Với thảm đỏ và màn duyệt binh danh dự, ông Biden đồng thời tiếp đón Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson và Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto tại Nhà Trắng chỉ vài giờ trước khi tổng thống Mỹ công du châu Á, theo AFP hôm 19/5.
“Đây là sự kiện lịch sử, một khoảnh khắc bước ngoặt của an ninh châu Âu. Hai quốc gia có truyền thống trung lập lâu đời sẽ gia nhập liên minh phòng thủ quân sự mạnh mẽ nhất của thế giới”, Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan nói, theo Reuters.
Tổng thống Biden (giữa) tiếp đón Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson (phải) và Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto. Ảnh: Reuters. |
Ba nhà lãnh đạo dự kiến tổ chức họp báo sau các cuộc hội đàm tại Phòng Bầu dục.
Trong quá khứ, Thụy Điển và Phần Lan vẫn luôn giữ khoảng cách với NATO vì nguyên tắc trung lập. Nhưng cả hai quốc gia này hôm 18/5 đã có động thái xin gia nhập NATO.
Cùng ngày 18/5, ông Biden khẳng định mình ủng hộ “mạnh mẽ” việc Thụy Điển và Phần Lan gia nhập liên minh quân sự.
“Tuy đơn xin gia nhập của họ còn đang được xem xét, Mỹ sẽ cùng phối hợp với Thụy Điển và Phần Lan để cảnh giác trước bất cứ mối đe dọa nào đối với nền an ninh chung của chúng ta, nhằm ngăn ngừa và đối mặt bất cứ sự gây hấn hoặc lời đe dọa gây hấn nào”, ông Biden nói trong một tuyên bố.
Đơn xin gia nhập của hai nước Bắc Âu dự kiến được Quốc hội Mỹ thông qua nhanh chóng. Nhưng trong khi Mỹ cùng nhiều nước hoan nghênh Thụy Điển và Phần Lan vào NATO, Thổ Nhĩ Kỳ có thái độ phản đối quyết liệt.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan từng khẳng định sẽ phủ quyết đơn xin gia nhập của hai nước nếu Thụy Điển không cắt đứt quan hệ với YPG - lực lượng dân quân người Kurd ở Syria. Nguyên nhân là YPG có liên hệ chặt chẽ với đảng Công nhân Kurd (PKK) - tổ chức đấu tranh vũ trang chống lại nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ từ những năm 1980.
Để gia nhập NATO, một nước ứng viên cần nhận sự đồng thuận từ toàn bộ 30 nước thành viên.