Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

EU quyết áp giới hạn khẩn cấp với giá khí đốt

Ủy ban châu Âu đã đưa ra một loạt biện pháp khẩn cấp để giải quyết tình trạng giá năng lượng cao, bao gồm đề xuất các nước mua khí đốt chung để có được mức giá tốt từ nhà cung cấp.

khung hoang nang luong anh 1

Ủy ban châu Âu, cơ quan điều hành của EU, hôm 18/10 đã công bố đề xuất mới, bao gồm kế hoạch mua khí đốt chung giữa các nước EU nhằm kịp thời bổ sung các kho dữ trữ cho mùa đông tới, cũng như giúp thương lượng giá thấp hơn.

Các quốc gia sẽ được yêu cầu cùng mua 15% khối lượng cần thiết để đạt được mục tiêu của EU là lấp đầy 90% các kho chứa khí đốt vào ngày 1/11/2023.

Mỗi quốc gia sẽ chịu trách nhiệm tập hợp các công ty trong nước tham gia vào kế hoạch này, với yêu cầu các công ty không mua khí đốt của Nga.

Brussels cũng đề xuất các biện pháp điều chỉnh các quy tắc thị trường năng lượng. Các địa điểm giao dịch từ ngày 31/1/2023 sẽ được yêu cầu áp đặt giới hạn giá trên và dưới mỗi ngày để hạn chế các biến động.

Tuy nhiên, khối đã ngừng đề xuất áp giá trần ngay lập tức, thay vào đó đề xuất biện pháp này như một phương án cuối cùng.

“Gói biện pháp ngày hôm nay sẽ giúp các gia đình ở châu Âu giữ ấm trong mùa đông tới và ngành công nghiệp tiếp tục phát triển”, Phó chủ tịch điều hành Ủy ban châu Âu (EC) Frans Timmermans cho biết.

Các đề xuất này đánh dấu phản ứng mới nhất của EU trong nỗ lực đối phó với giá năng lượng leo thang và suy giảm nguồn cung đang gây sức ép lên lục địa già khi mùa đông đến gần.

khung hoang nang luong anh 2

Chủ tịch EC Ursula von der Leyen và phó chủ tịch EC phụ trách Thỏa thuận Xanh Frans Timmermans. Ảnh: AFP.

Kế hoạch ngắn hạn

Moscow đã cắt hoàn toàn dòng chảy khí đốt qua đường ống Nord Stream vào cuối mùa hè, góp phần làm tăng giá khí đốt ở châu Âu. Tháng trước, đường ống này thậm chí bị hư hại nghiêm trọng trong một vụ nổ mà các quan chức phương Tây cho là xuất phát từ hành động phá hoại.

Ủy ban sau đó đã đưa ra khuyến nghị riêng vào hôm 18/10, kêu gọi các nước thành viên kiểm tra sự ổn định và xác định lỗ hổng liên quan đến đường ống, cáp dưới nước cũng như những cơ sở hạ tầng quan trọng khác.

Các quan chức cũng cho biết họ sẽ làm việc để cải thiện sự phối hợp giữa các quốc gia và với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương.

Giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu trong những ngày gần đây giảm xuống mức thấp nhất kể từ cuối tháng 6, nhờ dự báo về một mùa đông ít lạnh giá hơn và các kho dự trữ gần như được lấp đầy.

Ngoài biện pháp trên, khối cũng đề xuất các nước EU chấp thuận dự thảo đề xuất đặt "giá dao động tối đa" tạm thời cho những giao dịch tại sàn giao dịch chính của châu Âu Title Transfer Facility ở Hà Lan, Reuters đưa tin.

Về ngắn hạn, châu Âu sẽ lập cơ chế điều chỉnh giá để đặt ra mức giá giới hạn được điều chỉnh hàng ngày nhằm ngăn giá khí đốt tăng quá cao. Trong khi đó, các quan chức làm việc để thiết lập một mức giá chuẩn dài hạn cho giao dịch khí thiên nhiên hóa lỏng của khu vực.

EC mô tả đó sẽ là "biện pháp cuối cùng" và cho biết nó có thể được mở rộng để thiết lập trên phạm vi giao dịch ở các trung tâm khác của châu Âu.

khung hoang nang luong anh 3

Phó chủ tịch EC Frans Timmermans cho biết gói biện pháp mới sẽ giúp các gia đình ở châu Âu giữ ấm trong mùa đông tới và ngành công nghiệp tiếp tục phát triển. Ảnh: Reuters.

“Chúng tôi sẽ đưa ra một cơ chế tạm thời để hạn chế giá quá cao trong mùa đông này, trong khi chúng tôi phát triển một tiêu chuẩn mới để LNG sẽ được mua bán với giá công bằng hơn", bà Ursula von der Leyen.

Ủy ban cho biết thêm việc áp giá trần cần phải đáp ứng một số điều kiện, bao gồm đảm bảo rằng dòng khí đốt giữa các nước EU không bị gián đoạn, mức tiêu thụ khí đốt của châu Âu không tăng lên và thị trường phái sinh tiếp tục hoạt động hiệu quả.

Trước đó, Italy, Pháp và hơn 10 quốc gia khác đã kêu gọi giới hạn giá khí đốt bán buôn để giảm bớt gánh nặng cho các doanh nghiệp cùng hộ gia đình. Tuy nhiên, Đức và Hà Lan phản đối đề xuất này, nói rằng nó có thể khiến nguồn cung khí đốt tại châu Âu càng trở nên khan hiếm hơn.

Các quốc gia này lập luận biện pháp áp giá trần đối với tất cả nhà xuất khẩu năng lượng có thể dẫn đến nhu cầu tăng cao, làm suy yếu nỗ lực khuyến khích tiết kiệm năng lượng, đồng thời chuyển hướng khí đốt sang những bên mua sẵn sàng trả nhiều tiền hơn.

Đề xuất mới của ủy ban EC nhằm tìm ra giải pháp trung hòa giữa hai vấn đề trên. Các quan chức cho biết gói giải pháp được truyền cảm hứng từ đề xuất giới hạn giá khí đốt, nhưng cũng bao gồm biện pháp bảo vệ để đảm bảo dòng khí đốt vẫn tiếp tục chảy vào lục địa già và nhu cầu không tăng.

"Hành động cùng nhau"

“Chúng tôi càng xác định rõ về những khả năng có thể xảy ra, chúng tôi càng có thể thuyết phục các quốc gia thành viên làm việc với chúng tôi về giải pháp đó”, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nói về đề xuất áp giá trần khí đốt.

Bà cho biết kế hoạch này sẽ giúp chứng minh rằng có những giới hạn đối với mức giá mà EU sẵn sàng chi trả cho khí đốt.

khung hoang nang luong anh 4

Việc đường ống Nord Stream bị hư hỏng nặng khiến Nga không thể khôi phục phần lớn nguồn cung khí đốt cho châu Âu. Ảnh: Reuters.

Dù vậy, Mike Fulwood, thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford, cho biết việc áp giá trần và một đề xuất song song nhằm tạo ra mức giá chuẩn mới dựa trên các giao dịch khí đốt tự nhiên hóa lỏng vẫn thiếu tính cụ thể.

“Tôi nghĩ nó chỉ để trấn an những nước thành viên EU muốn áp giá trần”, ông nói.

Các quan chức cho biết đề xuất áp giá trần sẽ có hiệu lực qua hai bước. Trước tiên, các quốc gia cần phải thống nhất ý tưởng chung về việc thiết lập áp giá trần khẩn cấp đối với TTF - giá tiêu chuẩn cho tất cả khí đốt được giao dịch trong khối.

Sau đó, ủy ban sẽ công bố một đề xuất thứ hai phác thảo chi tiết cách thức hoạt động của việc áp giá trần. Điều này cũng sẽ yêu cầu sự chấp thuận của các nước EU.

Các kế hoạch sẽ được các nhà lãnh đạo thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh ở Brussels vào ngày 20/10 và tại cuộc họp của các bộ trưởng năng lượng EU trong tuần tới.

Một yếu tố khác trong đề xuất là tìm cách tổng hợp nhu cầu mua khí đốt tự nhiên của các nước EU để thương lượng mức giá tốt hơn với các nhà cung cấp. Ủy ban cho rằng việc mua khí đốt cùng nhau sẽ cho phép những nước nhỏ tiếp cận nguồn cung dễ dàng hơn và ngăn chặn các nước thành viên đấu thầu làm tăng giá.

"Chúng ta biết rằng chúng ta mạnh mẽ khi hành động cùng nhau... Các quốc gia thành viên và công ty năng lượng nên thúc đẩy sức mua chung của họ", bà von der Leyen nói.

Đề xuất của ủy ban cũng đặt ra quy tắc mới về cách thức phân bổ khí đốt giữa các quốc gia và giữa các khách hàng trong trường hợp thiếu hụt nghiêm trọng.

Doanh nghiệp châu Âu: 'Chúng tôi đang ở thế nghìn cân treo sợi tóc'

Các doanh nghiệp châu Âu chật vật tìm cách cắt giảm chi phí năng lượng khi mùa đông tới, dù chính phủ đã tung ra chính sách hỗ trợ nhằm làm dịu bớt tác động cuộc khủng hoảng.

Ba Lan phát hiện sự cố rò rỉ tại đường ống dẫn dầu Druzhba từ Nga

Đường ống Druzhba vận chuyển dầu từ Nga đến châu Âu đã bị đóng một phần sau khi sự cố rò rỉ được phát hiện ở Ba Lan.

Minh An

Bạn có thể quan tâm