Cả thế giới chấn động sau khi cuộc trưng cầu dân ý ở Anh về việc rời hay ở lại Liên minh châu Âu (Brexit) cho thấy đa số cử tri muốn tách khỏi khối. Mặc dù những người lãnh đạo phe Leave (rời khỏi EU) đang hân hoan với chiến thắng, dường như nhiều người Anh không biết họ thực sự bỏ phiếu cho điều gì, Washington Post nhận định.
Thị trường chứng khoán toàn cầu hỗn loạn, còn đồng bảng mất giá mạnh nhất sau hơn 30 năm. Giờ đây cử tri Anh đối mặt với hàng loạt cú sốc kinh tế. Giới phân tích cảnh báo những vấn đề kinh tế sẽ trở nên trầm trọng hơn trong thời gian tới. Quyết định rời EU gây nên cơn địa chấn toàn cầu và một bộ phận người dân Anh giờ đây thừa nhận họ cảm thấy hối hận vì bỏ phiếu ủng hộ phe "rời".
Hàng chục nghìn người đang kêu gọi chính phủ Anh tổ chức lại cuộc trưng cầu dân ý về việc rời hay ở lại Liên minh châu Âu. Ảnh: The Guardian. |
"Mặc dù tôi bỏ phiếu để Anh rời khỏi EU, sáng nay tôi thức dậy và cảm thấy tiếc. Những gì đang xảy ra khiến tôi ân hận. Nếu tôi có cơ hội bầu lần nữa, tôi sẽ chọn phương án ở lại", một phụ nữ phát biểu với kênh ITV News.
Tình trạng không hiểu biết về tác động của Brexit đối với nền kinh tế đất nước thể hiện rõ rệt trên khắp nước Anh hôm 25/6. Tập đoàn Google thông báo số lượt tìm kiếm những câu hỏi liên quan tới tác động của cuộc trưng cầu dân ý tăng vọt. 8 giờ sau khi cuộc trưng cầu ở Anh kết thúc, số lượt tìm bằng cụm từ "Việc gì sẽ xảy ra nếu chúng tôi rời EU?" tăng gấp 3 lần so với khoảng thời gian trước đó.
Mặc dù cả hai phe - ủng hộ và phản đối Anh rời EU - đều vận động ráo riết từ vài tháng trước khi cuộc trưng cầu diễn ra, nhiều người dân Anh vẫn không quan tâm tới những hậu quả có thể xảy ra nếu họ rời EU. Thậm chí nhiều người còn không biết những điều cơ bản nhất về EU.
Phân bổ cử tri trong trưng cầu dân ý theo độ tuổi. Theo đó, nhóm người từ 18 đến 24 có tỷ lệ ủng hộ cao nhất. Cử tri càng lớn tuổi càng muốn nước Anh rời EU. Đồ họa: BBC |
Liên minh châu Âu là gì? Có lẽ giờ đây nhiều người Anh mới hiểu ý nghĩa của câu hỏi này khi họ gõ nó trong trình duyệt.
Khoảng 200.000 người đã ký vào đơn thỉnh nguyện Quốc hội Anh tổ chức lại cuộc trưng cầu dân ý về Brexit trong đêm 24/6. Hoạt động của họ khiến trang web của Quốc hội Anh sập, Guardian đưa tin.
"Trang web của chúng tôi ngừng hoạt động tạm thời do số lượng người truy cập cùng lúc để ký đơn thỉnh nguyện tăng vọt. Quốc hội và chính phủ đã biết sự cố này và chúng tôi đang nỗ lực hết sức để khôi phục hoạt động của trang web", người phát ngôn của nghị viện Anh thông báo.
5 vùng có tỷ lệ ủng hộ việc Anh rời EU cao nhất (trái) và 5 vùng có tỷ lệ ủng hộ việc Anh ở lại EU cao nhất. Đồ họa: BBC |
Luật pháp Anh quy định nếu một đơn thỉnh nguyện nhận hơn 100.000 chữ ký, Quốc hội sẽ xem xét khả năng thảo luận về nó. Trong cuộc họp tiếp theo vào ngày 28/6, Ủy ban Đơn thỉnh nguyện của Quốc hội Anh có thể xem xét yêu cầu tổ chức lại cuộc trưng cầu dân ý về Brexit.
Cùng ngày, hơn 40.000 người Anh ký đơn thỉnh cầu trên trang web change.org. Họ muốn tuyên bố London độc lập khỏi Vương quốc Anh và nộp đơn xin gia nhập EU, AFP đưa tin.
Ngày 23/6, đông đảo người dân Anh bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý về việc “rời bỏ” hay “ở lại” với Liên minh châu Âu. Các cuộc thăm dò trước bỏ phiếu cho thấy phe ủng hộ ở lại chiếm đa số nhưng kết quả kiểm phiếu nói lên điều ngược lại. Với 52% cử tri ủng hộ Brexit, nước Anh đã có quyết định cuối cùng cho cuộc hôn nhân với EU. Kết quả Anh rời EU được cho là một cú sốc lớn và có thể gây ra những hậu quả chưa thể lường trước.
Liên minh châu Âu (gọi tắt là EU) hiện bao gồm 27 nước thành viên. EU là một thực thể kinh tế, chính trị đặc thù với mức độ liên kết sâu sắc. Về cơ bản, EU có các định chế chính là: Hội đồng châu Âu, Hội đồng Bộ trưởng, Nghị viện châu Âu, Uỷ ban châu Âu và Toà án châu Âu.
Với hơn 500 triệu dân, Liên minh châu Âu chiếm khoảng 22% (16,2 nghìn tỷ USD năm 2015) GDP danh nghĩa và khoảng 17% (19,2 nghìn tỷ USD năm 2015) GDP sức mua tương đương của thế giới (PPP).