Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Anh cần 2 năm mới có thể rời EU

Dù là điều chưa có tiền lệ, Hiệp ước Liên minh châu Âu vẫn quy định những bước cơ bản để một thành viên rời khỏi khối này.

Một người lái taxi ủng hộ Brexit vẫy cờ Anh trên con phố ở London ngày 24/6. Ảnh: Reuters

Sau cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/6, hơn một nửa người dân Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland đã chọn rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Đây không phải là cơ sở ràng buộc pháp lý để Anh tách khỏi EU ngay lập tức. Tuy nhiên, Thủ tướng Anh David Cameron ngày 24/6 cho biết ông sẽ tiếp tục giữ chức vụ thêm 3 tháng và người kế nhiệm sẽ nhanh chóng tiến hành các quy trình cần thiết để thực hiện nguyện vọng của nhân dân.

Để thực hiện việc rời EU, Anh cần thực hiện những nguyên tắc cơ bản được quy định cụ thể trong Điều 50 của Hiệp ước Liên minh châu Âu.

Thông báo chính thức và tiến hành đàm phán

Theo New York Times, đầu tiên, London cần thông báo chính thức với Hội đồng châu Âu (EC) rằng nước này muốn rời khỏi khối. Tuy nhiên, Điều 50 không quy định cụ thể về khoảng thời gian cần tiến hành thông báo. London cũng chưa cho biết khi nào chính thức bắt đầu quá trình để rời EU.

Kế đến, Anh sẽ tiến hành 2 cuộc đàm phán riêng rẽ với EU. Trước tiên, các bên sẽ thảo luận về điều khoản để rời khỏi EU, sau đó là những thỏa thuận thương mại với 27 quốc gia thành viên còn lại.

Các nhà đàm phán sẽ phải xem xét dựa trên mối quan hệ giữa Anh với EU trong tương lai. Trong suốt thời gian này, Anh vẫn phải tuân thủ những luật lệ và tham gia các hoạt động thường kỳ của EU.

Khi hoàn tất đàm phán, các bên đều đồng thuận về những điều khoản đã đưa ra, thì 2 cơ quan lập pháp của EU là Nghị viện châu Âu (EP) và Hội đồng Liên minh châu Âu (CEU) sẽ bỏ phiếu thông qua. 

Anh roi Lien minh chau Au nhu the nao anh 1
Các trang nhất báo Anh và báo chí thế giới đồng loạt đưa tin về việc nước Anh lựa chọn rời EU và thủ tướng Anh David Cameron quyết định rời nhiệm sở. Ảnh: AFP

EP, với hơn 700 đại biểu đắc cử từ các nước trong khối, cần phê chuẩn thỏa thuận bằng tỷ lệ phiếu bầu đa số. Điều này có nghĩa, không một nước nào có thể đơn phương ngăn chặn việc Anh muốn rời EU. Hiện chưa rõ các đại diện Anh có được bỏ phiếu hay không. 

Trong khi đó, CEU bao gồm 28 đại biểu đến từ mỗi nước thành viên. Danh sách đại biểu CEU không cố định, họ đến dự họp tại CEU dựa trên từng lĩnh vực chính sách được thảo luận trong mỗi giai đoạn. Cũng như EP, CEU cần tỷ lệ phiếu bầu đa số để phê chuẩn các điều khoản đã được thỏa thuận.

Điều 50 không nêu cụ thể phía quốc gia muốn rút khỏi EU sẽ phê chuẩn thỏa thuận như thế nào. Tuy nhiên, một báo cáo của Hạ viện Anh cho biết chính phủ sẽ trình bản thỏa thuận này ra quốc hội để được thông qua.

Thời hạn 2 năm

Quá trình rút khỏi EU kéo dài trong vòng 2 năm, được bắt đầu ngay khi Anh chính thức thông báo cho EC. Thời hạn có thể được kéo dài thêm nếu EC nhất trí về chuyện này.

Khi quá thời hạn, Anh sẽ không còn là thành viên của EU, ngay cả khi các bên vẫn chưa đạt được thỏa thuận. Anh sẽ mất tư cách thành viên của liên minh, bao gồm những quyền lợi và trách nhiệm, như thương mại tự do hoặc công dân được đi lại tự do nội khối.

Nếu các bên không có thỏa thuận nào, thì việc giao dịch với các nước trong EU sẽ trở nên tốn kém hơn.

Về mặt kỹ thuật, Anh không cần thiết phải sử dụng Điều 50 để rời EU. London có thể đơn phương tách khỏi liên minh bằng Đạo luật Cộng đồng châu Âu 1972. Nhưng đây không phải là giải pháp ngôn khoan về chính trị và kinh tế. Nó sẽ phá vỡ mọi cơ hội để đạt được các thỏa thuận thương mại có lợi và sẽ không có giai đoạn chuyển tiếp.

Sau khi hoàn tất những quy trình để rời EU, nếu Anh muốn tái gia nhập liên minh trong tương lai thì nước này sẽ phải thực hiện lại từ đầu quy trình dành cho một ứng viên mới.

Những lý do phần lớn dân Anh kiên quyết muốn rời EU

Chủ nghĩa hoài nghi châu Âu và tinh thần bài ngoại vì nhập cư vào Anh gia tăng là những nguyên nhân chính khiến phần lớn người Anh bỏ phiếu để nước Anh rời Liên minh châu Âu (EU).

Minh Anh

Bạn có thể quan tâm