an toàn vốn theo Basel II (CAR) đạt trên 10% (quy định tối thiểu 8%).
Trước đó, chia sẻ tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 diễn ra cuối tháng 3, ông Đặng Khắc Vỹ - Chủ tịch HĐQT VIB - cho biết mục tiêu tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) của ngân hàng năm nay là 29,3%, xấp xỉ con số 30% của năm 2020. Ông Vỹ khẳng định VIB đang sở hữu mức ROE thuộc nhóm cao nhất trong số các ngân hàng có vốn từ 10.000 tỷ đồng trở lên.
Giá cổ phiếu VIB đã tăng 260% trong vòng một năm qua. Nguồn: Tradingview. |
Trong năm nay, VIB đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế 7.510 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ năm trước. Các chỉ tiêu tổng tài sản dự kiến tăng 26%, đạt 300.000 tỷ đồng vào cuối năm; dư nợ tín dụng ước tăng 31%, đạt 224.800 tỷ và huy động vốn tăng 31%, đạt 234.790 tỷ đồng.
Như vậy, sau quý I, ngân hàng đã hoàn thành 24% kế hoạch lợi nhuận trước thuế cả năm.
Cũng trong năm nay, VIB dự kiến thực hiện tăng vốn thông qua hình thức chia cổ phiếu thưởng từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ 40% và phát hành cổ phiếu riêng lẻ.
Vốn điều lệ dự kiến sau các phương án tăng vốn vào khoảng 16.000 tỷ đồng và là cơ sở để các chỉ tiêu tăng trưởng tài sản trong năm 2021 được thực hiện.
Trên thị trường chứng khoán, nhờ tác động tích cực từ kết quả kinh doanh năm 2020 và kế hoạch năm 2021, cổ phiếu VIB của ngân hàng này đang nằm trong nhóm tăng trưởng mạnh nhất 1 năm qua.
Từ vùng giá 15.000 đồng/cổ phiếu hồi tháng 4/2020, thị giá VIB đã tăng một mạch, hiện phổ biến ở mức 54.000 đồng/cổ phiếu (cuối ngày 20/4). Tạm tính, nhà đầu tư cổ phiếu VIB một năm qua đã ghi nhận khoản lãi 260% giá trị đầu tư.
Vùng 54.000 đồng/cổ phiếu hiện tại cũng là mức giá cao nhất mà VIB từng ghi nhận được từ khi niêm yết ngày 9/1/2017. Nếu tính trong 3 tháng gần đây, thị giá của cổ phiếu VIB cũng tăng khoảng 60%, thuộc nhóm cổ phiếu ngân hàng có mức tăng tốt nhất từ đầu năm 2021.