Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Lãnh đạo châu Âu đứng ngồi không yên sau sự sụp đổ của bà Truss

Sự sụp đổ của bà Liz Truss là lời cảnh báo về nguy cơ chính trị đang chờ đợi các lãnh đạo châu Âu nếu không giải quyết được tình trạng xói mòn mức sống, bất kể nguyên nhân là gì.

khung hoang nang luong anh 1

Tại một khu chợ ngoài trời ở Rome, Italy, những người phụ nữ nghỉ hưu đang ca thán về giá cam, khăn ăn, hóa đơn điện nước tăng cao ngất ngưởng trong những tháng gần đây.

“Giá mọi thứ đều tăng cao”, bà Simonetta Belardi, 69 tuổi, chia sẻ. Khi lạm phát ăn mòn số tiền tiết kiệm của bà Belardi, sự ủng hộ của bà dành cho Ukraine trong cuộc xung đột hiện nay cũng giảm dần, theo New York Times.

Bà Belardi cho rằng đã đến lúc chấm dứt viện trợ quân sự cho Ukraine và chuyển sang đàm phán ngoại giao, khi ngày càng nhiều người cần được cứu trợ kinh tế dần mất kiên nhẫn.

“Những gì họ muốn là vũ khí”, bà nói về Ukraine. "Tôi phát ốm và mệt mỏi vì chúng".

Đó là sự mất kiên nhẫn, thậm chí tức giận, trước tình trạng lạm phát hiện nay ở châu Âu. Sự kích động này đang lan rộng ra nhiều nước, trong đó có Pháp và Đức, với các cuộc biểu tình khiến giới chức trách bất an.

Mặc dù sự bế tắc trong nền kinh tế Anh phần lớn xuất phát từ kế hoạch còn dang dở của bà Liz Truss, quyết định từ chức của thủ tướng Anh hôm 20/10 có lẽ là tín hiệu rõ ràng nhất cho thấy nguy cơ chính trị đang chờ đợi các lãnh đạo châu Âu, nếu không giải quyết được lạm phát và tình trạng suy giảm mức sống, bất kể nguyên nhân là gì.

Lời cảnh báo với châu Âu

Tỷ lệ lạm phát hàng năm ở Liên minh châu Âu đang ở mức cao nhất trong nhiều thập kỷ - 10,9% vào tháng 9, tăng so với mức 3,6% vào năm 2021, theo Euronews.

Tình trạng này thậm chí còn tồi tệ hơn ở Mỹ và Anh, xuất phát từ những nỗ lực trừng phạt Nga vì chiến sự ở Ukraine.

Khi mùa đông đến gần, quyết tâm của châu Âu nhằm quay lưng với năng lượng Nga bắt đầu đè nặng lên các hộ gia đình ở khắp nơi, làm xói mòn mức sống và đe dọa loại bỏ sự thống nhất đối với các lệnh trừng phạt Nga ở một số quốc gia.

khung hoang nang luong anh 2

Thủ tướng Anh Liz Truss tuyên bố từ chức vào ngày 20/10. Ảnh: Reuters.

Trong một bài phát biểu tại Liên Hợp Quốc vào tháng 9, ông Mario Draghi, lúc đó là thủ tướng sắp mãn nhiệm của Italy, cảnh báo chi phí năng lượng tăng cao sẽ “đe dọa sự phục hồi kinh tế, hạn chế sức mua của các gia đình và gây tổn hại đến khả năng sản xuất của doanh nghiệp”.

“Nó có thể làm giảm cam kết của các nước đối với Ukraine”, ông nói thêm.

Viễn cảnh này đang đến gần khi các cuộc đình công và biểu tình phản đối chi phí sinh hoạt ngày càng gia tăng, mở ra một thời kỳ bất ổn xã hội chưa từng thấy kể từ ít nhất những năm 1970.

“Chúng ta đã thấy điều này sau Thế chiến I, Thế chiến II và cả những năm 70”, Kurt Vandaele, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Liên minh Thương mại châu Âu, cho biết. "Đã có những làn sóng đình công liên quan đến sự gia tăng lạm phát đột biến”.

Ở Italy, áp lực ở khắp mọi nơi. Các tổ chức công đoàn muốn chính phủ trợ cấp năng lượng nhiều hơn để giúp các công ty làm gốm - những người cần năng lượng để duy trì lò nung. Họ cũng kêu gọi hỗ trợ nông dân - những người đang bị ảnh hưởng bởi giá phân bón tăng.

Tuần này, cựu Thủ tướng Italy Giuseppe Conte tuyên bố sẽ tham gia một cuộc biểu tình lớn vào ngày 5/11 nhằm kêu gọi hòa bình cho Ukraine và chấm dứt vận chuyển vũ khí.

Tại Cộng hòa Czech, những đám đông lớn vào tháng 9 đã yêu cầu chính phủ liên minh thân phương Tây từ chức, chỉ trích việc họ ủng hộ các lệnh trừng phạt của EU đối với Nga. Họ cũng chỉ trích chính phủ vì đã không làm đủ để giúp các hộ gia đình và doanh nghiệp đang bị bóp nghẹt bởi chi phí năng lượng, theo AP.

Các nước Baltic cũng phải gánh chịu tác động kinh tế nặng nề. Estonia ghi nhận tỷ lệ lạm phát 24% vào tháng 9 - cao nhất ở châu Âu. Lithuania và Latvia cũng trải qua tình trạng tương tự, với mức lạm phát khoảng 22%.

Và những thách thức về kinh tế đang kéo theo hậu quả chính trị.

Sự ủng hộ đối với đảng dân tộc cực hữu của Estonia (đảng đối lập) đang tăng lên khi nước này chỉ cách cuộc bầu cử quốc hội 6 tháng.

Ở Hungary - nơi ghi nhận mức lạm phát hơn 20% do giá năng lượng tăng vọt - Thủ tướng Viktor Orban đã gia tăng nỗ lực từ chối các lệnh trừng phạt chống lại Nga để theo đuổi thỏa thuận với tập đoàn khí đốt Gazprom.

Về phần mình, Anh đã ủng hộ Ukraine mạnh mẽ, nhưng khi chính phủ của bà Truss sụp đổ dưới sức nặng của các chính sách kinh tế liều lĩnh, một cuộc tranh luận về việc cắt giảm chi tiêu quân sự đang nổi lên.

Mất kiên nhẫn

Tại Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu - cuộc khủng hoảng có nguy cơ làm lung lay quan điểm vốn đã chia rẽ sâu sắc của nước này về cách giúp Ukraine và liệu có nên hợp tác với Nga hay không.

Hiện nay, 67% người Đức lo lắng về chi phí sinh hoạt - cao hơn 16% so với năm 2021. Đó là nỗi lo hàng đầu của đất nước bất chấp các gói viện trợ của chính phủ.

khung hoang nang luong anh 3

Những người biểu tình phản đối việc tăng giá năng lượng và chi phí sinh hoạt ở Leipzig, Đức, vào tháng 9. Ảnh: Reuters.

Tại các bang ở miền Đông thuộc nhóm nghèo nhất nhất nước Đức, hàng chục nghìn người biểu tình xuống đường hàng tuần để chỉ trích giá cả tăng vọt và việc ủng hộ Ukraine.

Daniel Schmal, 23 tuổi, gần đây đã đóng cửa doanh nghiệp xuất nhập khẩu của mình ở Leipzig, và bắt đầu tham gia một ứng dụng chia sẻ xe chung. Anh cho biết: “Căng thẳng kinh tế có thể thấy ở khắp mọi nơi. Chúng ta sẽ thấy nhiều doanh nghiệp hoặc nhà máy đóng cửa hơn”.

Trong khi đó, tại Pháp, các cuộc đình công và biểu tình đang gia tăng dữ dội do lo ngại về mức sống.

Một nghiên cứu gần đây dự đoán lạm phát do giá năng lượng tăng cao sẽ làm giảm 73 tỷ USD tổng sản phẩm quốc nội và 1,4% sức mua của Pháp trong năm 2023, với tác động chủ yếu ở các hộ gia đình nghèo hơn.

“Cuộc khủng hoảng năng lượng rất bất bình đẳng”, Éric Heyer, nhà kinh tế học tại Đài quan sát kinh tế Pháp có trụ sở tại Paris và là một trong những tác giả của nghiên cứu trên, cho biết.

Vào ngày 18/10, các công đoàn chính của Pháp đã dẫn đầu các cuộc biểu tình lớn ở Paris, với hàng chục nghìn người tuần hành đòi tăng lương. Tuần trước, một cuộc khảo sát của công ty thăm dò dư luận IFOP cũng cho thấy sự ủng hộ dành cho Ukraine đã giảm khoảng 5 điểm phần trăm kể từ tháng 5.

Vào tháng 8, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã kêu gọi người dân chịu đựng khó khăn kinh tế để thể hiện tình đoàn kết với Ukraine. Pháp có nhiệm vụ “chấp nhận cái giá của sự tự do”, ông Macron nói.

Tuy nhiên, theo nghiên cứu của ông Adrien Broche và các đồng nghiệp, hiện chỉ 1/3 người Pháp đồng ý hy sinh để hỗ trợ Ukraine. “Dư luận đang ngày càng chia rẽ”, ông nói.

Tại Italy, cựu Giám đốc ngân khố Lorenzo Codogno - người điều hành một công ty tư vấn theo dõi chính trị trong nước - dự đoán bà Meloni sẽ duy trì sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Ukraine, nhưng có thể kêu gọi châu Âu giúp giảm thuế đối với các mặt hàng thực phẩm cốt lõi nhằm giúp đỡ những người dân có thu nhập thấp.

"Cần đạt được một loại thỏa thuận nào đó ở cấp độ toàn châu Âu", ông nói.

Song trở lại các khu chợ ở Rome, không phải tất cả người dân đều mong muốn từ bỏ cam kết với Ukraine.

Anna Andolfi, 77 tuổi, nói rằng bà đã thấy nhiều bạn bè, thậm chí cả những người khá giả hơn, ngày càng tỏ ra thiếu kiên nhẫn với sự hỗ trợ của Italy cho Ukraine, do chi phí sinh hoạt quá cao.

Tuy nhiên, bà Andolfi nói rằng một phụ nữ trẻ người Ukraine đang làm việc cho gia đình bà và cô gái này liên tục lo lắng cho mẹ ở Lviv.

“Tôi không quan tâm giá cả tăng lên bao nhiêu”, bà nói. "Tôi sẽ tắt (máy sưởi) và mặc hai bộ quần áo trượt tuyết nếu cần để có thể tiếp tục ủng hộ Ukraine".

Thủ tướng Anh Liz Truss phát biểu từ chức Thủ tướng Liz Truss đã đưa ra tuyên bố từ chức vào ngày 20/10, bên ngoài văn phòng làm việc tại số 10 phố Downing. Bà là nhà lãnh đạo có nhiệm kỳ ngắn ngủi nhất lịch sử nước Anh.

EU quyết áp giới hạn khẩn cấp với giá khí đốt

Ủy ban châu Âu đã đưa ra một loạt biện pháp khẩn cấp để giải quyết tình trạng giá năng lượng cao, bao gồm đề xuất các nước mua khí đốt chung để có được mức giá tốt từ nhà cung cấp.

Khủng hoảng năng lượng phơi bày bất bình đẳng ở Pháp

Pháp đã thực hiện nhiều bước đi táo bạo để hạn chế tác động của khủng năng lượng, song điều đó dường như đang khiến tình trạng bất bình đẳng xã hội trầm trọng thêm.

Hải Linh

Bạn có thể quan tâm