Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC), Uỷ ban châu Âu và Nghị viện châu Âu (EP) gồm các ông Donald Tusk, Jean-Claude Juncker và Martin Schulz, cùng chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu là hiện là Mark Rutte (thủ tướng Hà Lan), kêu gọi Anh sớm tiến hành quy trình để rời khỏi EU “càng sớm càng tốt”.
“Mọi sự trì hoãn quá trình Brexit sẽ gây kéo dài giai đoạn không chắc chắn một cách không cần thiết”, thông báo của “Bộ Tứ” khẳng định sau cuộc họp khẩn ở Brussels.
Thủ tướng Đức Angela Merkel cùng vừa lên tiếng rằng "không nên kéo dài dai dẳng" việc khởi động đàm phán Brexit, và việc này phụ thuộc vào nước Anh.
Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Jean-Claude Juncker. Ảnh: Reuters |
Các lãnh đạo châu Âu khẳng định, dù họ lấy làm tiếc với kết quả trưng cầu dân ý ở Anh, EU tôn trọng quyết định của nhân dân Anh. "Đây là một tình huống chưa từng có tiền lệ, và chúng tôi đồng lòng trong phản ứng của mình”, thông báo nói.
Ông Tusk cho biết, 27 thành viên còn lại của EU sẽ nhóm họp vào tuần tới để đánh giá về tương lai liên minh khi không còn Anh. Ông cảnh báo “sẽ không có cách nào để tiên đoán những hậu quả chính trị từ sự kiện chấn động này, đặc biệt là với Anh”.
Trong bối cảnh sức ép từ phía EU muốn Anh phải ra đi ngay, Bộ trưởng Tài chính Anh, Đại diện Anh trong Ủy ban châu Âu Jonathan Hill tuyên bố từ chức, nối gót Thủ tướng David Cameron.
5 vùng có tỷ lệ ủng hộ việc Anh rời EU cao nhất (trái) và 5 vùng có tỷ lệ ủng hộ việc Anh ở lại EU cao nhất. Đồ họa: BBC |
Manfred Weber, chủ tịch đảng EPP trung hữu trong nghị viện châu Âu nhấn mạnh “Anh đã bước qua lằn ranh đỏ và không còn đường quay lại”. “Cuộc bỏ phiếu đã gây tổn thất cho cả 2 bên. Những cuộc đàm phán để Anh rời khỏi EU cần hoàn thành trong tối đa 2 năm. Sẽ không có đối xử đặc biệt nào. Rời đi chính là rời đi”, báo Guardian dẫn lời ông.
Ngoài ra, ngày 25/6, Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault cũng lên tiếng kêu gọi Anh sớm thúc đẩy thủ tục để rời EU. “Những cuộc đàm phán cần sớm tiến hành vì lợi ích chung của Anh và châu Âu”.
Bản đồ các nước thuộc Liên minh châu Âu. Màu xanh nhạt: Các nước tham gia Hiệp ước Schengen, màu đỏ: các nước không tham gia. Màu xanh đậm: không phải thành viên EU, xanh lá cây: các nước muốn gia nhập EU. Đồ họa: CCMA |
Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier có phát biểu thận trọng hơn nhưng cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo toàn giá trị “tự do và ổn định” mà các nước sáng lập EU đã xây dựng.
Trong khi đó, Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon thông báo bà sẽ có những cuộc thảo luận với lãnh đạo các cơ quan châu Âu để “bảo vệ vị trí của Scotland tại EU” sau khi dân Anh đã bỏ phiếu rời liên minh.
Ngày 24/6, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland chính thức công bố kết quả của cuộc trưng cầu dân ý lịch sử rằng người Anh chọn rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Theo kết quả cuối cùng, số người ủng hộ Anh rời EU là 17,4 triệu cao hơn 4% so với 16,1 triệu người chọn việc ở lại với khối.
Liên minh châu Âu (gọi tắt là EU) bao gồm 28 nước thành viên. EU là một thực thể kinh tế, chính trị đặc thù với mức độ liên kết sâu sắc. Về cơ bản, EU có các định chế chính là: Hội đồng châu Âu, Hội đồng Bộ trưởng, Nghị viện châu Âu, Uỷ ban châu Âu và Toà án châu Âu.
Với hơn 500 triệu dân, Liên minh châu Âu chiếm khoảng 22% (16,2 nghìn tỷ USD năm 2015) GDP danh nghĩa và khoảng 17% (19,2 nghìn tỷ USD năm 2015) GDP sức mua tương đương của thế giới (PPP).