Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người trẻ ở Anh: Brexit đánh cắp tương lai của chúng tôi

Mất cơ hội việc làm hay học tập tại các nước khác thuộc Liên minh châu Âu là một số vấn đề khiến nhóm cử tri trẻ ở Anh băn khoăn và lo lắng sau cuộc trưng cầu ngày 23/6.

Anh roi EU anh 1
Bản đồ các nước thuộc Liên minh châu Âu. Màu xanh nhạt: Các nước tham gia Hiệp ước Schengen, màu đỏ: các nước không tham gia. Màu xanh đậm: không phải thành viên EU, xanh lá cây: các nước muốn gia nhập EU. Đồ họa: CCMA aa

Kết quả cuộc trưng cầu dân ý ngày 24/6 về việc Anh đi hay ở lại Liên minh châu Âu (EU) cho thấy, 52% người dân trong tổng số 46,5 triệu cử tri muốn nước này rời khối. Đây là cuộc trưng cầu vốn gây chia rẽ nước Anh trong suốt những tháng qua, trong khi cả thế giới và EU phải nín thở.

Theo CNN, những người trẻ Anh không vui trước kết quả trưng cầu. Họ đã bỏ phiếu để nước này ở lại EU, song bị số lượng phiếu của nhóm cử tri lớn tuổi áp đảo.

Tức giận

Millennials (chỉ thế hệ đầu tiên lớn lên cùng các phương tiện truyền thông xã hội, sinh từ năm 1980 tới 2000) tỏ rõ sự giận dữ và hoài nghi về kết quả cuộc bỏ phiếu. “Tôi rất tức giận. Một thế hệ hưởng mọi thứ: giáo dục miễn phí, trợ cấp hưu trí, nhưng lại bỏ phiếu để tước đoạt tương lai của thế hệ chúng tôi”, Adam Newman tới từ Bristol chia sẻ trên Twitter. Newman đề cập tới nhóm cử tri lớn tuổi, chiếm tỷ lệ lớn cử tri ủng hộ Brexit (Anh rời EU).

Anh roi EU anh 2

Nhóm người trẻ phản đối Brexit tỏ rõ sự thất vọng

 khi biết kết quả cuộc trưng cầu ngày 23/6. Ảnh: Reuters

Theo Yougov, hãng thăm dò dư luận Anh, 64% số người trong độ tuổi 25 tới 29 muốn Anh ở lại Liên minh châu Âu, trong khi đó, tỷ lệ này ở nhóm người trong độ tuổi 30 - 34 là 61%.

Những cử tri già hơn, nhiều khả năng đã bỏ phiếu rời EU, theo khảo sát. Dù những người trẻ hơn tuổi 44 nhiều khả năng đã bỏ phiếu để Anh ở lại, cán cân đã nghiêng về phe Brexit, với các cử tri trên 45 tuổi.

“Tôi không thể hiểu được khi mọi người lại lấy đi tương lai của thế hệ chúng tôi”, Hetti Bywater viết trên Twitter.

Lo lắng

Những người trẻ ở Anh chịu tác động lớn hơn cả từ cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua. Theo Viện Nghiên cứu Tài chính, lương thực tế của mọi nhóm lao động đều giảm sau năm 2009, nhưng thu nhập của nhóm công dân dưới 30 tuổi giảm mạnh nhất.

Nhiều bạn trẻ lo ngại, việc Anh rời khỏi EU đồng nghĩa với sự cô lập. Một bình luận trên tờ Financial Times được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội viết: “Thế hệ trẻ đã mất quyền sống và làm việc tại 27 quốc gia khác. Chúng ta sẽ chẳng bao giờ biết hết mức độ tổn hại (từ việc Anh rời EU) gồm cơ hội, tình bạn, hôn nhân và những trải nhiệm”.

Nhiều sinh viên lo lắng về cơ hội du học ở các nước thuộc Liên minh châu Âu trong tương lai. “Cảm giác như cơ hội học tập ở nước ngoài qua Erasmus đã bị lấy đi do những lá phiếu của thế hệ khác. Thật đáng thất vọng”, Sophie Mitchell từ Scotland chia sẻ trên Twitter.

Erasmus là chương trình trao đổi sinh viên giữa các nước châu Âu nhằm tạo cơ hội cho sinh viên EU được học tại một trường đại học ở quốc gia thuộc khối và vẫn nhận được tiền trang trải một phần chi phí.

Anh roi EU anh 3
Phân bổ cử tri trong trưng cầu dân ý theo độ tuổi. Theo đó, nhóm người từ 18 đến 24 có tỷ lệ ủng hộ cao nhất. Cử tri càng lớn tuổi càng muốn nước Anh rời EU.

Nhiều cử tri trẻ lo ngại, cuộc trưng cầu có thể kéo theo nhiều tác động tương tự khủng hoảng gần đây. Các dự báo ảm đạm cho thấy, Brexit có thể tước 820.000 việc làm. Trong đó, nhóm những người trẻ sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất. “Nhiều người sẽ bị mất việc và tôi tự hỏi ai sẽ là người đầu tiên... Đó là các bạn trẻ”, Emma Katie Peadon đăng trên Twitter.

Một thỉnh nguyện thư kêu gọi cuộc trưng cầu thứ hai đã thu hút được 100.000 chữ ký cần thiết để Quốc hội Anh xem xét thảo luận.

Megan Dunn, chủ tịch Liên đoàn sinh viên Anh gồm 600 trường đại học, cho hay kết quả của thỉnh nguyện thư sẽ “có tác động rất lớn tới sinh viên và tương lai của họ”.

Dunn đã gửi thư tới Thủ tướng Anh David Cameron trước khi ông từ chức vào sáng 24/6. Trong lá thư, Dunn viết, tiếng nói của sinh viên và những người trẻ cần được lắng nghe khi đất nước đưa ra quyết định sau cuộc trưng cầu ý dân.

Anh roi EU anh 4

Các sinh viên Anh đều nói không với Brexit. Ảnh: Independent


"Chúng tôi biết rằng, quyết định này sẽ ảnh hưởng đến những người trẻ tuổi hơn bất kỳ nhóm nào khác. Cuộc trưng cầu là sai lầm khi các thế hệ lớn tuổi luôn chi phối các cuộc thảo luận và quyết định”, cô nói.

Ngày 23/6, đông đảo người dân Anh bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý về việc “rời bỏ” hay “ở lại” với Liên minh châu Âu. Các cuộc thăm dò trước bỏ phiếu cho thấy phe ủng hộ ở lại chiếm đa số nhưng kết quả kiểm phiếu nói lên điều ngược lại. Với 52% cử tri ủng hộ Brexit, nước Anh đã có quyết định cuối cùng cho cuộc hôn nhân với EU. Kết quả Anh rời EU được cho là một cú sốc lớn và có thể gây ra những hậu quả chưa thể lường trước.

Liên minh châu Âu (gọi tắt là EU) hiện bao gồm 27 nước thành viên. EU là một thực thể kinh tế, chính trị đặc thù với mức độ liên kết sâu sắc. Về cơ bản, EU có các định chế chính là: Hội đồng châu Âu, Hội đồng Bộ trưởng, Nghị viện châu Âu, Uỷ ban châu Âu và Toà án châu Âu.

Với hơn 500 triệu dân, Liên minh châu Âu chiếm khoảng 22% (16,2 nghìn tỷ USD năm 2015) GDP danh nghĩa và khoảng 17% (19,2 nghìn tỷ USD năm 2015) GDP sức mua tương đương của thế giới (PPP).

Toàn cảnh Anh rời EU trong 100 giây Nỗi lo sợ tình trạng nhập cư ồ ạt và chủ nghĩa hoài nghi châu Âu khiến người dân Anh bỏ qua những cảnh báo thiệt hại kinh tế để lựa chọn rời khỏi Liên minh châu Âu.
Người châu Âu hôn chuyền từ Berlin tới London, chống Brexit Những nụ hôn được trao từ Rome, Berlin, tới Paris và kết thúc ở London nhằm thể hiện một châu Âu thống nhất hơn và góp tiếng nói ủng hộ Anh ở lại Liên minh châu Âu (EU).

Anh rời EU: Tiếp theo sẽ là Pháp, Hà Lan, Thụy Điển?

Giới chính khách thế giới lo ngại rằng, việc cử tri Anh quyết định rút khỏi EU có thể tạo ra hiệu ứng domino ở châu Âu. Nhưng thực tế, không phải nước nào cũng muốn làm theo Anh.

Hải Anh

Bạn có thể quan tâm